Thứ 7, 20/04/2024 05:03:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:25, 26/09/2019 GMT+7

Những “lỗ hổng” tiêm chủng ở Bình Phước - Bài 1

Thứ 5, 26/09/2019 | 14:25:00 3,400 lượt xem
BP - 7 tháng năm 2019, hầu hết chỉ tiêu kết quả tiêm chủng ở Bình Phước không đạt tiến độ đề ra, thậm chí một số chỉ tiêu thực hiện rất thấp. Ngành y tế lo lắng vì nếu không nâng được tỷ lệ bao phủ trong tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào...

Nỗi ám ảnh mang tên “đổi vắc-xin”

Sau 10 năm sử dụng vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem (ngừa 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do Hib), đầu năm 2019, Bộ Y tế chính thức chuyển sang sử dụng vắc-xin 5 trong 1 có tên ComBe Five. Tuy nhiên, một bộ phận cha mẹ vẫn chưa sẵn sàng cho con đi tiêm ngừa vì lo ngại phản ứng sau tiêm.

lo ngại nên không tiêm ngừa cho con

Nói về nguyên nhân không cho con đi tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, chị N.T.T ở phường Tiến Thành (Đồng Xoài) bần thần nhớ lại: Khi con vừa tròn 2 tháng, theo lịch tiêm vợ chồng tôi đưa con lên trạm y tế để tiêm chủng. Sau khi thăm khám, tư vấn bé được chích mũi 5 trong 1 ComBe Five. Tới chiều bé bắt đầu sốt hâm hấp nhưng đến đêm thì sốt cao, quấy khóc liên tục, gia đình phải đưa bé vào viện. 3 ngày tiếp theo, bé vẫn nóng sốt, tôi rất lo. Cộng thêm người nhà đọc thông tin trên mạng cảnh báo có bé tiêm chủng về bị sốc dẫn đến tử vong nên tôi ám ảnh. Vì vậy, mấy tháng nay tôi không dám cho bé đi tiêm nữa.

Nhân viên y tế tư vấn trước khi tiêm chủng cho trẻ tại Trạm Y tế phường An Lộc (Bình Long)

Mặc dù đến nay con chị T đã gần 7 tháng nhưng theo sổ tiêm chủng bé mới chỉ được tiêm ngừa viêm gan B sơ sinh và 1 mũi 5 trong 1, như vậy bé còn thiếu rất nhiều mũi tiêm ngừa khác và không được bảo vệ đầy đủ. Những bé không được tiêm chủng đầy đủ, chẳng may mắc bệnh truyền nhiễm trong thời gian này thì khả năng rủi ro và lây bệnh ra cộng đồng rất cao. Cán bộ phụ trách công tác tiêm chủng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) lo lắng cho biết: Trường hợp cha mẹ không cho con đi tiêm chủng vì sợ phản ứng sau tiêm trên địa bàn tỉnh không phải ít. Ngoài ra, một số cha mẹ quên lịch tiêm, chủ quan với dịch bệnh nên chưa đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đầy đủ.

Có thể nói, e ngại phản ứng sau tiêm là nguyên nhân chính khiến chỉ tiêu tiêm vắc-xin 5 trong 1 của tỉnh từ đầu năm đến nay không đạt. Tại xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm 5 trong 1 mũi 1 là 149/220 trẻ, xã Phú Trung (Phú Riềng) là 48/68 trẻ và số bé đến tiêm mũi 3 giảm dần chỉ còn 1/3 so với số tiêm mũi thứ nhất. Cán bộ tiêm chủng những nơi này cho biết: Do tâm lý e ngại, hoang mang nên một số phụ huynh thấy lần 1 con sốt là không cho đi tiêm lần 2, 3 nữa, mặc dù đã được tư vấn kỹ, gọi điện thoại nhắc nhở, thậm chí nhân viên y tế đến tận nhà vận động.

Ở thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) chỉ 164/220 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm mũi 1 ComBe Five. Chị Nguyễn Thị Nin, Phó trưởng Trạm Y tế thị trấn Tân Phú cho biết: Ngoài nguyên nhân địa phương có số dân di biến động lớn, chúng tôi còn gặp khó khăn do không có người làm. Hiện trạm chỉ thực hiện chức năng dự phòng nên có 2 người, mỗi người phụ trách hơn 10 chương trình và phải trực đêm, kiêm cả dọn vệ sinh. Tới ngày tiêm chủng phải huy động nhân viên hỗ trợ, nếu không cũng khó tổ chức tiêm thành công.

ngại tiêm gộp nhiều mũi  cùng lúc

Hiện nay ở một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trường hợp cha mẹ và cả nhân viên y tế ngại không dám cho trẻ tiêm gộp nhiều mũi trong một lần tiêm. Nhiều nhất là đối với trường hợp các bé từ 18-24 tháng tuổi được tiêm nhắc vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 4 (DPT4) và tiêm vắc-xin sởi - rubella. Chị Vũ Thị Thiện ở thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) cho biết: Tôi chỉ cho con tiêm DPT4 chứ không tiêm vắc-xin sởi - rubella vì sợ tiêm 2-3 loại cùng lúc bé sẽ mệt, sốt, quấy khóc. Một số phụ huynh khác thì cho rằng cứ tiêm DPT4 trước, sau đó nếu có dịch thì tiêm sởi sau, không cần thiết phải tiêm cùng lúc. Đáng lưu ý, vắc-xin ComBe Five không có thành phần bại liệt, nên một số cha mẹ quên không cho con uống vắc-xin bại liệt lần 1 và lần 2, dẫn đến các bé bị sót liều uống bại liệt. Các chuyên gia cho rằng sở dĩ cần có các mũi tiêm nhắc lại vì đối với một số vắc-xin sau khi tiêm đủ liều cơ bản thì kháng thể chỉ có tác dụng bảo vệ trong một thời gian nhất định. Khi lượng kháng thể này giảm có thể bé không có khả năng bảo vệ trước sự tấn công của mầm bệnh. Vì vậy, tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phù hợp theo lứa tuổi, đặc biệt lưu ý không quên các mũi tiêm nhắc lại là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Trả lời câu hỏi có nên tiêm nhiều mũi cho trẻ một lần, bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Gần đây dịch sởi có dấu hiệu bùng phát trên toàn cầu, đặc biệt bệnh ho gà và sởi xảy ra ở trẻ nhóm tuổi nhỏ, thậm chí chưa đến độ tuổi tiêm chủng và bệnh bạch hầu, uốn ván cũng có rải rác ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, việc giao lưu đi lại quốc tế và trong nước ngày càng phát triển, trẻ có nguy cơ phơi nhiễm với mầm bệnh nhiều hơn. Do vậy, tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ giúp trẻ được phòng bệnh sớm, tránh nguy cơ mắc bệnh ở độ tuổi nhỏ với nhiều biến chứng khó lường. Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, không có sự khác biệt giữa việc tiêm chủng đồng thời 2-3 mũi trong một lần với khi tách riêng ra. Thậm chí khi tiêm riêng, cha mẹ phải đưa con đi nhiều lần và mất thêm thời gian theo dõi sau mỗi lần tiêm. Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ bị sốt, quấy khóc sau tiêm (thường do đau) vì đó là biểu hiện tự nhiên của cơ thể đáp ứng với tiêm chủng. Nếu sốt cao và dùng thuốc (hạ sốt, giảm đau) không khỏi, có thể bé có thêm vấn đề bệnh trùng hợp khác gây ra, thì cần lưu ý và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chăm sóc và theo dõi”.

Phương Dung

  • Từ khóa
94624

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu