Thứ 4, 24/04/2024 11:14:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:09, 29/04/2020 GMT+7

Nông nghiệp Bình Phước chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu - Bài 1

Xuân Túc
Thứ 4, 29/04/2020 | 07:09:00 2,700 lượt xem
BPO - Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa cơ bản lâu dài của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương mà Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra. Tại Bình Phước, biến đổi khí hậu đang ngày càng biểu hiện rõ nét qua các đợt nắng nóng kéo dài, trận lốc xoáy xảy ra với mật độ dày hơn trong những năm gần đây. Trong khi đó, mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh luôn trong tình trạng được mùa mất giá và ngược lại khiến nông dân gặp không ít khó khăn. Nhà nông trong tỉnh đã chủ động thay đổi cơ cấu cây trồng nhưng đồng thời cần ngành nông nghiệp chủ động hơn nữa, đưa ra những chính sách, giải pháp được ví như bệ đỡ góp phần hỗ trợ nông dân.

TRỤ VỮNG TRONG MÙA KHÔ HẠN

Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh hết đối mặt với “bão giá” lại vật lộn với “bão bệnh”, thiên tai... Do đó, nông dân phải mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi với tình hình thời tiết và hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Mặc dù còn nhiều trở ngại nhưng đây cũng được xem là bước đi góp phần đổi mới ngành nông nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn.

CÂY CÓ MÚI LÊN NGÔI

Hiện nay, các tỉnh miền Tây đang chịu tác động mạnh bởi hạn hán và xâm nhập mặn khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây ăn trái bị thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, Bình Phước có điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp với cây ăn trái, nhất là cây có múi cần được phát huy. Phú Riềng là huyện nông nghiệp, với các loại cây trồng chủ lực như điều, cao su, hồ tiêu, cà phê. Nhưng thời gian gần đây, hiệu quả kinh tế cây công nghiệp thấp. Trong khi huyện có lợi thế đất đỏ bazan dồi dào, 7 hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu. Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân đã chủ động chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Năm 2019, toàn huyện có trên 761 ha trồng cây ăn trái các loại, chiếm 1,09% diện tích đất nông nghiệp của huyện, sản lượng lên tới 4.326 tấn. Để liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp, huyện cũng chủ động thành lập 5 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực cây ăn trái, trong đó có 3 hợp tác xã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm: Hợp tác xã bưởi da xanh Hồng Nịp, Hợp tác xã cây ăn trái Hoa Phong, Hợp tác xã cây ăn trái Nông Thành Phát.

2,5 ha cây quýt đường của gia đình anh Nguyễn Hữu Nghĩa ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh cho năng suất trên 40 tấn trái nhờ được cung cấp nước thường xuyên từ hồ rừng cấm

Lộc Ninh có diện tích nông nghiệp lớn nhất tỉnh với trên 54 ngàn ha, trong đó hồ tiêu 4.929 ha. Gần đây, do ảnh hưởng lốc xoáy, hạn hán, cùng với giá cả bấp bênh, sâu bệnh gây hại khiến diện tích hồ tiêu giảm đáng kể. Để thích ứng với tình hình, ngành nông nghiệp huyện vận động người dân chuyển đổi diện tích hồ tiêu đã chết sang trồng cây ăn trái. Theo kế hoạch năm 2020, huyện phát triển thêm 398 ha cây ăn trái, nâng tổng diện tích lên 1.969 ha, sản lượng trên 16,3 ngàn tấn. Trong đó cây cam, quýt 398 ha, xoài 130 ha, chôm chôm 95 ha, nhãn 150 ha, mít 251 ha, sầu riêng 390 ha, chuối 70 ha, bưởi 268 ha, cây ăn trái khác 217 ha. 

Năm 2018, huyện được hỗ trợ trên 16 ngàn cây điều giống cấp cho 229 hộ. Năm 2019, huyện được hỗ trợ 7.000 cây điều giống cấp cho 104 hộ dân chuyển đổi trên diện tích hồ tiêu chết. Đến nay, 100% cây điều sinh trưởng, phát triển tốt. Trước mắt, để ổn định cuộc sống người dân, khi bắt đầu chuyển đổi, huyện hỗ trợ 220kg giống ngô lai CP888, 6 tấn phân hữu cơ bón lót cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để trồng xen, chủ động nguồn thu khi điều còn nhỏ.

Huyện Bù Đốp có diện tích đất nông nghiệp 33.223 ha, chiếm 87%. Sản xuất nông nghiệp chiếm 75,45%. Để nâng cao giá trị đất, năm 2019, huyện đã chuyển đổi đất canh tác lúa không hiệu quả sang đất trồng cây lâu năm và đất ở tại khu vực ấp 2, ấp 4, xã Thiện Hưng với diện tích 43 ha; chuyển đổi  trồng cây có múi tại ấp Tân Định, xã Tân Thành diện tích 44 ha.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Khi cây hồ tiêu mất mùa, rớt giá, bị sâu bệnh phá hoại, ngành nông nghiệp đã khuyến khích người dân chuyển đổi qua trồng cây ăn trái như: sầu riêng, mít, chanh dây, chuối và một số loại cây có múi. Tuy nhiên, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú ý nguồn đất phù hợp, nguồn nước đảm bảo. Đồng thời, người dân cần bám sát quy hoạch của ngành nông nghiệp để phát triển phù hợp, tránh tình trạng trồng tràn lan, sau đó cung vượt cầu, nông sản rớt giá.

XEN CANH ĐỂ CHỐNG “BÃO GIÁ”

Do tác động của dịch Covid-19 và các yếu tố tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân chọn giải pháp trồng xen nhằm hạn chế thiệt hại. Cách đây gần 5 năm, gia đình anh Mai Xuân Thắng, ấp 6, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh đầu tư trồng 2.000 trụ tiêu xen canh dưới tán sầu riêng 15 năm tuổi. Nhờ chăm sóc tốt, nguồn nước tưới đầy đủ nên vụ 2019, dù hồ tiêu mất mùa nhưng vườn tiêu của gia đình anh Thắng vẫn đạt năng suất trên 2 tấn. Tuy nhiên, với giá 35 ngàn đồng/kg tiêu khô, anh Thắng chỉ đủ thu bù chi. Đổi lại, chỉ với 10 cây sầu riêng gần 20 năm tuổi, niên vụ vừa qua gia đình anh thu gần 60 triệu đồng. Đây là khoản thu không nhỏ trong bối cảnh hồ tiêu liên tục rơi vào điệp khúc mất mùa, rớt giá.

78 ha lúa của Hợp tác xã Hưng Thành, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh cho năng suất trung bình 7 tấn ha nhờ được cung cấp nước thường xuyên từ đập dâng Tôn Lê Chàm

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 124 ngàn ha cây lâu năm. Trong đó, cây hồ tiêu 16,9 ngàn ha; cây cà phê trên 15 ngàn ha; cây ăn trái các loại gần 11,8 ngàn ha. Theo các chuyên gia nông nghiệp, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt không chỉ tiết kiệm được lượng nước, giảm nhân công, đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây trồng mà còn tiết kiệm cho những mùa vụ sau.

Cũng tại huyện Lộc Ninh, với 2,5 ha quýt đường năm thứ 4, gia đình anh Nguyễn Hữu Nghĩa ở ấp 7, xã Lộc Hưng thu trên 40 tấn trái. Với giá khoảng 20 ngàn đồng/kg như những năm trước, dự kiến vụ mùa năm nay, gia đình anh Nghĩa thu khoảng 800 triệu đồng. Dù nguồn thu được xem là ổn định nhưng anh Nghĩa vẫn không yên tâm với giá quýt đường vì đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Hiện anh chủ động trồng xen sầu riêng, cam sành, bưởi da xanh để tạo thêm nguồn thu nếu quýt đường rớt giá.

Theo kinh nghiệm của nông dân, việc trồng xen canh nhiều loại cây trên cùng diện tích đất cũng là biện pháp lâu dài để ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trồng xen không chỉ để phòng tránh rủi ro mà còn điều hòa độ ẩm trong vườn khi cây khép tán. Vì vậy, trong tương lai cần nhân rộng các mô hình trồng xen canh theo hướng đa dạng sinh học, kết hợp sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế tác động của thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học... đến môi trường đất và nước.

TIẾT KIỆM CHO TƯƠNG LAI

Cùng với chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng biện pháp kỹ thuật tưới tiêu trong nông nghiệp nhằm giảm thất thoát và tiết kiệm nước. Trong đó, tưới nước tiết kiệm hợp lý cho cây trồng cũng là giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay. Nhận thấy lợi ích của công nghệ tưới tiết kiệm, gia đình anh Nông Văn Cảnh ở thôn Bàu Đỉa, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng đã bỏ ra hàng chục triệu đồng mua các vật dụng để tự thiết kế hệ thống phun tưới tiết kiệm cho 12 ha cây ăn trái.

Nhân viên Nhà máy nước sạch tập trung huyện Bù Đốp kiểm tra nguồn nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân

Anh Cảnh cho biết: Đầu năm 2020, gia đình đầu tư 170 triệu đồng để lắp đặt hệ thống bơm tưới bằng năng lượng, với công suất 9kW. Tưới bằng năng lượng kết hợp tưới nhỏ giọt, phun sương giúp vườn cây ăn trái của gia đình phát triển tốt trong mùa khô, tiết kiệm được nguồn nước và đặc biệt tiết kiệm được gần 30 triệu đồng chi phí mua dầu chạy máy nổ tưới cây như trước đây.

Dù chỉ trồng 500 nọc tiêu nhưng gia đình bà Dương Thị Tâm ở ấp 6A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh luôn gặp khó khăn về nước tưới vào mùa khô. Năm 2015, gia đình bà chi 6 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới nước phun sương tự động. Bà Tâm cho biết: “Khi trồng tiêu, gia đình đã tính đến hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ưu điểm của hệ thống phun sương là vừa tiết kiệm nước vừa tiết kiệm công lao động nên thuận tiện rất nhiều”.

  • Từ khóa
94706

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu