Thứ 6, 19/04/2024 16:27:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:30, 10/01/2015 GMT+7

Phong trào thi đua sản xuất giỏi: Tạo sức bật cho nông dân

Thứ 7, 10/01/2015 | 06:30:00 381 lượt xem
BP - 5 năm qua, từ phong trào nông dân sản xuất giỏi, Bù Đốp đã khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, nguồn vốn… trong phát triển sản xuất. Không chỉ mạnh dạn tuyên truyền, phổ biến việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, các cấp hội còn đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, giúp hội viên nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.


Nông dân xã Tân Tiến (Bù Đốp) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc tiêu

Hiệu ứng tích cực

Ông Trần Văn Thành, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đốp cho biết: Từ năm 2009 đến nay, nhiều hội viên không chỉ sản xuất giỏi mà còn tạo việc làm cho hội viên khó khăn, giúp đỡ hộ nghèo về vốn, cây - con giống... Không ít hội viên đã mạnh dạn bỏ vốn, mở rộng diện tích thâm canh và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì sản xuất bền vững. Nhiều hội viên có mức thu từ 500 triệu đồng trở lên sau khi trừ chi phí. Điển hình như mô hình trồng cao su, tiêu và kinh doanh của ông Trần Ngọc Khanh ở xã Tân Thành, mô hình trồng tiêu sạch của ông Phạm Đức Gá ở xã Phước Thiện, mô hình nuôi heo của ông Võ Văn Tân ở xã Thanh Hòa...

Với 3,4 ha, trong đó có 2 ha cao su và 2.000 nọc tiêu, còn lại là các loại cây trồng khác, mỗi năm gia đình ông Đinh Văn Hướng ở ấp 8, xã Thanh Hòa thu lãi gần 300 triệu đồng và tạo việc làm cho 4-5 lao động thời vụ với mức lương trên 3 triệu đồng. Theo ông Hướng, muốn sản xuất hiệu quả, mọi người trong gia đình phải đồng cam cộng khổ, biết tiết kiệm trong chi tiêu và đầu tư có mục đích. Chủ động đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường. Cũng cần học hỏi những cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả để rút kinh nghiệm và có định hướng sản xuất phù hợp với thực tiễn.

Nhìn vườn tiêu hàng ngàn nọc xanh mướt được che chắn cẩn thận của ông Phạm Văn Tạc ở ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện mới thấy hết sự kỳ vọng của người nông dân đối với loại cây trồng này. Theo ông, ngoài tìm hiểu trên sách báo, nghe phổ biến trong các buổi tập huấn và tham quan thực tế, người nông dân cần theo dõi chặt quá trình sinh trưởng và hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học.

Bài học rút ra

Thực tế cho thấy, muốn phát huy hiệu quả phong trào phải tháo gỡ được những khó khăn, tồn tại. Đó là tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số nơi chưa phù hợp với nhu cầu thị trường; sự liên kết 4 nhà chưa nhịp nhàng; độ tích tụ đất còn nhỏ, ảnh hưởng đến việc quy hoạch vùng chuyên canh lớn sản xuất theo hướng hàng hóa... Đặc biệt, việc tuyên truyền vận động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và giúp nhau xóa nghèo ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều trở ngại do trình độ dân trí không đồng đều - ông Trần Văn Thành cho biết.

 Do được hỗ trợ đúng hướng và đúng mục đích, 5 năm qua, đã có 43 hộ hội viên nông dân của huyện thoát nghèo, trong đó 17 hộ vươn lên làm giàu, trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, xã. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Phạm Quang Yên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Hưng nói: Để hỗ trợ nông dân, các cấp hội cần đẩy mạnh phối hợp với ngành liên quan tạo điều kiện cho nông dân đưa giống mới chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất; mua bán vật tư nông nghiệp trả chậm; vận động hội viên có điều kiện kinh tế khá, giàu giúp hội viên khó khăn; giới thiệu các mô hình mẫu để hội viên học tập, trao đổi kinh nghiệm...  

5 năm qua huyện Bù Đốp có 15.840 lượt hộ đăng ký nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, cấp trung ương 102 lượt hộ, cấp tỉnh 584 lượt hộ, cấp huyện 2.766 lượt hộ và cấp cơ sở 12.388 lượt hộ. Đã có 8.712 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp, chiếm 55% so với số hộ đăng ký.

Như Thảo

  • Từ khóa
39539

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu