Thứ 7, 20/04/2024 21:26:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:22, 28/12/2019 GMT+7

Nỗ lực xây dựng thương hiệu “Gạo Đăng Hà”

Minh Luận - Thùy Hương 
Thứ 7, 28/12/2019 | 08:22:00 1,001 lượt xem
BP - Đăng Hà có diện tích trồng lúa lớn nhất huyện Bù Đăng. Những năm qua, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực quyết tâm xây dựng thương hiệu “Gạo Đăng Hà”. Đến nay, nhiều thủ tục cần thiết đã được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hạt gạo Đăng Hà.

TRĂN TRỞ TỪ VỰA LÚA...

Đăng Hà là xã vùng sâu của huyện Bù Đăng, với 75% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng, Dao từ phía Bắc di cư vào lập nghiệp mang theo nghề trồng lúa nước. Cùng với lợi thế nguồn nước dồi dào từ sông Đồng Nai, thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa, từ lâu, trồng lúa nước đã trở thành kinh tế chủ lực của người dân nơi đây. Tuy nhiên, những năm trước, với giống lúa dài ngày, tập quán canh tác truyền thống, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, nông dân Đăng Hà chỉ trồng từ 1-2 vụ lúa/năm với năng suất bình quân 3-4 tấn/ha nhưng năm được mùa, năm mất.

Anh Bàn Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hà (thứ 2 từ trái qua), huyện Bù Đăng trao đổi với người dân về lúa gạo Đăng Hà sau khi thành phẩm

Trong hành trình xây dựng thương hiệu “Gạo Đăng Hà”, việc sản xuất lúa gạo ở xã những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc. Bỏ lối canh tác truyền thống, nhiều hộ đã áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đưa các giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng góp phần nâng cao giá trị thương mại của hạt gạo, tăng thu nhập cho người dân.

“Để tiến tới xây dựng thương hiệu “Gạo Đăng Hà” cần làm tốt công tác tuyên truyền giúp người dân làm quen với sản xuất lúa gạo hữu cơ. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tìm giống lúa phù hợp với cả đất trũng và đất cạn để nâng cao năng suất, hiệu quả đầu tư; quan tâm ổn định đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời tập trung nâng cấp hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng để người dân có thể gieo trồng đồng loạt, đưa các phương tiện kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư và không bị tư thương ép giá”.

Ông Mai Xuân Doanh, Tổ trưởng Tổ sản xuất lúa hữu cơ Đăng Hà

Ông Bàn Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hà cho biết: Đất đai, khí hậu ở Đăng Hà rất thích hợp với cây lúa nước, không phù hợp trồng cây điều, cà phê, cao su như những vùng đất khác. Nhiều khu vực thiếu nước vào mùa khô, các hộ dân chuyển sang trồng cao su, điều nhưng năng suất không cao và đã chặt bỏ. Một số hộ chủ động đắp đập giữ nước, tiếp tục gắn bó với cây lúa. Để giúp người dân chủ động nguồn nước tưới, năm 2007, trạm bơm Đăng Hà được đầu tư xây dựng với mục tiêu cấp nước cho khoảng 70 ha đất trồng lúa, hoa màu. Tuy nhiên, hệ thống kênh mương dẫn nước nhiều bất cập nên chỉ có thể cấp nước cho khoảng 35 ha, số diện tích còn lại sản xuất “nhờ trời”.

Hiện nay, toàn xã có khoảng 500 ha  gieo sạ. Tùy từng chân ruộng và nguồn nước tưới có thể trồng 2-3 vụ/năm với năng suất bình quân 4-6 tấn/ha. Tuy nhiên, đa số lúa gạo Đăng Hà bán sang Cát Tiên (Lâm Đồng) chế biến và mang thương hiệu “Gạo Cát Tiên”. Vì vậy, xây dựng thương hiệu “Gạo Đăng Hà” là trăn trở của các cấp chính quyền và người dân nơi đây. Trong lần làm việc với Đảng ủy, UBND xã Đăng Hà về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Huỳnh Hữu Thiết đã yêu cầu UBND xã phối hợp các phòng, ban chức năng của huyện từng bước xây dựng thương hiệu “Gạo Đăng Hà”. Trước mắt là định hướng người dân sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất và hạ giá thành sản phẩm...       

đến NỖ LỰC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

Trước đây, người trồng lúa ở Đăng Hà thường làm theo lối truyền thống. Từ chỗ mạnh ai nấy làm, nơi nào có nước thì xuống giống nên cánh đồng lúa Đăng Hà luôn có những mảng màu khác nhau trong cùng thời điểm. Ở những vùng đất trũng, đủ nước thì cây lúa xanh tốt, có những ruộng lúa đang thời kỳ trổ bông. Cạnh đó là vùng đất cằn, nông cạn, cây lúa còi cọc, chuyển màu vàng nhạt. Đan xen là những chân ruộng vừa gặt hoặc đang bị bỏ hoang vì thiếu nước tưới... Do đó, để từng bước xây dựng thương hiệu “Gạo Đăng Hà”, những năm qua, các phòng, ban của huyện và chính quyền địa phương nơi đây đã phối hợp tập trung khắc phục bất cập của trạm bơm để đảm bảo nguồn nước tưới, định hướng nông dân liên kết trong sản xuất, lựa chọn đưa vào sản xuất các giống lúa có chất lượng cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương và nhu cầu thị trường.

Ông Bàn Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hà (Bù Đăng) trao đổi với nông dân về “sức khỏe” của cây lúa được trồng theo phương pháp hữu cơ

Ông Bàn Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hà, cho biết thêm: Năm 2019, các phòng, ban chức năng của huyện đã phối hợp làm điểm 2 mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ ở thôn 2 và thôn 3 với 18 hộ tham gia. Các hộ dân này được hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, giống lúa chất lượng cao, nấm vi sinh để đảm bảo chân ruộng tốt hơn và hạn chế sâu bệnh. Đặc biệt, tùy từng chân ruộng, các hộ dân đã biết dùng phương tiện kỹ thuật hiện đại vào sản xuất như dụng cụ sạ hàng, máy gặt liên hoàn, máy cày lớn, giúp tiết kiệm ngày công, cải tạo đất và nâng cao năng suất cây trồng.

“Quy trình sản xuất từ xuống giống lúa đến khi thu hoạch đều được chúng tôi ghi chép tỉ mỉ. Đặc biệt, nhờ có nấm vi sinh nên lúa gạo Đăng Hà tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế bón phân. Hiện chúng tôi bán các loại gạo này với giá trung bình 130 ngàn đồng/kg. Với giống lúa và quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân Đăng Hà có thể “sống khỏe” nhờ cây lúa”.

Lương Thị Tuyền ở thôn 2, xã Đăng Hà

Gia đình bà Lương Thị Tuyền ở thôn 2, xã Đăng Hà là một trong 18 hộ tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ. Bà và các hộ được tập huấn nhiều kỹ thuật gieo trồng mới, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư. Các hộ được hỗ trợ giống lúa phù hợp với đất phèn và cho năng suất cao hơn. Đó là giống Đài Thơm 8 cho gạo không dẻo, không cứng mà đậm cơm và giống lúa 5451 gạo thơm, dễ gieo trồng, kháng sâu bệnh, chịu phèn tốt. Ngoài ra, một số hộ còn trồng thêm giống 6162, 4900. Đây là những giống lúa ngắn ngày, cho năng suất cao và được thị trường ưu chuộng.

Để từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu “Gạo Đăng Hà”, trước mắt, Bù Đăng tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Theo đó, mỗi năm huyện xây dựng 20 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, mỗi mô hình 5 sào. Huyện cũng định hướng người dân thành lập hợp tác xã lúa gạo và hỗ trợ máy sấy lúa có sự đối ứng của người dân để sử dụng cho vụ lúa hè thu vào mùa mưa. Ông Huỳnh Xuân Linh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng cho biết: Các hộ dân tham gia mô hình điểm có đất liền kề nhau, thuận lợi về nguồn nước tưới để khi xuống giống thực hiện đồng loạt và có thể kiểm soát được sâu bệnh hại. Đặc biệt, Đăng Hà đã thành lập được Tổ sản xuất lúa gạo hữu cơ gồm 18 thành viên. Một số hộ dân đã liên kết với nhau mở cơ sở thu mua và chế biến, cung cấp gạo sạch cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, chủ yếu là mua bán nhỏ lẻ, chưa có sự bao tiêu và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

  • Từ khóa
94664

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu