Thứ 5, 28/03/2024 16:46:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:45, 08/09/2018 GMT+7

Kỳ vọng năm học mới

Thứ 7, 08/09/2018 | 10:45:00 212 lượt xem

BP - Cùng hàng triệu học sinh cả nước, hơn 246 ngàn học sinh tỉnh Bình Phước đã hòa trong niềm vui ngày khai trường, bước vào năm học với niềm tin và sự kỳ vọng. 2018-2019 được coi là năm học gấp rút chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT vừa ban hành các thông tư quy định về chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng các cơ sở giáo dục với quyết tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, từng bước đổi mới cách quản trị nhà trường theo hướng chủ động, dân chủ.

Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 4-9-2018 ban hành kèm theo quy định Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí. Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10-10-2018 ban hành kèm theo quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Việc quy định về chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên, theo Bộ trưởng bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, đây là bước tiến rất lớn, vì muốn nâng cao chất lượng giáo viên, đội ngũ quản lý giáo dục, việc đầu tiên là phải sửa các chuẩn. Tránh tình trạng hiện nay một số địa phương cứ nói vượt chuẩn nhưng chuẩn đó chưa phản ánh đúng yêu cầu thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực nhà giáo.

Từ trước đến nay, ở nước ta, việc đề bạt hiệu trưởng thực hiện theo quy trình bổ nhiệm và chủ yếu chọn người làm chuyên môn chứ không hẳn chọn người có năng lực quản lý. Gần đây, việc bồi dưỡng hiệu trưởng đã được quan tâm hơn. Nhiều cán bộ diện quy hoạch được cử đi học bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm, nhưng chưa có quy định phải qua lớp bồi dưỡng về quản lý trường học mới được bổ nhiệm hiệu trưởng. Trên thực tế, quản lý là một nghề, phải được học để phát triển năng lực mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, chuẩn hiệu trưởng sẽ giúp người đứng đầu các cơ sở giáo dục phát triển năng lực ở các bậc cao hơn, hướng đến việc lãnh đạo, quản lý tốt hơn theo yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện. Ở trường phổ thông, hiệu trưởng có vai trò quan trọng nhất trong quá trình định hướng, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản lý và thúc đẩy các hoạt động khác, tạo sự công cho nhà trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng GD-ĐT thì việc đổi mới công tác quản lý là khâu đột phá, có tính then chốt và quyết định sự thành bại.

 Tuy vậy, hiệu trưởng dù đã đạt chuẩn nhưng nếu đội ngũ giáo viên không đủ chuẩn thì nhà trường cũng khó hoàn thành nhiệm vụ, dẫn đến chất lượng học sinh yếu kém.

Việc quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng, gồm 5 tiêu chuẩn, với 15 tiêu chí quy định rõ về phẩm chất nhà giáo, chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng môi trường giáo dục, phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin... Như vậy, giáo viên không chỉ là người dạy học trên lớp, người làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, cung cấp thông tin... mà trở thành người tổ chức, hướng dẫn quá trình học tập của học sinh.

Chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông là 2 vấn đề quan trọng trong một môi trường GD-ĐT. Cùng với đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, ban giám hiệu mà đứng đầu là hiệu trưởng bảo đảm quyết định sự phát triển đi lên của từng nhà trường, góp phần vào việc hoàn thành công cuộc đổi mới GD-ĐT nước nhà.

Thanh Hà

  • Từ khóa
108950

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu