Thứ 6, 19/04/2024 11:04:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:26, 12/06/2020 GMT+7

Ô nhiễm nguồn nước ở Thuận An: Đâu là nguyên nhân?

Như Thảo
Thứ 6, 12/06/2020 | 13:26:00 1,782 lượt xem

BPO - Thời gian qua, nhiều hộ dân ở tổ 3, thôn Thuận An, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú bức xúc vì nguồn nước sạch dùng hằng ngày “bỗng dưng” có mùi hôi, tanh khó chịu và gây ngứa khi sử dụng. Người dân kêu cứu, ngành chức năng vào cuộc và đã xác định nguồn gây ô nhiễm là do nhiễm khuẩn E.coli, Coliform mức cao... Trong khi đó, các hộ này đều sống ở sườn dốc, giếng đào trước nhà và không nuôi trâu, bò, heo. Tuy nhiên, có một vấn đề không được ngành chức năng và chính quyền địa phương lưu ý, đó là các hộ bị ảnh hưởng đều ở phía dưới các nhà máy chế biến gỗ đang hoạt động. 

NƯỚC DỒI DÀO NHƯNG KHÔNG SỬ DỤNG ĐƯỢC

Nhận được phản ánh của người dân ở ấp Thuận An, xã Thuận Lợi về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của 20 hộ dân ở tổ 3, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã đến nơi tìm hiểu sự việc. Theo chứng kiến của chúng tôi, nước giếng của các hộ dân ở đây bơm lên sau vài giờ sẽ ngả từ trắng sang vàng, xuất hiện váng dầu và có mùi hôi, tanh, gây ngứa sau khi sử dụng.

Người dân tổ 3, thôn Thuận An, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú cho rằng, giếng đào của gia đình ông Nguyễn Đức Chung ở trước nhà được xây cao, có nắp đậy kín và có sân thì không thể nhiễm khuẩn E.coli và Coliform mức cao (ảnh lớn). Nước giếng đào nhà bà Lưu Thị Bình ở tổ 3, thôn Thuận An bơm lên chuyển màu vàng, nổi váng dầu và có mùi hôi

Ông Nguyễn Đình Thuận ở tổ 3, ấp Thuận An cho biết: Gia đình làm công nhân cao su và sinh sống ở đây từ năm 1982. Từ trước đến nay, nước sinh hoạt và tưới cây hằng ngày của gia đình đều lấy từ giếng đào. Giếng nước nhà tôi sâu hơn 10m, rất trong và ngọt. Sau khi nhà máy chế biến gỗ ở phía trên hoạt động một thời gian (khoảng 2 năm trở lại đây), nước giếng bắt đầu có mùi hôi và càng về sau càng hôi, tanh hơn. Thời gian gần đây, nước bơm lên để một lúc thì ngả màu vàng sậm, xuất hiện váng dầu và có mùi hôi như mùi thuốc xịt cỏ. Nhúng tay vào, mùi bám cả ngày không hết.

Người dân tổ 3, thôn Thuận An, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú bức xúc chia sẻ với phóng viên về nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước

Cũng theo ông Thuận, những năm trước, cứ đến thời kỳ cao điểm mùa khô, các gia đình trong tổ đều phải vét giếng mới bảo đảm nước ăn và sinh hoạt. Tuy nhiên, 2 năm nay, giếng lúc nào cũng nhiều nước, kể cả cao điểm mùa khô nhưng không sử dụng được, tắm xong da bị mẩn đỏ, ngứa ngáy cả ngày. Nhà ông có 2 giếng đào, nhưng đều phải bỏ và mua nước về sử dụng. Bà Nguyễn Thị Nho ở cùng tổ nói: Tôi ở đây từ năm 1982, mấy chục năm qua, nước sử dụng để ăn uống, tắm giặt, tưới cây đều lấy lên từ giếng đào của gia đình. Nay dùng để nấu ăn cũng không được, tắm cũng không. Nhiều hộ trong tổ muốn bán nhà đi nơi khác ở, nhưng bán không ai mua vì khi đến xem, biết nguồn nước bị ô nhiễm họ bỏ đi ngay.

Bà Lưu Thị Bình ở gần đấy cũng bức xúc: Nhà tôi có 5 người, mỗi ngày gia đình phải mua 6 can nước, mỗi can 30 lít với giá 8.000 đồng/can, nhưng sử dụng tiết kiệm mới đủ. Giờ máy giặt, máy nước nóng năng lượng mặt trời phải bỏ không. Mấy ngày trước, nắng nóng kéo dài, nghĩ lấy nước giếng tưới rau không ảnh hưởng, nhưng tưới rồi thấy rau héo úa nên gia đình không dám ăn.

NGUỒN NƯỚC BỊ Ô NHIỄM NẶNG

Lo sợ nguồn nước làm ảnh hưởng sức khỏe, người dân tổ 3 đã phản ánh qua đường dây nóng của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Ngày 15-4-2020, Sở TN&MT phối hợp UBND xã Thuận Lợi tiến hành điều tra, khảo sát xung quanh khu vực người dân phản ánh. Đến ngày 11-5-2020, Sở TN&MT có Tờ trình số 1058/STNMT-TTr gửi UBND xã Thuận Lợi. Trong đó nêu rõ: Qua khảo sát vị trí giếng đào của các hộ Lưu Thị Bình, Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Thị Sửu, Phạm Sỹ Trường cho thấy, nước giếng có màu hơi ngả vàng, có đóng váng trên bề mặt, có mùi hôi (mùi hôi giống mùi phèn, bùn). Giếng đào của 4 hộ này bị tình trạng này khoảng 2 năm nay. Đoàn tiếp tục kiểm tra giếng đào của các hộ ông Trần Tín Kỳ, Trần Tín Diệu, Nguyễn Văn Viễn. Kết quả khảo sát cho thấy, nước giếng có màu hơi ngả vàng, có đóng váng trên bề mặt, có mùi hôi (giống mùi phèn, bùn). Giếng đào của 3 hộ này bị ảnh hưởng khoảng 2 tháng nay. Đoàn còn khảo sát giếng khoan của hộ ông Nguyễn Văn Vĩnh (sâu khoảng 40m), kết quả nước trong, không có mùi.

Sau khi khảo sát vị trí giếng đào và giếng khoan của các hộ, Sở TN&MT đã lấy mẫu nước ở các giếng đào và giếng khoan để phân tích một số thông số cơ bản trong nước ngầm. Kết quả phân tích các mẫu nước cho thấy, hầu hết các thông số như độ pH, TDS, độ đục, độ cứng, F-, N-NO3-, SO42-, Fe, As... đạt QCVN 09:2015/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất. Riêng thông số Coliform vượt từ 31-15.333,3 lần; thông số E.coli vượt từ 7 đến 280 lần; chỉ số pecmnaganat vượt từ 1,4 đến 2,295 lần; thông số N-NH4+ vượt từ 1,48-2,48 lần...

Dưới chân móng nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV gỗ Hải Biên có một khe nhỏ đưa nước thải chảy xuống khu dân cư

Theo đánh giá của Sở TN&MT, nước giếng của các hộ dân bị nhiễm khuẩn E.coli và Coliform ở mức cao. E.coli và Coliform là loại vi khuẩn sống được trong nhiều môi trường khác nhau, như đất, nguồn nước, thức ăn, chất thải của động - thực vật... Việc nước giếng của các hộ bị nhiễm khuẩn E.coli và Coliform có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Vị trí các giếng nằm gần hầm tự hoại, trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, các hộ dân chưa thực hiện tốt các biện pháp thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt nên vi khuẩn có thể phát tán ra môi trường ngấm vào mạch nước ngầm. Khu vực khảo sát tại các hộ có địa hình trũng, thấp; nước có chứa vi khuẩn từ bề mặt đất có thể tràn, ngấm xuống giếng, nhất là sau các cơn mưa...

Cũng liên quan đến nguồn nước tại đây, ngày 10-4-2020, ông Nguyễn Đức Chung cùng ở tổ 3 lấy mẫu nước giếng đào của gia đình gửi Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm. Kết quả cho thấy, so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT, nước có độ pH thấp hơn (5,91) so với quy định (6,5-8,5); có mùi lạ (theo quy định không có mùi vị lạ); độ đục 13, cao hơn nhiều so với quy định (2); hàm lượng Amoni NH4+, Hydro Sunfur, sắt (Fe) đều cao hơn so với quy định, riêng hàm lượng Fe cao đột biến, gấp 16,8 lần. 2 kết quả nêu trên cho thấy, nguồn nước ở đây không chỉ gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa do nhiễm khuẩn E.coli và Coliform ở mức cao mà còn làm gan, tim, tuyến tụy... của người dùng suy yếu do lượng Fe quá cao. Đó là chưa kể các tác nhân gây bệnh khác nếu sử dụng nguồn nước này.

NGUY CƠ Ô NHIỄM LÒNG HỒ ĐỒNG XOÀI?

Bà Lưu Thị Bình bức xúc, kết quả xét nghiệm của 2 đơn vị nêu trên đã minh chứng, nguồn nước sinh hoạt của người dân tổ 3 bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Bà Bình cho rằng, việc đánh giá, nhận xét của ngành TN&MT là chưa khách quan. Bởi trong những hộ dân bị ảnh hưởng không có gia đình nào chăn nuôi trâu, bò, heo, còn gà, vịt thì mỗi nhà cũng chỉ nuôi vài con để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Người dân lại sống trên sườn đất dốc, ngay sát lòng hồ Đồng Xoài, các giếng hầu hết đào trước nhà nên các thông số nhiễm E.coli và Coliform không thể ở mức quá cao như vậy! Ông Nguyễn Đình Thuận chia sẻ: Để bảo vệ sức khỏe, nhiều hộ trong tổ đã trang bị máy lọc nước, nhưng lọc xong vẫn thấy hôi nên không ai dám sử dụng, thậm chí là rửa tay.

“Bà con ở đây ai cũng biết, nguồn nước bị ô nhiễm từ khi có nhà máy chế biến gỗ ở phía trên đi vào hoạt động. Đây cũng chính là động lực để chúng tôi quyết tìm hiểu nguyên nhân” - bà Lưu Thị Bình bộc bạch. Cùng bà Bình và một số người dân ở tổ 3, chúng tôi tiếp cận chân móng phía sau nhà xưởng của Công ty TNHH MTV gỗ Hải Biên ở ấp Thuận Thành 2, xã Thuận Lợi. Từ đây nhìn xuống là khu vực người dân ở tổ 3, ấp Thuận An sinh sống, dưới chân móng có một khe nhỏ được ngụy trang khá khéo, nước liên tục chảy ra, xuống vườn, rẫy của người dân tổ 3. Trên bề mặt dòng chảy thể hiện rõ, nguồn nước này có màu vàng, nổi váng dầu và mùi rất hôi. Đây cũng chính là màu, mùi xuất hiện trong các giếng nước ở tổ 3.

Theo tính toán, khoảng cách từ chân móng nhà máy gỗ này xuống đến hồ Đồng Xoài - nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt hằng ngày cho người dân thành phố Đồng Xoài chỉ hơn 100m. Trong khi người dân tổ 3 ở sát lòng hồ Đồng Xoài. Nếu nguồn nước thải từ nhà máy này là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước ở tổ 3, thì nguy cơ nguồn nước của hồ Đồng Xoài bị nhiễm bẩn là khó tránh khỏi. Sự việc nêu trên cho thấy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là các cấp và ngành chức năng trong tỉnh phải sớm vào cuộc làm rõ nguyên nhân với tinh thần khách quan, minh bạch. Đồng thời xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời để người dân nơi đây yên tâm làm ăn, sinh sống.

  • Từ khóa
94726

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu