Thứ 5, 28/03/2024 16:04:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:17, 19/09/2014 GMT+7

Tư tưởng đoàn kết trong Di chúc của Bác

Thứ 6, 19/09/2014 | 16:17:00 8,781 lượt xem

Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nguồn gốc hình thành từ nhiều yếu tố được kết tinh lại, đó là: Truyền thống của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại và chủ nghĩa Mác - Lênin. Và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì theo Người, đoàn kết có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, từ khi được thành lập đến nay, Đảng ta luôn xác định đoàn kết là tư tưởng chiến lược cách mạng lâu dài và nhất quán.

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc -  Ảnh tư liệu

 
Trong toàn bộ 1.921 bài nói chuyện, bài viết của Người được in trong bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” có tới 839 bài Người đề cập đến vấn đề đoàn kết. Cũng trong bộ sách trên đã có tới 1.809 lần xuất hiện cụm từ “đoàn kết”. Và theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đoàn kết trước hết là phải đoàn kết trong Đảng. Vì Đảng ta “Là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”.

Nhưng cũng theo Người, nếu chỉ có đoàn kết trong Đảng không thì chưa đủ và cách mạng không thể thành công được, mà cần phải đoàn kết nhân dân trong cả nước. Chính vì vậy, trong Di chúc thiêng liêng, Người đã đặt đoàn kết lên đầu và ngay trong vấn đề “trước hết”. Trong Di chúc, Người đã viết: “Trước hết nói về Đảng. Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tập 12, trang 510).

Xuất phát từ quan điểm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, điều cần quán triệt và thấm nhuần của sự đoàn kết trong Đảng là đoàn kết phải được thực hiện trước hết từ các đồng chí trung ương. Bởi vì trung ương là cấp lãnh đạo cao nhất. Và đây chính là đầu não, là bộ phận quan trọng nhất, có tác dụng chi phối đối với tất cả các bộ phận khác có liên quan. Còn tổ chức Đảng ở cơ sở là chi bộ thì lại là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Mỗi tổ chức dù ở trung ương hay chi bộ đều nằm trong mạch máu của Đảng và truyền đến nhân dân. Vì vậy, điều quan trọng là phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng. Cho nên, trong Di chúc Người đã căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, (Sđd, t 12, tr 510).

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những nói rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của sự đoàn kết mà Người còn chỉ ra một cách được coi là tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Đó chính là: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Vì phê bình là một nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén của Đảng, là thang thuốc hay nhất để chữa các bệnh trong Đảng. Phê bình, tự phê bình không những để sửa chữa khuyết điểm trong Đảng, làm cho đảng viên tiến bộ, mạnh lên mà còn khẳng định Đảng thật sự chân chính, cách mạng, tăng cường, mở rộng dân chủ và giữ được uy tín của Đảng. Đảng mạnh không phải nhờ khéo léo che giấu khuyết điểm, nhìn khuyết điểm ở nguyên nhân khách quan, cán bộ, đảng viên giỏi che chắn, mà ngược lại. Vì vậy, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết vào tháng 10 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, rồi tìm kiếm mọi cách để chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”, (Sđd, t 5, tr 261).

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 45 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã phát huy cao độ vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc để thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng đã vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc phù hợp với tình hình mới và coi đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Cụ thể, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ra nghị quyết về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nội dung nghị quyết đã nêu rõ: Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam...; Đại đoàn kết dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng; Bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội và đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là tổ chức đảng...

Đã 45 năm trôi qua, nhưng mỗi khi đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta vẫn thấy sáng ngời tư tưởng đại đoàn kết của Người. Bởi trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam một cách khách quan, khoa học và cách mạng, vừa phát huy được truyền thống đoàn kết của dân tộc vừa phù hợp tư duy của thời đại. Chính vì lẽ đó mà tư tưởng đoàn kết trong Di chúc của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mãi mãi tỏa sáng, đồng thời soi đường cho dân tộc ta vững bước trên con đường đến với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.               

Hải An

  • Từ khóa
11738

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu