Thứ 7, 20/04/2024 17:27:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:02, 25/03/2020 GMT+7

Nỗ lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Điểu Vĩnh
Thứ 4, 25/03/2020 | 10:02:00 732 lượt xem
BPO - Trong các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng ở Bình Phước, có thể thấy dệt thổ cẩm được bảo tồn và lưu giữ khá tốt. Trải qua bao thế hệ cũng như chịu không ít tác động của nền kinh tế thị trường, nghề dệt thổ cẩm vẫn đứng vững đến hôm nay. Tùy điều kiện của mỗi nơi, mỗi gia đình sẽ có những cách làm hay trong bảo tồn và lưu giữ nghề truyền thống.

DUY TRÌ VÌ ĐAM MÊ

Phu Mang 2 là một trong 3 thôn đặc biệt khó khăn của xã Long Hà, huyện Phú Riềng. Toàn thôn có 94 hộ, phần lớn là đồng bào S’tiêng, điều kiện kinh tế còn nhiều thiếu thốn nhưng bà con ở đây, nhất là phụ nữ luôn ý thức duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bà Thị Ngô 53 tuổi nhưng đã có 30 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm và người truyền dạy không ai khác chính là mẹ của bà. Gắn bó với nghề nhiều năm nhưng chưa bao giờ bà xem trọng việc kiếm tiền từ nghề dệt này. Những sản phẩm làm ra nếu gặp khách thì bán được, còn không bà dùng làm quà tặng mỗi khi dựng vợ, gả chồng cho con, cháu trong gia đình. “Trước đây, gia đình tự trồng bông để dệt, bây giờ phải mua sợi ở chợ. Tôi dệt chủ yếu là để cho con cháu dùng”- bà Thị Ngô cho biết.

Bà Thị Châm (bìa trái) dệt thổ cẩm tại nhà ở ấp Lồ Ô, xã Thanh An, huyện Hớn Quản

Tương tự, bà Thị Nhung (61 tuổi) biết dệt thổ cẩm từ năm 15-16 tuổi. Nghề được duy trì đến nay một phần là vì tâm nguyện của ông bà, cha mẹ. Bản thân bà cũng nhận thấy vẻ đẹp, nét độc đáo và đặc trưng riêng của văn hóa dân tộc mình nên dù sản phẩm làm ra bán được hay không cũng không quan trọng. Bà Thị Nhung nói: “Lúc nào có tiền mua sợi thì tôi dệt. Ở đây, chị em dệt nhiều loại lắm, như: chăn đắp, xà rông, vải dùng may quần áo... Do không được quảng bá rộng rãi, sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho chị em trong thôn, ấp và dùng làm quà tặng người thân, bạn bè. Tôi chỉ tận dụng thời gian rảnh để dệt nên không ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống gia đình”.

Với sự khéo léo, tỉ mỉ cùng kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó, phụ nữ S’tiêng đã tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp, tinh xảo, hoa văn độc đáo, có tính thẩm mỹ cao, rất phù hợp để mặc trong dịp cưới hỏi, lễ, tết... Đây cũng chính là lý do phụ nữ ở thôn Phu Mang 2 duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG?

Phụ nữ S’tiêng ở thôn Phu Mang 2, xã Long Hà duy trì nghề dệt thổ cẩm chủ yếu dựa vào cái tâm, hoàn toàn tự lực thì các bà, các chị ở 2 xã An Khương, Thanh An, huyện Hớn Quản có thuận lợi hơn trong duy trì nghề nhờ sự trợ giúp đắc lực từ Dự án “Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào S’tiêng trên địa bàn huyện Hớn Quản, giai đoạn 2016-2020”.

Bà Thị Hơi là thành viên tích cực của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã An Khương. Bà cho biết: “Mình dệt là để dạy con cháu sau này. Nếu ai mua thì bán, còn không thì để dành dùng trong nhà hay làm quà tặng”. Hiện phần lớn các sản phẩm thổ cẩm của bà chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ tại địa phương dù khá đẹp và đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Với suy nghĩ thổ cẩm như là hơi thở, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người S’tiêng nên mỗi khi nhàn rỗi, bà thường ngồi dệt mà không quan tâm nhiều đến giá cả hay đầu ra sản phẩm.

Dự án “Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào S’tiêng trên địa bàn huyện Hớn Quản, giai đoạn 2016-2020” được thực hiện từ cuối năm 2016 với hơn 100 thành viên tham gia, trong đó có khá nhiều nghệ nhân. Hiện Tổ dệt thổ cẩm tại xã Thanh An tạo được khá nhiều sản phẩm như: túi xách, quần, áo, váy, khăn, chăn...

Bà Thị Mương - nghệ nhân có hơn 40 năm dệt thổ cẩm và là thành viên của tổ thổ cẩm ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An, cho biết: Vì muốn lưu giữ, vì tình yêu sâu đậm với thổ cẩm nên có dự án bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc mình tôi rất vui. Chỉ mong sản phẩm làm ra được nhiều người biết đến và những người làm thổ cẩm thủ công truyền thống có thể sống được với nghề. Hiện nay, hầu hết các thành viên trong tổ đều tồn đọng khá nhiều sản phẩm. Cái khó khăn nhất là nguyên liệu mua khá đắt, dệt mất rất nhiều thời gian, trong khi bán sản phẩm khá rẻ. Do vậy, chỉ mong Nhà nước hỗ trợ đầu ra cho bà con, có như vậy chúng tôi mới duy trì được nghề dệt truyền thống.

Ông Lê Thái Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết “Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm dệt may công nghiệp, việc duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng được xem là thành công. Địa phương đang tìm đầu ra cho sản phẩm và vận động bà con giữ nghề truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, để các nghệ nhân, người dệt có thể gắn bó lâu dài và sống được bằng chính nghề truyền thống của dân tộc mình, rất cần các cấp và ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn; liên kết với các khu du lịch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu và quảng bá sản phẩm... góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số”.

  • Từ khóa
94212

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu