Thứ 6, 19/04/2024 18:07:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:07, 20/05/2020 GMT+7

Pháp luật phải vì con người

N.V
Thứ 4, 20/05/2020 | 08:07:00 333 lượt xem
BPO - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến vấn đề làm thế nào để pháp luật được thực thi. Người cho rằng, trước hết, pháp luật phải đầy đủ, chính xác. Sau đó, pháp luật phải đến được với người dân, làm cho dân hiểu rõ pháp luật để sống và làm theo pháp luật.

Có lẽ vì chưa đạt được điều này nên ngay sau khi dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được công bố đã gặp phải những phản ứng trái chiều trên báo chí cũng như dư luận xã hội và cộng đồng mạng xã hội về quy định trong dự luật là phải bật đèn tất cả các loại xe khi tham gia giao thông. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 27 của dự luật có đưa ra quy định: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải về vấn đề này là: Việt Nam đã tham gia Công ước về giao thông đường bộ và Công ước về biển báo. Nếu không thực hiện thì chúng ta phải hủy tham gia công ước. Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, việc bật đèn tiêu tốn nhiên liệu không đáng kể, mức độ ô nhiễm cũng không ảnh hưởng nhiều... Song, tỷ lệ tai nạn giao thông giảm rõ rệt (từ 10-20%). Cùng với quan điểm này, có ý kiến cho rằng: Việc bắt buộc bật đèn xe cả ngày, Việt Nam cần áp dụng sớm. Bật đèn ban ngày khi tham gia giao thông sẽ làm giảm được tai nạn trực diện khoảng 20%, vì ánh sáng của đèn có thể làm cho tài xế nhận diện từ xa. Và hiện nay, các loại xe nhập khẩu đa số đều nổ máy là bật đèn. Đặc biệt, đối với người tham gia giao thông khi ánh sáng mặt trời phía sau xe đối diện sẽ làm chói mắt người lái. Nếu có đèn chiếu sáng của xe sẽ dễ dàng nhận diện nhanh hơn 20 lần.

Trong khi đó, có rất nhiều ý kiến cho rằng, quy định này hoàn toàn không phù hợp với Việt Nam, vì Việt Nam là đất nước nhiệt đới, nhiệt độ luôn ở mức cao vào mùa hè nên việc bật đèn xe máy vào ban ngày là không cần thiết. Hơn nữa, việc bật đèn xe cũng không giảm thiểu được tai nạn giao thông mà còn gây chói mắt cho người điều khiển phương tiện đi ngược chiều. Và cùng với đó là sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc-quy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, hiện Việt Nam có khoảng 60 triệu xe máy, mỗi ngày có khoảng 20 triệu xe hoạt động thì sẽ tiêu hao lượng nhiên liệu rất lớn. Từ đó xảy ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên đường phố, tăng phát thải khói bụi và làm khí hậu nóng lên.

Thực tế ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đường phố lúc nào cũng đông nghẹt các loại xe và tốc độ di chuyển chỉ khoảng 20-30km/giờ thì việc bật đèn chiếu sáng cả ngày không chỉ không cần thiết mà còn gây nguy hiểm. Hơn nữa, vào mùa hè, nhiệt độ có khi lên đến 400C, cộng với hàng triệu xe đổ ra đường nếu kẹt xe, hoặc dừng đèn đỏ, mà khi đó đồng loạt các loại xe đều nổ máy, bật đèn và thêm vào đó khói bụi, nóng bức, tiếng ồn..., thì rõ ràng đây không phải là một đề xuất tối ưu cho việc giảm tai nạn giao thông.

Để pháp luật đi vào cuộc sống thì những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với thực tế, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm. Đã 51 năm Bác đi xa nhưng những tư tưởng Người để lại cho chúng ta hôm nay, trong đó có tư tưởng về pháp luật, vẫn còn nguyên những giá trị mang tầm thời đại.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu