Thứ 7, 20/04/2024 08:52:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:34, 05/11/2016 GMT+7

Những vướng mắc khi thực thi pháp luật trong lĩnh vực dân tộc và văn hóa - xã hội

Thứ 7, 05/11/2016 | 08:34:00 1,057 lượt xem

BP - L.T.S: Hiện nay, việc thực hiện các quy định pháp luật trong công tác quản lý ngành một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Bình Phước có nhiều bất cập, một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với tình hình thực tế gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chuyên ngành ở địa phương và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan. Những khó khăn, vướng mắc trên đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp từ kiến nghị của các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Bình Phước và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành ở Trung ương xem xét, giải quyết:

LĨNH VỰC DÂN TỘC

Việc thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thời gian qua có nhiều kết quả. Trong hai năm 2014-2015, tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ được 1.256 đối tượng, các hộ dân được hỗ trợ có đất ở, đất sản xuất, có điều kiện làm kinh tế thoát nghèo. Hiện số hộ đồng bào DTTS nghèo cần được hỗ trợ chính sách trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn nhiều, tuy nhiên, thời gian thực hiện chính sách đã kết thúc. Đề nghị Chính phủ quan tâm, quy định việc tiếp tục thực hiện chính sách đến năm 2020 và bố trí kinh phí để tỉnh triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, giúp các hộ đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện sống tốt hơn.

Nhiều nhà văn hóa ấp, sóc đang bị xuống cấp, hư hỏng. Trong ảnh nhà văn hóa ấp Bưng Sê, xã Tân Thành (Đồng Xoài) - Ảnh: B.LNhiều nhà văn hóa ấp, sóc đang bị xuống cấp, hư hỏng. Trong ảnh nhà văn hóa ấp Bưng Sê, xã Tân Thành (Đồng Xoài) - Ảnh: B.L

LĨNH VỰC VĂN HÓA

Những năm trước, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã hỗ trợ khá hiệu quả cho các địa phương có điều kiện đặc biệt khó khăn (trong đó có tỉnh Bình Phước) trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của các địa phương. Tuy nhiên, đến nay chương trình này đã kết thúc, trong khi các địa phương vẫn còn rất nhiều di sản văn hóa có giá trị đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc đang cần được bảo tồn để tránh bị mai một. Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục trình Chính phủ và Quốc hội xem xét việc phân bổ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hằng năm cho các địa phương để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ nguồn Trung ương và địa phương trong các năm 2013, 2014, 2015 và 2016 không được phân bổ; từ đó ảnh hưởng nhiều đến các chỉ tiêu giải quyết việc làm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành chức năng phân bổ kinh phí giải quyết việc làm để tỉnh có kinh phí thực hiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng được quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Các đối tượng được hỗ trợ có nhà ở ổn định cuộc sống, có điều kiện phát triển kinh tế. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, trên địa bàn tỉnh còn hơn 500 hộ gia đình đủ điều kiện và đã được lập danh sách đề nghị hỗ trợ, trong đó có một số đối tượng già yếu, bệnh nặng. Tuy nhiên việc hỗ trợ chưa thực hiện được vì không có kinh phí. Để các đối tượng người có công với cách mạng, đặc biệt là các đối tượng già yếu, bệnh nặng có nhà ở đảm bảo cuộc sống, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét cấp vốn tiếp tục thực hiện chính sách để việc hỗ trợ các đối tượng được kịp thời.

Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 thì “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 thì “đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp nào nhưng không có nơi cư trú ổn định và tòa án cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Việc quy định chồng chéo này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương khi thực hiện. Đề nghị Quốc hội quy định thống nhất việc đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc và thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc để việc thực hiện được thống nhất.

LĨNH VỰC BẢO HIỂM XÃ HỘI

Việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Việc làm trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn như tình trạng trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài; một số doanh nghiệp lợi dụng sơ hở của pháp luật và sự thiếu kiến thức pháp luật của người lao động đã đóng không đủ số lao động thực tế làm việc tại các doanh nghiệp hoặc chia nhỏ mức thu nhập của người lao động để giảm mức đóng bảo hiểm... Tuy nhiên việc xử phạt đối với những hành vi này chưa hiệu quả, không đủ sức răn đe. Đề nghị Chính phủ tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị có sử dụng lao động; tăng mức xử phạt đối với những đơn vị có hành vi vi phạm để răn đe và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

LĨNH VỰC Y TẾ

Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã có một số chính sách nhằm thu hút bác sĩ về công tác tại địa phương. Tuy nhiên hiện tại số lượng bác sĩ công tác tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bình Phước thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, toàn tỉnh chỉ có 458 bác sĩ, trong đó tuyến tỉnh 224 bác sĩ, tuyến huyện 147 bác sĩ/11 huyện, thị xã, tuyến xã 87 bác sĩ/111 xã, phường, thị trấn. Đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét quy định cho các tỉnh khó khăn, biên giới chỉ tiêu tuyển sinh bác sĩ chính quy hệ cử tuyển tại các trường đào tạo ngành y để tạo nguồn bác sĩ về công tác tại địa phương.

Hiện lĩnh vực y tế - dân số không còn trong chương trình mục tiêu quốc gia nên Trung ương không thực hiện việc cấp kinh phí cho địa phương để thực hiện một số nhiệm vụ theo kế hoạch. Trong khi đó, Bình Phước là tỉnh biên giới, còn nhiều khó khăn nên kinh phí đầu tư cho lĩnh vực y tế - dân số gặp nhiều trở ngại. Đề nghị Chính phủ quan tâm có kế hoạch hỗ trợ vốn cho tỉnh Bình Phước để đầu tư lĩnh vực y tế - dân số, giúp công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn.

Tôn Ngọc Hạnh
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

  • Từ khóa
1291

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu