Thứ 5, 18/04/2024 16:29:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:01, 30/04/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 44 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2019)

Nữ du kích S’tiêng một lòng theo cách mạng

Thứ 3, 30/04/2019 | 08:01:00 658 lượt xem
BP - Đất nước thống nhất đã được 44 mùa rẫy nhưng với những người trải qua chiến tranh như bà Thị Bưa (65 tuổi) ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) thì cảm xúc vẫn như nguyên vẹn. Nhân kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về một thời làm giao liên, góp công cùng cả nước đánh giặc...

“Làm sao tụi lính khôn bằng mình được?”

Đó là khẳng định đầy tự hào của nữ du kích Thị Bưa khi nhớ lại thời hoạt động giao liên khu vực 3 xã 1, 2 và 3, quận Đôn Luân cũ (nay thuộc địa phận thành phố Đồng Xoài). Bà Thị Bưa xúc động nói: “Với nhiệm vụ tiếp thực phẩm cho du kích, bộ đội địa phương nên hằng ngày tôi phải luồn lách trong rừng. Nếu gặp lính ngụy thì tùy cơ mà nói để chúng tin là mình đi làm rẫy hoặc có công việc phải vào rừng nhưng không phải đi làm cách mạng”.

Vợ chồng bà Thị Bưa hạnh phúc bên nhau vui hưởng cuộc sống thanh bình

Bà Bưa kể về lần “xém” bị địch bắt và đã lừa lính ngụy khá ngoạn mục: “Mình nói dối có anh trai đang đi lính cho ngụy muốn đến thăm. Nhìn vẻ sốt sắng tìm kiếm của mình, bọn lính tin và cho đi tìm anh. Mình biết làm giao liên thì vất vả, dễ bị bắt, bị bắn chết nhưng ưng cái bụng thì vẫn làm, đâu có biết sợ. Ngày đó, đồng bào tiếp xúc hằng ngày với cả lính ngụy nhưng thấy cộng sản tốt hơn, giúp mình yên cái bụng nên đã tự nguyện tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội Cụ Hồ. Đã theo rồi thì có bị bắt bớ, đánh đập mình cũng chịu hết. Thời chiến tranh cả nước cùng chiến đấu, cùng sống, chết thì việc gì phải lo? Bởi sợ chết sẽ không dám đi làm cách mạng. Mình xác định rồi, nếu lỡ bị bắt thì ráng chịu, bị đánh chết cũng không khai đâu”.

Ông Điểu Bon là chồng bà Thị Bưa ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng xen vào câu chuyện của vợ bằng giọng đầy cảm kích. Ông kể: “Ngày đó, tôi cũng len lỏi trong rừng làm rẫy rồi gặp bà ấy và nên duyên vợ chồng. Tôi biết bà ấy thích và sẵn sàng làm việc cho cách mạng vì bộ đội ta tốt bụng, biết quý trọng đồng bào. Tôi luôn ủng hộ, tạo điều kiện”.

Theo lời ông Bon, có thời gian bà hoạt động bị lộ, ấp trưởng kéo theo lính ngụy tìm kiếm khắp trong nhà, ngoài rẫy nhưng không thấy. Bằng nhiều cách bà Bưa vẫn giấu được lương thực, thực phẩm tiếp tế vào rừng. Mỗi lần đem theo lương thực, thuốc men, bà lại quấn quanh người, để trong áo ngực nên ít bị tra hỏi.

Trân quý độc lập, tự do

Kể về cảm xúc trong thời khắc nghe tin đất nước giải phóng, bà Thị Bưa vẫn như thấy vừa mới diễn ra. Đó là cảm giác khó diễn tả, trong lòng sung sướng lắm! Chỉ cần nghĩ tới cảnh không còn phải chui lủi làm ăn, không còn lo bị đói khổ, bắt bớ là bà đủ mãn nguyện. “Ngày trước phải trốn chui trốn nhủi trong rừng, giờ được tự do đi lại ai mà không mừng. Ngày xưa mình đâu dám đi lại thoải mái, lớp thì lo bị bắt bớ, lớp lại lo lỡ vướng mìn. Giờ đi đâu còn được chồng con chở bằng xe máy, vậy là sung sướng rồi. Với mình, có rẫy để làm ăn, có cơm no, áo mặc đầy đủ là mãn nguyện” - bà Thị Bưa hào hứng nói.

Sau giải phóng miền Nam, ông bà đưa nhau về sinh sống tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi đến nay. Hiện 6 người con của ông bà đã lập gia đình, trong đó 2 người con hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Niềm vui với ông bà chính là các con trưởng thành và tích cực tham gia hoạt động xã hội.

Đến nay, bà Thị Bưa vẫn giữ nét mộc mạc cùng lối ăn mặc truyền thống của đồng bào S’tiêng. Khi chúng tôi hỏi chuyện, bà không rành tiếng Việt phải thường xuyên nhờ chồng “phiên dịch”, ánh mắt bà nhìn ông luôn lấp lánh rạng rỡ. Cuộc trao đổi giữa chúng tôi thông qua “phiên dịch” Điểu Bon như thêm phần thú vị vì ông luôn kèm thêm những “gia vị” khiến câu chuyện hấp dẫn. Qua cử chỉ, ánh mắt, chúng tôi hiểu ông bà đang rất hạnh phúc khi được an vui tuổi già bên nhau cùng sự trưởng thành của con, cháu.

Với những người đã trải qua chiến tranh, ngày kỷ niệm giải phóng đất nước càng trở nên thiêng liêng và đầy tự hào. Họ thêm một lần nhớ về nơi chất chứa kỷ niệm, khắc ghi những ký ức, hoài niệm đẹp về một thời hào hùng. Sau biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, những người từng đối mặt giữa sự sống và cái chết như bà Thị Bưa vẫn luôn giữ tấm lòng son sắt, vững niềm tin theo Đảng, Bác Hồ; giáo dục con cháu hôm nay trân quý những thành quả mà các thế hệ ông cha đã dày công vun đắp, hy sinh cả mạng sống để có được.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
27302

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu