Thứ 6, 29/03/2024 21:21:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:06, 23/01/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Pháp nhân cũng cần được ủy quyền lại

Thứ 6, 23/01/2015 | 08:06:00 2,877 lượt xem

BP - Trong Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về ủy quyền lại nhưng chỉ là ủy quyền lại cho cá nhân. Cụ thể, tại Điều 583 về ủy quyền lại có quy định như sau: Bên được ủy quyền chỉ được ủy quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại cũng phải phù hợp với hình thức hợp đồng ủy quyền ban đầu. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi cần bổ sung chế định ủy quyền lại cho pháp nhân. Vì trong thực tiễn cuộc sống cho thấy, bên cạnh quan hệ dân sự còn có một số ủy quyền được điều chỉnh cùng với hệ thống pháp luật hành chính. Ví dụ như trong Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24-8-2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu và tại Điểm 2.2, Mục III, Phần C của Thông tư liên tịch số 07/2002/TT-LT ngày 6-5-2002 của Bộ Công an - Ban tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) có quy định: Con dấu chỉ được đóng lên các văn bản, giấy tờ sau khi các văn bản, giấy tờ đó đã có chữ ký của cấp có thẩm quyền, gồm: cấp trưởng, cấp phó hoặc cấp dưới trực tiếp được ủy quyền của cơ quan, tổ chức đó; không được đóng dấu vào văn bản, giấy tờ không có nội dung, đóng dấu trước chữ ký.

Thêm nữa là theo Khoản 1, Khoản 3, Điều 10 trong Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 8-4-2004 của Chính phủ về công tác văn thư, ở cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng có quy định như sau: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả các văn bản của cơ quan, tổ chức có thể giao cho cấp phó của mình ký thay các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Cũng theo văn bản trên, trong một số trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể ủy quyền cho một cán bộ phụ trách dưới quyền mình một cấp ký thừa ủy quyền một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa ủy quyền phải được quy định bằng văn bản và giới hạn trong một thời gian nhất định. Người được ủy quyền không được ủy quyền cho người khác ký.

Mặc dù đã có quy định chung như trên, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều cơ quan, đơn vị gặp không ít vướng mắc. Ví dụ như, việc đồng ý của bên ủy quyền có nhất thiết phải bằng văn bản không, việc đồng ý trên có phải thể hiện trong ủy quyền hay có thể thể hiện dưới hình thức khác, hoặc thế nào thì được hiểu là bên ủy quyền đã đồng ý cho bên được ủy quyền ủy quyền cho bên thứ ba... Thế nhưng trong thực tế cho thấy, đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chuyên về giao nhận hàng hóa, thì việc ủy quyền cho bên thứ 3, 4 mà không có bên ủy quyền ban đầu đồng ý là chuyện bình thường và vẫn đang được chấp nhận. Và đây được xã hội chấp nhận là một tập quán thương mại.

Vì vậy, tôi đề nghị trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi cần phải bổ sung chế định ủy quyền lại. Vì việc ủy quyền lại cho cá nhân thì đơn giản và dễ dàng, nhưng ủy quyền lại trong trường hợp người được ủy quyền là tổ chức lại rất cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, trong dự thảo cũng cần bổ sung quy định cho phép tổ chức được ủy quyền đương nhiên ủy quyền lại cho người không phải là thành viên của tổ chức. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, việc ủy quyền lại cho cá nhân hay cho pháp nhân thì cũng đều phải được sự cho phép của người ủy quyền. Vì có như thế thì pháp luật mới chặt chẽ, mới phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đồng thời tránh được những hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi.

Lg: Như Nhất

  • Từ khóa
12490

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu