Thứ 7, 20/04/2024 16:09:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:33, 28/11/2015 GMT+7

Nuôi vịt trời ở ao nhà

Thứ 7, 28/11/2015 | 10:33:00 524 lượt xem
BP - Gần đây, dân nhậu ở Bình Phước thường truyền tai nhau về món đặc sản vịt trời. Để phục vụ “thượng đế”, một chủ quán ăn ở thị xã Đồng Xoài cho biết phải đặt mua từ tỉnh khác nhưng đều là vịt đã làm sẵn, cấp đông. Ít ai biết hiện ở khu phố 5, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long có một trại nuôi vịt trời của hộ anh Nguyễn Văn Vương!

MANG VỊT TRỜI TỪ BẮC GIANG VỀ PHƯỚC LONG

Sau nhiều ngày tìm hiểu giống vịt trời châu Á, thấy mô hình phù hợp với điều kiện gia đình, anh Vương đã tìm đến trại nuôi vịt trời ở các tỉnh để tham quan và học hỏi kinh nghiệm. So sánh thấy giá thành ở Bắc Giang rẻ, con giống tốt nên anh Vương mua 60 cặp giống từ trại của ông Tô Quang Dần ở thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang (người đầu tiên thuần hóa được giống vịt trời) đem về nuôi thử. Anh còn mua thêm 1.000 trứng vịt mang về tỉnh Đồng Nai ấp, tiêm vắc-xin cho vịt giống rồi mới thả ao.

Anh Vương (giữa) chia sẻ về quá trình tự chế máy ấp trứngAnh Vương (giữa) chia sẻ về quá trình tự chế máy ấp trứng

Thời điểm này, đàn vịt trời 1.000 con của anh có thể xuất chuồng, ước mỗi con nặng từ 0,8-1kg sau gần 4 tháng nuôi. Anh Vương cho biết: “Ngay từ đầu, tôi tập cho vịt ăn đúng giờ, đúng nơi. Quen dần nên tới giờ ăn là chúng tự động tìm về. Không nên làm vịt sợ vì giống này rất nhát, có thể bỏ đi không quay lại. Mỗi ngày cho vịt ăn 2 lần vào lúc sáng, tối. Thức ăn là lúa và thân chuối băm nhỏ. Sau giờ ăn, vịt tự do bay nhảy trên ao, nếu trời nắng nóng, vịt tìm bóng mát để núp”. Nói về đầu ra của đàn vịt, anh Vương chia sẻ: “Thực phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng bởi có nguồn gốc rõ ràng, thịt vịt trời thơm, không mỡ, thịt đỏ, xương nhỏ và là món ăn mới nên được nhiều người ưa chuộng. Về giá thành sẽ “nhỉnh” hơn trong thời gian này, bởi món vịt trời còn đang “sốt””. Tương lai khi hoàn chỉnh quá trình nuôi khép kín, trại của anh sẽ nhân đàn và giảm giá thành. Mục tiêu của anh Vương là để thị trường ở Bình Phước có nguồn hàng ổn định, vịt trời trở thành thức ăn phổ biến chứ không còn là “đặc sản” như hiện nay.

Anh Vương cho biết: “Nuôi vịt trời cũng như nuôi các loại gia cầm khác nhưng hiệu quả cao hơn vì chi phí thấp, ít rủi ro. Trung bình mỗi ngày 1 con chỉ tốn khoảng 700 đồng thức ăn”. Vì vậy, dù từng nuôi thành công tôm càng xanh, cá lăng nha nhưng anh Vương vẫn chuyển sang nuôi vịt trời.

NGƯỜI “MỞ ĐƯỜNG”

Nhờ có địa thế thuận lợi nên diện tích 3 sào ao trước nhà, anh thả vịt trưởng thành, ao nhỏ phía sau là “nhà” của vịt giống. Trên bờ, anh đặt máy phát điện, tự chế máy ấp trứng, mua máy băm chuối và làm chỗ ở cho vịt con mới nở. Từ 100 con vịt giống mái, trung bình mỗi ngày anh thu 60-80 trứng và tự nhân đàn. Theo quy trình, sau 26 ngày vịt nở, sưởi đèn 10 ngày để làm quen môi trường mới. Giai đoạn này, vịt con ăn cám riêng và tiêm ngừa viêm gan, dịch tả. Sau 10 ngày, vịt con được thả xuống nước và tập ăn lúa ngâm, chuối băm. Trong tháng đầu, vịt tiếp tục được tiêm ngừa bại liệt, H5N1 và có thể sống theo đàn. Để cải tạo nguồn nước, anh thả nhiều loại cá.

Anh cho biết thêm: “Hiện giá vịt thịt khoảng 200 ngàn đồng/con, vịt giống bố mẹ 350 ngàn đồng/con, trứng 20 ngàn đồng/quả, vịt con sau nở 1 tuần có giá 50 ngàn đồng/con. Năm 1999, khi mới tiếp nhận 3 ha của gia đình dưới chân núi Bà Rá, tôi đã quyết cải tạo đất, biến đầm lầy, bãi đá thành ao để phát triển kinh tế. Trong sản xuất - kinh doanh, tôi tận dụng kiến thức đã học vào các công đoạn để giảm chi phí, tăng hiệu quả. Hiện diện tích còn lại tôi vừa thâm canh cây điều vừa trồng xen chuối làm thức ăn cho vịt, gà”.

Trên mỗi diện tích đất, anh Vương đều nghĩ cách sinh lời. Thành công của anh là kết quả của sự miệt mài tự bồi dưỡng kiến thức, sáng tạo và ý chí làm giàu trên chính quê hương mình.

P.Dung

  • Từ khóa
39589

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu