Thứ 6, 29/03/2024 21:16:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:08, 09/11/2016 GMT+7

Phải huy động sự tham gia của doanh nghiệp để biến nước thành nguồn hàng hóa đặc biệt

Thứ 4, 09/11/2016 | 14:08:00 969 lượt xem
BP - Thảo luận tại tổ 10 với các tỉnh Hà Nam, Lạng Sơn, Đồng Tháp về Dự án Luật Thủy lợi và Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) ngày 8-11, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước đã có 4 đại biểu đăng ký phát biểu về các nội dung trong luật.

Dự thảo Luật Thủy lợi gồm 9 chương, 72 điều, quy định về hoạt động thủy lợi; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động thủy lợi, quản lý nhà nước về thủy lợi. Cho ý kiến về dự thảo luật này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng: Hệ thống công trình thủy lợi hiện tại chưa đáp ứng được nền nông nghiệp đa dạng, hiện đại và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như tái cơ cấu ngành. Để khắc phục tình trạng này phải huy động sự tham gia của doanh nghiệp để biến nước thành nguồn hàng hóa đặc biệt và ngành thủy lợi cần chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường. Chính sách hoạt động thủy lợi trong dự thảo luật chủ yếu hỗ trợ ưu tiên khuyến khích, mà điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là nhà nước dùng ngân sách đầu tư thủy lợi song việc hưởng lợi thuộc các công ty thủy nông. Do vậy, luật cần bổ sung điều kiện để thấy trách nhiệm đầu tư của doanh nghiệp vào các công trình thủy lợi.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng: Hiện nay, cả nước có hơn 7.000 hồ chứa lớn nhỏ. Số lượng lớn song thời gian qua công tác đảm bảo an toàn hồ đập còn nhiều bất cập nên việc ban hành luật là rất cần thiết. Theo thống kê, mỗi năm nhà nước bù hơn 6.000 tỷ đồng phí thủy lợi nên việc chuyển phí thủy lợi thành giá dịch vụ thủy lợi là bước đi phù hợp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí trong sử dụng nguồn nước. Để huy động xã hội hóa đầu tư cho công trình thủy lợi phải khắc phục được sự chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Đồng thời, bổ sung nội dung đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, quy định về xả lũ vận hành của công trình thủy điện.

Đồng tình với các chương, điều quy định trong dự thảo luật, song đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, đề nghị bổ sung nội dung xã hội hóa hệ thống thủy lợi trong dự thảo luật và quy định trong trường hợp Chính phủ ban bố tình trạng khô hạn thì trách nhiệm của các công trình là phải cung ứng nguồn nước để đảm bảo đời sống, sản xuất của nhân dân vì đa phần là các công trình thủy lợi đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và khai thác từ nguồn tài nguyên của đất nước.

Cho ý kiến về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị cần có chương liên quan đến giá, thuế và phí vì thực tế ở các vùng trọng điểm đến mùa du lịch giá vượt trần rất cao. Do vậy phải có quy định niêm yết về giá, các hệ số giá theo mùa để tạo sự minh bạch nhằm thu hút du khách, đồng thời phải có quy định về phí du lịch như các nước đã áp dụng.

Đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, cho rằng: Du lịch nước ta có nhiều lợi thế, nhiều danh lam thắng cảnh và sản phẩm du lịch, nhưng phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Vì thế, trong Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) cần có những quy định cụ thể, đồng bộ. Luật cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương cũng như các chính sách về phát triển sản xuất, dịch vụ sản phẩm du lịch nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng,  mặc dù Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn song thời gian qua đầu tư cho du lịch chưa xứng tầm, nguyên nhân do thiếu các quy định của pháp luật cũng như các chính sách ưu đãi liên quan đến việc ưu đãi trong đầu tư hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, trung tâm mua sắm phục vụ du khách...

Một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết, tính khả thi của việc thành lập lực lượng chuyên trách hỗ trợ, bảo vệ khách du lịch để tránh tình trạng tùy tiện, tăng biên chế, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trần Thể

  • Từ khóa
1293

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu