Thứ 6, 19/04/2024 16:46:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:40, 14/03/2020 GMT+7

Nông trường Nghĩa Trung giải bài toán thiếu công nhân

Quang Minh
Thứ 7, 14/03/2020 | 14:40:00 562 lượt xem
BPO - Nông trường Nghĩa Trung, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng có trên 460 cán bộ, công nhân, người lao động làm việc tại 14 tổ sản xuất. Từ năm 2019, do nhiều yếu tố tác động khiến một số công nhân xin nghỉ việc, làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của nông trường.

Nông trường có tổng diện tích 1.774 ha. Trong đó, 1.080 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, chiếm 60,87%. Phó giám đốc nông trường Nguyễn Thanh Hải cho biết: Năm 2019, nông trường có 10 công nhân ở tổ 6 và tổ 8 xin thôi việc, điều này dẫn đến tình trạng thiếu lao động cục bộ, ảnh hưởng tới sản lượng thu hoạch mủ của tổ sản xuất và cả nông trường. Bình quân mỗi công nhân thu hoạch khoảng 8-10 tấn mủ/năm. 10 người nghỉ tương ứng sẽ giảm 80-100 tấn mủ/năm. Mấy năm gần đây, giá mủ cao su giảm sâu khiến thu nhập và đời sống của công nhân gặp khó khăn. Một số công nhân thiếu lao động phụ, nhà xa lô cao su, điều kiện đi lại khó khăn. Ngoài ra, một số công nhân lâu năm, có tay nghề cao, kỹ thuật lấy mủ tốt xin nghỉ hưu, thôi việc về khai thác vườn cao su của gia đình hoặc cạo thuê cho tư nhân. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu công nghiệp, vì vậy một số lao động xin nghỉ ở nông trường đi làm công nhân dẫn đến thiếu lực lượng khai thác. Vì vậy, Nông trường Nghĩa Trung đã đưa ra một số giải pháp cho tình hình này.

Các lô cao su của nông trường thường xuyên được thổi lá tạo đường ranh cản lửa gọn gàng, sạch sẽ

Chị Trịnh Thị Hồng (SN 1986), Tổ sản xuất số 6 được giao quản lý, khai thác 1 suất cạo khoảng 700 cây cao su tại các lô 73b, 87 và 58. Đến năm 2019, một đồng nghiệp có lô cạo kế bên xin nghỉ làm công nhân nên nông trường động viên chị Hồng cạo choàng sang lô của công nhân đó. Chị Hồng cho biết: “Bình thường một công nhân cạo 700 cây là vừa sức. Từ khi đồng nghiệp nghỉ, tôi cạo thêm khoảng 100 cây nữa và đã phải cố gắng rất nhiều. Thời gian làm việc tăng lên, do vậy phải đi sớm, về muộn. Thi thoảng tôi cũng phải nhờ chồng trút mủ, vét máng, chăm sóc, vệ sinh cây”. Cùng với chị Hồng, một số công nhân có tay nghề giỏi cũng được giao trách nhiệm khai thác thêm diện tích có công nhân xin nghỉ, góp phần đảm bảo sản lượng của nông trường theo kế hoạch.

Công nhân khai thác mủ có thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian làm việc 6-7 tiếng đồng hồ/ngày. Hết thời gian làm việc tại nông trường vẫn còn có điều kiện nghỉ ngơi, chăm lo công việc gia đình. Trong khi để có thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng, công nhân ở các khu công nghiệp phải làm việc từ 10-12 tiếng đồng hồ/ngày. Áp lực về thời gian, điều kiện làm việc và sức khỏe, ít có thời gian chăm sóc bản thân và gia đình.

Ông Cao Ngọc Hào,
Trợ lý bộ phận thanh tra, bảo vệ, quân sự Nông trường Nghĩa Trung

Giám đốc nông trường Bùi Thiện Hậu cho biết: Để giải quyết vấn đề thiếu công nhân, nông trường đẩy mạnh tuyên truyền. Thông qua các buổi sinh hoạt tại tổ sản xuất, cán bộ phân tích những thuận lợi, khó khăn từ đó mời gọi công nhân trở lại làm việc. Đơn vị cũng áp dụng biện pháp kinh tế để công nhân nâng cao tinh thần trách nhiệm tích cực lao động sản xuất và ngày càng gắn bó hơn. Cụ thể, nông trường tăng đơn giá mủ ở các vườn cây thanh lý, vườn cây nhóm 3, vì chủ yếu thiếu lao động ở những vườn cây này; hỗ trợ xăng xe cho công nhân ở xa. Đặc biệt, những công nhân có nhu cầu sẽ được tạo điều kiện về chỗ ăn ở, sinh hoạt cho cả gia đình tại các nhà tổ sản xuất. Trước mắt, để đảm bảo ổn định chung, đảng ủy, Ban giám đốc nông trường đề nghị các công nhân là đảng viên phát huy tính tiên phong, gương mẫu nhận cạo choàng diện tích công nhân nghỉ việc.

  • Từ khóa
45547

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu