Thứ 4, 24/04/2024 08:49:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:00, 22/09/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020-2025

Nông thôn Bình Phước đổi mới

Quang Minh
Thứ 3, 22/09/2020 | 07:00:00 1,151 lượt xem
BPO - Cuối năm 2020, Bình Phước sẽ có 60/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 66,6% tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Thành phố Đồng Xoài và thị xã Phước Long đã bảo vệ thành công trước hội đồng thẩm định của Trung ương. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Các huyện Đồng Phú, Chơn Thành, thị xã Bình Long đang tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục thẩm định, phê duyệt… để được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy là tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng Bình Phước đã có những đột phá trong xây dựng NTM, qua đó làm cho bức tranh nông thôn ngày càng đổi mới.

Từ xã điểm Tân Lập...

Xã Tân Lập, huyện Đồng Phú được chọn thí điểm xây dựng NTM trong cả nước và được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2014. Phong trào xây dựng NTM đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn của một xã thuần nông. Ông Văn Tài, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tân Lập hiện có hệ thống giao thông thuận lợi với trên 30km đường liên thôn, xã thâm nhập nhựa, trên 35km đường xương cá được bê tông rộng rãi. Đường giao thông hoàn chỉnh tới đâu, nhân dân xây dựng hệ thống điện chiếu sáng tới đó. Nhiều mô hình kinh tế như: dưa lưới, rau sạch, nấm, sản xuất cây giống ngày càng phát triển theo các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, đem lại kinh tế cao. Đặc biệt, các công ty, xí nghiệp tại Khu công nghiệp Nam Đồng Phú còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong xã. Bình quân thu nhập đầu người của xã Tân Lập đạt trên 65 triệu đồng/năm, không còn hộ nghèo. đối tượng bảo trợ trên địa bàn được xã vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu hằng tháng. Các thôn 5 và 2 đang bắt tay vào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

Ông Phạm Văn Tấn (bìa phải) ở khu phố 1, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ để xây dựng thương hiệu riêng

Từ xã điểm Tân Lập, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp. Người dân ngày càng hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong việc đóng góp sức người, sức của cùng Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó phát triển hệ thống giao thông được xác định là khâu đột phá. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, UBND tỉnh hỗ trợ xi măng, huyện, xã và nhân dân đối ứng kinh phí, nhân lực làm đường. Từ năm 2014-2019, toàn tỉnh đã làm được 2.383,78km đường và 62.000m2 sân bê tông xi măng, dự kiến hết năm 2020 hoàn thành thêm 650km. Từ năm 2017, UBND tỉnh tích hợp thêm chỉ tiêu 4.3 về tỷ lệ đường quê được thắp sáng trong tiêu chí số 4, là chỉ tiêu đặc trưng của Bình Phước và nhận được sự quan tâm rất cao của người dân. Đến nay, tỉnh có trên 450km đường nông thôn có điện thắp sáng với 100% vốn xã hội hóa, trong đó Bù Đăng là huyện tiêu biểu trong phong trào này. Người dân hưởng ứng rất cao chủ trương của tỉnh trong thực hiện cơ chế đặc thù, qua đó thể hiện ở 2 khía cạnh đối ứng và giám sát. Trong đó, người dân đối ứng trực tiếp khoảng 85 tỷ đồng/năm, đồng thời tự nguyện hiến gần 2.000 ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng NTM. 2.000 cá nhân, hộ gia đình ủng hộ kinh phí xây dựng NTM từ 20 triệu đến 1 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016-2020, kinh phí đầu tư cho chương trình xây dựng NTM tại Bình Phước gồm: Vốn ngân sách Trung ương 557.500 triệu đồng, ngân sách địa phương 1.950.399 triệu đồng, vốn lồng ghép 1.950.196 triệu đồng, vốn tín dụng 56.371.700 triệu đồng, vốn doanh nghiệp 156.516 triệu đồng, vốn huy động từ cộng đồng dân cư 411.337 triệu đồng.

...Đến nông thôn tỉnh đổi mới

Sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cộng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đã tạo nên bức tranh NTM Bình Phước ngày càng tươi sáng. Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Đến hết tháng 8-2020, có 57/90 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó 48 xã đã có quyết định công nhận đạt chuẩn. Hiện bình quân các xã trong tỉnh đạt 16,92 tiêu chí. Giai đoạn 2019-2020, Bình Phước có 13 xã xây dựng NTM nâng cao. Trong đó 3 xã đã đạt 14/14 tiêu chí. Các xã còn lại tiếp tục phấn đấu đạt vào cuối năm nay. Trong 19 khu dân cư xây dựng thành kiểu mẫu, có 4 khu đạt 10/10 tiêu chí, 2 khu đã có quyết định công nhận đạt chuẩn. 15 khu dân cư còn lại đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Phong trào xây dựng NTM thực sự đi vào tâm thức của mỗi người dân và tạo đà cho các thôn, xã bứt phá phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2020, huyện Bù Đăng được tỉnh giao làm 120km đường bê tông xi măng, hiện đã hoàn thành 110km, dự kiến đến cuối năm sẽ vượt chỉ tiêu khoảng 30km. 2 xã về đích NTM trong năm nay là Bình Minh và Nghĩa Trung được UBND huyện cho đối ứng 30%, riêng Đăng Hà còn nhiều khó khăn nên đối ứng 20%.
Ông Nguyễn Huy Long,
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng

Phát huy lợi thế là tỉnh có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, Bình Phước đã tạo ra cơ hội lớn để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Người dân chuyển dần từ lao động thủ công sang sử dụng máy móc và áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, đồng thời tham gia vào các mô hình sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác xã đảm bảo đầu ra sản phẩm. Ông Trương Văn Đảo (Ba Đảo), Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long là một trong những nông dân đi đầu trong xây dựng mô hình kinh tế hợp tác xã hiệu quả. Ông Ba Đảo khẳng định: “Người nông dân chính là chủ thể làm cho nông thôn đổi mới bằng hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo ra chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập, từ đó đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (ông Ba Đảo ủng hộ 150 triệu đồng xây dựng NTM - PV). Và chính cơ sở hạ tầng nông thôn thuận lợi sẽ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của nông dân phát triển”.

Sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã làm cho diện mạo nông thôn Bình Phước đổi thay, phát triển từng ngày. Các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến thôn, ấp không những thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn xây dựng được các mô hình: tuyến đường hoa, hệ thống điện chiếu sáng đường quê, khu phố không rác bảo vệ môi trường... càng làm cho nông thôn như được “khoác lên mình chiếc áo mới”. Theo kết quả khảo sát tại các xã xây dựng NTM, tỷ lệ hài lòng của người dân là 96%.

Năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết, đặc biệt là dịch Covid-19, tuy nhiên 12 xã đăng ký về đích NTM đang tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, tập trung tháo gỡ các tiêu chí khó khăn, đảm bảo các tiêu chí “mềm” như môi trường, quốc phòng, an ninh… để về đích NTM đúng kế hoạch.

  • Từ khóa
39921

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu