Thứ 5, 25/04/2024 21:07:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:03, 03/11/2014 GMT+7

Trạm thu phí gây bí đầu tư

Thứ 2, 03/11/2014 | 09:03:00 400 lượt xem
BP - Dự án nâng cấp, mở rộng QL13 đoạn An Lộc - Hoa Lư là công trình trọng điểm của tỉnh do Công ty cổ phần BOT QL13 An Lộc - Hoa Lư làm chủ đầu tư. Mặc dù UBND tỉnh đã vào cuộc giải quyết những vướng mắc, nhưng các cổ đông vẫn “chê” chưa tiếp tục góp vốn cho dự án.

4 năm chưa xong 32km

 Dự án nâng cấp, mở rộng QL13 đoạn An Lộc - Hoa Lư được chia làm 8 gói thầu với tổng mức đầu tư 711 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 6, 7, 8 từ ngã ba sân vận động Lộc Ninh đến ngã ba Chiu Riu dài 15km sẽ thi công giai đoạn 2. 5 gói thầu giai đoạn 1 từ An Lộc (TX. Bình Long) đến Cầu Mua (Lộc Ninh) dài 32,7km, được khởi công từ tháng 12-2010. Theo kế hoạch, gói thầu này phải hoàn thành vào tháng 12-2013.

Bụi bay mù mịt trên QL13 do thi công dang dở

Thế nhưng, trên tuyến đường này hiện chúng tôi thấy một số đoạn rất ngắn được trải thảm nhựa một bên, còn lại là rải đá dăm, có đoạn bị cày xới lên rồi bỏ đó, bụi đất mù mịt, gây cản trở và mất an toàn giao thông. Theo báo cáo của chủ đầu tư, hơn một năm nay các đơn vị thi công cầm chừng, có gói thầu đã ngưng thi công. Mức độ hoàn thành các gói thầu chưa đến 50% và trị giá khối lượng đã thi công mới chỉ khoảng 180 tỷ đồng. Đặc biệt gói thầu 5B do Công ty TNHH xây dựng - thương mại Anh Khoa thực hiện khối lượng chỉ tương ứng 10% giá trị gói thầu 62,2 tỷ đồng. Đại diện công ty cho biết: Hiện đa số nhà thầu tạm dừng thi công chờ giải ngân vốn.

Theo phản ánh của người dân, trên đoạn đường An Lộc - Cầu Mua đã có không ít vụ tai nạn xảy ra. Chị Nguyễn Bích Thủy ở xã Thanh Phú (TX. Bình Long) có nhà ở mặt tiền QL13 nói: “Gần 4 năm nay, người dân sống hai bên tuyến đường này hàng ngày phải hít bụi. Mỗi ngày, tôi phải tưới nước lên đoạn đường trước nhà 3 lần mà vẫn bụi. Quán mở ra chẳng ai dám ngồi uống nước. Nhiều nhà dân phải đóng cửa chuyển đến nơi khác sinh sống...”.

Vì sao bí đầu tư?

Thu ngân sách của tỉnh thấp, trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội hàng năm rất lớn, vì vậy trông chờ Nhà nước đầu tư thì nhiều công trình không thể xây dựng được. Do đó, tỉnh đã chủ động kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện dự án.

Dự án có 7 cổ đông góp vốn. Tuy nhiên khi triển khai đã có 4 cổ đông không tham gia. Một trong 4 cổ đông cho biết: Kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng và ngân hàng không cho vay vốn khi trình dự án “đầu tư không sinh lời” nên rút lui. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chấp nhận cho công ty BOT mời gọi thêm cổ đông tham gia dự án và cắt giảm một số hạng mục của thiết kế ban đầu. Mặt khác, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé (cổ đông lớn nhất,  chiếm 41% cổ phần) được tăng vốn điều lệ lên 30% thay thế cổ phần của các cổ đông đã rút vốn và gia hạn thi công dự án giai đoạn 1 đến hết quý 1/2014.

Các bước thực hiện thủ tục tăng vốn của Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé chưa hoàn thành vì vướng thông tư quy định không cho đầu tư ngoài ngành. Ngoài ra, vốn hỗ trợ của tỉnh cho dự án vướng thủ tục sau khi kiểm toán... “Do thực hiện Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính, quy định khoảng cách đặt trạm thu phí (70km/trạm) dẫn đến cổ đông ngưng góp vốn và đề nghị trả dự án lại cho tỉnh. Nếu đặt trạm thu phí theo khoảng cách này, việc thu phí không đủ trả nợ do lưu lượng xe quá ít. Hiện cổ đông công ty nóng lòng muốn biết hướng giải quyết của bộ, ngành và tỉnh” - đại diện công ty BOT cho hay. Được biết, khi thông qua thiết kế đầu tư dự án, trạm thu phí của toàn tuyến được đặt tại đoạn qua xã Thanh Phú, nhưng theo Thông tư 159 thì khoảng cách đặt trạm thu phí gần với trạm số 2 (xã Tân Khai, huyện Hớn Quản) của dự án BOT đoạn cầu Tham Rớt - Bình Long. Vì thế nhà đầu tư bị ảnh hưởng tâm lý.

Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Giao thông - Vận tải đã chấp thuận đơn vị đầu tư đặt trạm thu phí theo đề nghị. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn chưa thống nhất. Về vấn đề này, đại diện Sở Giao thông - Vận tải cho rằng, do chưa quy hoạch đồng bộ về hệ thống trạm thu phí trên tuyến dẫn đến tình trạng “xung đột quyền lợi” giữa nhà đầu tư BOT các dự án hạ tầng giao thông với người sử dụng dịch vụ bị thu phí. Về góc độ quản lý nhà nước, Bình Phước cũng không thể “lạm dụng” mô hình BOT cho các dự án hạ tầng giao thông nhằm tránh tình trạng người sử dụng đường bộ phải đóng quá nhiều phí giao thông.

Dự án trọng điểm thi công với tốc độ “rùa” do vướng mắc nhiều thủ tục nên người dân phải sống trong bụi bặm nhiều năm liền. Họ đang ngày ngày mong tuyến đường sớm hoàn thành để không phải chịu đựng cảnh “sống chung với bụi”.            

T.Mảng

  • Từ khóa
37919

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu