Thứ 6, 29/03/2024 00:10:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:01, 20/03/2020 GMT+7

Phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào các DTTS

Điểu Vĩnh
Thứ 6, 20/03/2020 | 10:01:00 261 lượt xem
BPO - Bằng những việc làm thiết thực, thời gian qua, người có uy tín, già làng đã góp phần không nhỏ trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

VẬN ĐỘNG NGƯỜI DÂN SỐNG ĐẸP

Hiện ở xã An Khương (Hớn Quản), ông Điểu Trích, ngụ tổ 2, ấp 4 là một trong những người có uy tín, điển hình tiêu biểu trong việc giúp đồng bào thay đổi nhận thức, xóa bỏ tập tục lạc hậu, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm, thời gian qua ông đã có nhiều việc làm thiết thực, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. “Mỗi khi họp về, tôi đều tuyên truyền cho bà con lối sống đẹp; nhà cửa phải quét dọn sạch sẽ, con cháu không được vi phạm luật giao thông...Nhất là không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, việc ma chay, cưới hỏi phải tổ chức tiết kiệm” - ông Điểu Trích cho biết.

Không nhiều chữ nghĩa nhưng điểm hay của ông Điểu Trích là đi sâu, đi sát, những gì ông biết đều phổ biến cho bà con trong ấp. Trước đây, ấp 4 khá phức tạp về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì nay không còn; số hộ nghèo giảm đáng kể nhờ bà con ngày càng chí thú làm ăn. Bà Thị Chanh cho biết: “Ngày trước, tôi cũng như bao người dân ở đây lập gia đình rất sớm, không biết cách làm ăn, đói khổ lắm. Nhờ có ông Trích thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền làm những điều hay, sống theo pháp luật nên tôi và bà con làm theo, cuộc sống dần ổn định hơn”.

“Trong cuộc sống và sinh hoạt, già Trích rất gần gũi với bà con và luôn vận động chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là vận động người thân, xóm giềng không vi phạm pháp luật” - ông Nguyễn Văn Lộc, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Khương nói.

Không chỉ khéo léo trong tuyên truyền, vận động, ông Điểu Trích còn chủ động đề xuất chính quyền xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Ấp thường thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, năm 2017 ông xin hỗ trợ hàng chục triệu đồng xây dựng giếng nước sạch tập trung ngay tại nhà văn hóa. Công trình hoàn thành đã cung cấp nước sạch cho nhiều hộ dân trên địa bàn.

“Để đồng bào tin tưởng vào lời nói của mình, trước hết gia đình mình phải đi đầu, chịu khó làm ăn, nuôi dạy con khỏe, chăm ngoan và lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc, như các loại nhạc cụ, nghề dệt thổ cẩm vì đây là linh hồn, sự sống của người S’tiêng” - già Điểu Trích chia sẻ. Với suy nghĩ đó, cồng chiêng, thổ cẩm là thứ không thể thiếu trong nhà ông. Lúc nhàn rỗi, ông thường lau chùi, vệ sinh bộ cồng chiêng, còn vợ ông - bà Thị Hơi, duy trì nghề dệt thổ cẩm gần 40 năm nay.

Bà Thị Hơi cho biết: Để tạo ra sản phẩm thổ cẩm đẹp đòi hỏi phải có nhiều hoa văn. Việc tạo hoa văn rất khó, người dệt cần tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian. Tùy từng loại sản phẩm, người dệt mất từ vài ngày đến 1 tháng để hoàn thành. Tôi dệt thổ cẩm là để duy trì nghề truyền thống của dân tộc mình chứ không quan trọng việc mua bán hay lời lỗ.

ĐƯA NƯỚC SẠCH ĐẾN ĐỒNG BÀO NGHÈO

Ông Điểu Vất ở ấp Tổng Cui Lớn, xã Phước An (Hớn Quản) là điển hình về công tác thiện nguyện. Hằng năm, ông vận động các nhà hảo tâm đến từ Hàn Quốc hỗ trợ gạo, quà, công trình giếng nước sạch tập trung cho người dân vùng sâu, xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Phó chủ tịch UBND xã Phước An Hoàng Văn Toán cho biết: “Ông Điểu Vất là người có uy tín điển hình tại Phước An về làm công tác thiện nguyện. Tôi mong những người có uy tín khác cũng sẽ làm được những điều như ông để bà con nghèo nơi đây vươn lên có cuộc sống tốt hơn”.

Học sinh tại điểm Trường tiểu học Phước An vui mừng vì được sử dụng nước sạch từ công trình do ông Điểu Vất vận động xây dựng

Đưa vào sử dụng từ tháng 8-2017, công trình nước sạch tập trung tại ấp 23 Lớn, xã Phước An hiện là một trong những công trình phúc lợi xã hội hoạt động rất hiệu quả. Với tổng kinh phí 55 triệu đồng, công trình gồm nhà tắm, vòi nước, giếng khoan, bồn chứa 1.000 lít nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho hàng chục hộ dân. Chị Thị Sen được giao trực tiếp quản lý công trình cho biết: Từ khi đưa vào sử dụng, công trình luôn bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sạch cho 20-30 hộ dân trong vùng.

Tính đến cuối năm 2019, ông Điểu Vất đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước xây dựng công trình nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các huyện Chơn Thành, Hớn Quản và Lộc Ninh. Riêng tại xã Phước An, có hơn 10 công trình nước sạch được xây dựng và đưa vào sử dụng tại 9 ấp, sóc và các trường học trên địa bàn.

Không chỉ làm tốt hoạt động từ thiện, ông Điểu Vất còn là gương điển hình về làm kinh tế. Với 1,4 ha cao su đang cho thu hoạch, 1 ha tầm vông và buôn bán nhỏ tại nhà, mỗi năm hộ ông thu lời khoảng 120 triệu đồng. Ông còn là người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình. Hiện 3 người con của ông đã trưởng thành và có việc làm ổn định.

Từ những việc làm ý nghĩa, thiết thực, các ông Điểu Trích, Điểu Vất đã góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Các ông xứng đáng là tấm gương để mọi người học tập và làm theo.

  • Từ khóa
2393

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu