Thứ 6, 29/03/2024 21:22:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:10, 05/11/2019 GMT+7

Nữ hiệu phó tâm huyết với nghề

Thứ 3, 05/11/2019 | 14:10:00 1,274 lượt xem
BP - Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô Lâm Thị Thu Ngọc (1967), Hiệu phó Trường THCS Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập luôn giữ ngọn lửa đam mê và cống hiến cho ngành giáo dục bằng tình yêu và trách nhiệm của một nhà giáo, nhà quản lý. Cô là tấm gương sáng được đồng nghiệp, các thế hệ học trò, phụ huynh quý mến, tin yêu và được các cấp tuyên dương, khen thưởng.

Biến ước mơ thành hiện thực

Cô Lâm Thị Thu Ngọc chia sẻ: Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý mà tôi thầm mong ước lúc đang học phổ thông. Cái nghề mẫu mực rất khó để phấn đấu và chỉ là ước mơ nhưng tôi không ngờ lại trở thành hiện thực. Vì thế, tôi luôn giữ ngọn lửa đam mê bằng tất cả tình yêu của một nhà giáo.

Năm 1986, tốt nghiệp THPT, cô Ngọc xin vào làm kế toán kiêm văn thư Trường cấp 1-2 Bù Nho (huyện Phước Long cũ). Lúc bấy giờ thiếu giáo viên trầm trọng nên dù chưa có kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm nhưng cô vẫn được phân công dạy thay một số tiết. Mới đầu chưa quen nhưng tranh thủ những lúc rảnh, cô đi dự giờ, học cách dạy của các thầy cô. Sau 2 năm, nhận thấy bản thân có năng lực và đam mê sư phạm nên cô quyết tâm ôn luyện và đã thi đậu Khoa Sư phạm Văn - Kỹ thuật phục vụ Trường cao đẳng Sư phạm Sông Bé. Tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, năm 1991, cô được điều động về xã Bình Thắng công tác cho đến nay. Sau đó ít năm, cô học liên thông lên đại học, Trường đại học Sư phạm Huế.

Cô Lâm Thị Thu Ngọc chụp hình lưu niệm với các em đội tuyển học sinh giỏi môn Văn Trường THCS Bình Thắng

Cô Ngọc cho biết: Lúc bấy giờ Trường THCS Bình Thắng không có giáo viên các môn Văn, Công nghệ, Giáo dục công dân nên tôi phải dạy cùng lúc 3 môn. Thiếu giáo viên và dạy cùng lúc nhiều môn nên có thời điểm tôi phải dạy 45 tiết/tuần, bình quân 7,5 tiết/ngày, gần gấp 3 lần so với quy định. Điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn, nhưng bù lại được các thầy cô, đồng nghiệp động viên, học sinh, phụ huynh tin tưởng, quý trọng nên tôi luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1993, chỉ sau 2 năm ra trường, cô Ngọc được đề bạt làm Phó hiệu trưởng nhà trường và là một trong những nữ hiệu phó trẻ nhất lúc bấy giờ.

Tận tâm với nghề

26 năm làm quản lý, cô Ngọc vẫn luôn lấy học sinh làm động lực phấn đấu và là niềm vui mỗi ngày đến trường. Hằng ngày, hằng tuần, ngoài hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ quản lý giáo dục, cô luôn trăn trở làm sao để đào tạo, bồi dưỡng ra nhiều thế hệ học sinh chất lượng, đạt thành tích cao trong các kỳ thi. Ngoài dạy chính khóa 4 tiết/tuần theo quy định, từ năm 2010 đến nay, cô là chủ lực trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn của trường. Với ý chí, quyết tâm cao, nhiều năm qua môn Văn do cô Ngọc phụ trách đều có học sinh giỏi cấp tỉnh và đậu vào lớp 10 Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài), trung bình mỗi năm 7 em.

Chia sẻ về bí quyết đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Ngọc cho rằng, quan trọng nhất là giáo dục ý thức tự học, tự rèn của các em, giáo viên chỉ là người “truyền lửa”, hướng dẫn phương pháp học, làm bài. Để tiết học sinh động, giáo viên cần có kiến thức sâu, rộng thông qua việc tự học, tự nghiên cứu của bản thân, đồng thời cập nhật nhiều số liệu thực tế, mang tính thời sự để đưa vào bài giảng, vừa thu hút sự chú ý của học sinh vừa giúp các em áp dụng vào bài làm đạt kết quả cao hơn. Tiết dạy cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa các phương pháp và phương tiện dạy học, đồng thời quản lý tốt học sinh. Văn là môn học khi dạy cần lời thuyết trình nhiều, vì thế giọng nói, cách diễn đạt của giáo viên rất quan trọng, làm sao cho học sinh hiểu ngay mà không cần phải nói nhiều lần. Ngoài ra, cần thường xuyên thăm lớp, dự giờ nhằm học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp, nhất là những giáo viên trẻ, năng động, sáng tạo.

Với lòng tâm huyết, trách nhiệm, cô Ngọc và tập thể cán bộ, giáo viên đã đưa chất lượng giáo dục Trường THCS Bình Thắng ngày càng nâng cao, nhiều năm liền dẫn đầu huyện và đứng top đầu tỉnh về học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh cũng như thi đậu vào trường chuyên. Từ năm 2016 đến nay, trường đều đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng bằng khen và cờ thi đua. Là Phó bí thư chi bộ, cô đã phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo Chi bộ trường nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Tỉnh ủy tặng bằng khen năm 2018. Năm 2012, cô Ngọc là nữ nhà giáo tiêu biểu toàn quốc công tác ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo được vinh danh tại thủ đô Hà Nội. Từ khi vào nghề đến nay, cô đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, 3 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, 2 lần được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm học 2018-2019 và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
2336

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu