Thứ 5, 28/03/2024 23:55:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 17:19, 22/05/2020 GMT+7

Phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật

Trần Thể
Thứ 6, 22/05/2020 | 17:19:00 479 lượt xem
BPO - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều nay (22-5), Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điểu Huỳnh Sang cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham dự phiên thảo luận trực tuyến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cơ bản thống nhất dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết, ban soạn thảo cần bổ sung điều chỉnh một số nội dung để dự án luật hoàn thiện hơn.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang chủ trì phiên họp trực tuyến tại điểm cầu Bình Phước

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, việc quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn là quan trọng, cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo đúng nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu như quy định “có thể tổ chức lấy ý kiến” như dự thảo luật, tức là không bắt buộc, sẽ dẫn đến trường hợp nhiều văn bản được xây dựng, ban hành theo thủ tục rút gọn sẽ bỏ qua khâu lấy ý kiến, dẫn tới tình trạng khi triển khai trên thực tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, không đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, Ban soạn thảo phải có quy định việc tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan là một khâu bắt buộc trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn và quy định rút ngắn thời gian lấy ý kiến để đảm bảo tính công khai, dân chủ.

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, dự thảo Luật quy định văn bản hướng dẫn chi tiết luật, pháp lệnh trình kèm trong hồ sơ dự án mới chỉ thể hiện ý chí chủ quan của cơ quan chủ trì soạn thảo và nặng về hình thức. Vì thực tế, trong quá trình xem xét, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh, các chính sách, nội dung cần quy định chi tiết còn có thể tiếp tục chỉnh sửa, thay đổi. Như vậy, việc soạn thảo văn bản quy định chi tiết cũng phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của Luật năm 2015, làm tăng đáng kể khối lượng công việc cho cơ quan soạn thảo, ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị dự án. Đối với những trường hợp việc chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau hoặc có nhiều văn bản quy định chi tiết thực tế là tính khả thi không cao.

Do vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, không nên tiếp tục quy định trong hồ sơ của dự án luật, pháp lệnh phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết mà cần đổi mới cách làm để cơ quan soạn thảo tập trung thời gian cho việc soạn thảo luật, pháp lệnh bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Cụ thể, trong hồ sơ cần kèm theo danh mục văn bản quy định chi tiết; đề cương nội dung quy định chi tiết; kế hoạch xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, trong đó, dự kiến cụ thể thời gian có hiệu lực của từng văn bản. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thời gian có hiệu lực của luật, pháp lệnh, tránh việc luật, pháp lệnh được ban hành phải chờ văn bản quy định chi tiết.

  • Từ khóa
33774

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu