Thứ 6, 19/04/2024 10:59:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:01, 07/11/2012 GMT+7

Quan niệm về đá của một số dân tộc thiểu số ở Bình Phước

Thứ 4, 07/11/2012 | 15:01:00 276 lượt xem

Bình Phước là địa bàn có nhiều cộng đồng cư dân sinh sống, trong đó người Khơme, Xêtiêng, Mơnông đã sinh sống lâu đời ở vùng đất này. Trong quá trình cư trú, họ tiếp xúc với nhiều hiện tượng tự nhiên, trong đó có đá - một loại vật chất tồn tại trong tự nhiên nhưng đã được người dân tiếp cận và suy nghĩ về nó theo một cách riêng. Đó là hình tượng và thần thánh hóa - đưa đá trở thành một biểu tượng của sự linh thiêng, mang lại may mắn cho cộng đồng.

Già làng lấy đá về làm lễ lập làng mới - Ảnh: Đinh Nho Dương

Người Xêtiêng xem đá là một trong những vật thiêng liêng, là thần. Do đó trong quá trình xây dựng sóc ấp, làm nhà, họ đều không lựa chọn những nơi có nhiều đá lớn, vì họ cho rằng nơi đó là thần an ngự, nếu cư trú sẽ gặp điều không may. Ngoài ra, người Xêtiêng còn xây dựng một số câu chuyện cổ tích, thần thoại để nói về những hiện tượng liên quan đến đá, đặc biệt là những nơi có nhiều đá lớn. Chẳng hạn câu chuyện về Bãi đá voi ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập; câu chuyện về cuộc chiến tranh giữa hai dòng họ, hai nhóm cư dân ở thác Đắk U, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập); hay câu chuyện về già làng Rlem đi lễ hội Phá bàu bị ngứa và chết ở xã Lộc An (Lộc Ninh). Những câu chuyện trên có kết cuộc chung là tất cả đều chết và hóa đá. Đây cũng là một trong những cách để người dân giải thích hiện tượng tự nhiên - sự hiện diện của đá, đặc biệt là những nơi đá tập trung với số lượng lớn, có hình thù đồ sộ và kỳ dị hoặc giống với những hình ảnh trong cuộc sống của người dân (giống hình con voi, con heo, bàn tay...) khi họ chưa có cách giải thích nào phù hợp, khoa học hơn. Ngoài ra, trong các lễ hội truyền thống như lễ Mừng lúa mới, Lập làng mới, người Xêtiêng còn sử dụng đá trong nghi lễ cúng thần linh với mục đích cầu mong sự vững bền.

Người Mơnông cũng có những quan niệm về đá tương tự như người Xêtiêng. Theo ông Điểu Mốt ở ấp 8, xã Đồng Nai (Bù Đăng), trong cộng đồng Mơnông còn lưu truyền phong tục: Trong quá trình săn bắt, ai phát hiện được viên đá màu trong dạ dày của con mễn, nai là điều may mắn, là người được thần linh, ông trời giao cho nhiệm vụ thực hiện làm cầu nối giữa thần linh và cư dân. Từ đó, người này trở thành nhân vật quan trọng trong sóc, bon. Mỗi khi sóc, bon cần những việc quan trọng đều tìm người này để hỏi ý kiến, như xem ngày, hỏi những việc xảy ra trong sóc... Trong các lễ hội truyền thống, người này là chủ lễ chính thực hiện nghi lễ cúng tế. Viên đá do người đó phát hiện và cất giữ cũng đóng vai trò quan trọng trong nghi lễ cúng của lễ hội. Bất kỳ lễ hội truyền thống nào của cộng đồng đều thực hiện nghi lễ cúng đá thần này trước, sau đó mới tiến hành các nghi lễ khác. Ở xã Đồng Nai (Bù Đăng) còn lưu truyền những câu chuyện cổ tích, thần thoại về đá ở trảng Bù Lạch cũng với mô-típ hóa đá như người Xêtiêng.

Người Khơme cũng có quan niệm về đá liên quan đến đời sống tinh thần của cộng đồng, trong đó tiêu biểu nhất là việc sử dụng đá trong lễ cúng nhà mới. Khi người dân làm nhà xong và lễ cúng nhà mới, đồ vật được đưa vào đầu tiên và không thể thiếu là một viên đá lớn. Họ giải thích đây là phong tục được lưu truyền từ xa xưa với mong muốn ngôi nhà luôn vững bền, chắc chắn như đá. So với hai cộng đồng cư dân Xêtiêng, Mơnông thì quan niệm về đá của người Khơme có phần thực tế và phù hợp hơn.

Có thể thấy, mỗi cư dân có cách quan niệm về đá khác nhau nhưng đều để giải thích những hiện tượng tự nhiên mà họ nhìn thấy hằng ngày, hoặc dùng để gửi gắm những mong ước về một cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc. Một số quan niệm đã trở thành phong tục của người dân, như tục cúng nhà mới của người Khơme, một số đã đi vào văn học dân gian (chuyện kể), đi vào văn nghệ dân gian (trong các bài hát sử thi - chuyện ông Rlem)... Ngày nay, xã hội đã có những phát triển mọi mặt, nhưng hình tượng đá, quan niệm về đá và cách sử dụng đá trong đời sống của họ vẫn còn tồn tại.

Phạm Hữu Hiến

  • Từ khóa
87815

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu