Thứ 7, 20/04/2024 10:03:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:09, 27/12/2015 GMT+7

Những trận đánh tiêu biểu của LLVT tỉnh Bình Phước

Chủ nhật, 27/12/2015 | 15:09:00 4,261 lượt xem
BP - Được thành lập ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, sự nuôi dưỡng, đùm bọc của nhân dân địa phương, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh vừa chiến đấu vừa xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng. Vượt qua khó khăn, gian khổ, LLVT tỉnh đã đoàn kết, anh dũng, kiên cường phối hợp với các lực lượng đánh địch trên tuyến đường 13, đường 14 và các hành lang Hớn Quản, Lộc Ninh, Bà Rá, Đồng Xoài, Bù Đăng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung cùng quân và dân cả nước đánh bại thực dân Pháp.

Xạ thủ B40 tiêu diệt mục tiêu trong diễn tập

Niềm vui chiến thắng chưa được bao lâu thì quân và dân Bình Phước lại cùng quân và dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến mới - kháng chiến trường kỳ với quy mô ngày càng ác liệt. Năm 1965, Mỹ - ngụy mở chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Đảng bộ, LLVT tỉnh và nhân dân mở chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài. Đây là chiến dịch lớn nhất của chiến trường B2. Trải qua 64 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, ta đã phá tan hàng loạt hệ thống ấp chiến lược, dinh điền của địch, giải phóng trên 5 vạn dân, vùng giải phóng được mở rộng; tiêu diệt gần 4.500 tên địch, trong đó, có 73 cố vấn Mỹ, bắn hạ 34 máy bay và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng, có 4 tiểu đoàn bộ binh bị diệt 1 tiểu đoàn dù thuộc lực lượng tổng trù bị.

Giai đoạn 1966-1967, trên chiến trường Phước Long, trong khi địch bắt đầu cuộc phản công mùa khô lần thứ hai, càn quét sâu vào vùng căn cứ kháng chiến ở Đắk Nhau, Bom Bo và khu vực Đường 309 đi Bù Gia Mập. Cuộc càn quét mang tên “Phượng hoàng bay”. Tỉnh ủy chủ trương sử dụng bộ đội tập trung tỉnh, du kích xã Đắk Ơ phối hợp với một bộ phận Sư đoàn 7 chủ lực Miền, tổ chức tập kích cụm quân địch ở Đắk Ơ. Được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực Miền, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Long, Phước Long, quân dân địa phương liên tục tác chiến và phục vụ tác chiến, hình thành sự phối hợp nhịp nhàng ba thứ quân. Kết thúc chiến dịch, ba thứ quân đã tác chiến 60 trận, loại khỏi vòng chiến 5.420 tên địch (có 3.000 Mỹ), phá hủy 103 xe cơ giới, 63 khẩu pháo, 4 kho đạn và xăng dầu, tiêu diệt 1 chi khu, bắt sống 617 tên ngụy, thu 172 súng. Ngày 7-11-1967, Bộ chỉ huy Miền gửi thư biểu dương, khen ngợi quân, dân mặt trận Lộc Ninh.

Cũng trong thời gian này, LLVT cùng với nhân dân kiên quyết bám trụ địa bàn, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo đánh địch phản kích, đồng thời tiếp tục củng cố xây dựng lực lượng. Những tháng cuối năm 1968, LLVT Bình Long, Phước Long đã liên tục chống càn, diệt và đánh thiệt hại nặng 9 tiểu đoàn, 8 đại đội ngụy; 3 tiểu đoàn, 3 đại đội Mỹ; 1 đại đội Úc; diệt 106 xe tăng, xe thiết giáp; bắn rơi và làm hỏng 16 máy bay.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-72 của Thường vụ Trung ương Cục lần thứ 11, Chiến dịch Nguyễn Huệ trên chiến trường miền Đông Nam bộ được triển khai đầu năm 1972. Hướng chủ yếu của chiến dịch là Đường 13 - Lộc Ninh, Bình Long. Đúng 5 giờ 30 phút, ngày 5-4-1972, quân và dân Bình Phước cùng với các đơn vị chủ lực đồng loạt nổ súng, đánh chiếm các mục tiêu nhỏ lẻ của địch ở ngoại vi thị xã, bảo vệ hành lang và lần lượt thọc sâu tiến công vào nội thị, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch. Ngày 7-4-1972, Lộc Ninh - huyện đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Ở Bình Long, Tiểu đoàn 368, các đại đội 70, 75 và đại đội đặc công của Bình Long nổ súng tiến công bốt Phú Miêng, Phú Lạc, phối hợp với Trung đoàn 1, Sư đoàn 5, Trung đoàn 14, Sư đoàn 7 đánh chiếm Núi Gió, điểm cao 169, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn dù, buộc địch phải lui về An Lộc để phòng thủ. Ngày 13-4-1972, bắt đầu tiến công thị xã Bình Long. Trong suốt 32 ngày đêm chiến đấu, giằng co quyết liệt giữa ta và địch, pháo, đạn, bom kể cả bom B52 cày nát mặt đất. Ngày 15-5-1972, địch tăng thêm quân mở đợt phản kích. Để tránh tổn thất, ta rút khỏi thị xã An Lộc, lập điểm chốt chặn ở Tàu Ô, Tân Khai đánh địch càn quét giải tỏa Đường 13.

Sáng 1-1-1975, ta bắt đầu nổ súng tiến công vào thị xã Phước Long, tiêu diệt từng mục tiêu của địch. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt đến trưa ngày 6-1-1975 thì lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng Phước Long. Phước Long hoàn toàn giải phóng. Ta đã diệt và bắt sống toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền ở Phước Long, thu 5.000 súng các loại, 10 ngàn đạn đại bác và nhiều phương tiện chiến tranh, bắn rơi 5 máy bay, giải phóng hơn 50 ngàn dân.

Chiến thắng Đường 14 - Phước Long có ý nghĩa cả về mặt chiến thuật, chiến dịch và chiến lược; tạo thế và xây dựng lực lượng ở chiến trường B2; là một thực tiễn lớn để đánh giá khả năng phản ứng của ngụy và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ, góp phần hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thắng lợi này càng củng cố quyết tâm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng kết thúc chiến tranh sớm trong năm 1975.

Trong khi đó, địch ở An Lộc, Bình Long ngày đêm cố thủ dưới các chiến hào. Từ ngày 20-3, hai sư đoàn ngụy lại bị cầm chân ở Tây Ninh. Không có khả năng tiếp viện cho nhau và biết chắc sẽ bị tiêu diệt, ngày 23-3-1975, địch rút chạy về Chơn Thành kết hợp với ngụy ở Chơn Thành giữ cửa ngõ vùng Tây Bắc Sài Gòn.

Trước diễn biến mới, ngày 20-3-1975, theo chỉ đạo của Bộ chỉ huy Miền, LLVT Bình Phước hành quân xuống bao vây Bình Long để lực lượng Bình Long xuống bao vây Chơn Thành. 20 giờ ngày 23-3-1975, Bình Long được giải phóng. Ta tiếp tục tổ chức lực lượng, bao vây phía nam, nghi binh để cầm chân địch.

Quân và dân địa phương của ta phối hợp với lực lượng Quân đoàn 4 đánh Chơn Thành. Lực lượng địch ở đây khá mạnh, gồm có một liên đoàn biệt động quân, 3 pháo đội, 4 chi đội xe tăng thiết giáp cùng với lính bảo an, dân vệ. Trước tiên, ta đánh vào các chòi bảo an ở ấp Chơn Thành 2, Ngọc Lầu, sau đó tiến vào phía bắc chi khu. Ở phía đông, ta bắn kìm chân lực lượng biệt động quân, đóng ở vườn cao su ngã tư Chơn Thành. Các cánh quân của ta tiến công mãnh liệt, song hỏa lực của địch mạnh, lực lượng phòng bố dày đặc, địch đã phản kích dữ dội. Pháo từ chi khu, từ tòa hành chính liên tiếp bắn vào đội hình ta, gây nhiều tổn thất. Lực lượng của ta đã nhanh chóng tìm cách khắc phục bất lợi về địa hình ở phía tây, tiêu diệt trận địa pháo của liên đoàn biệt động quân bên cạnh tòa hành chính. Sau đó, phối hợp với cánh quân phía tây từ Nha Bích lên, phá cổng chi khu, mở hướng thọc sâu đánh vào trung tâm chỉ huy. Ngày 31-3-1975, ta tiếp tục tăng cường thêm lực lượng mở đợt tấn công vào Chi khu Chơn Thành. Đến sáng 2-4-1975 địch tháo chạy, chiều 2-4-1975 Chơn Thành được giải phóng, cũng là ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Phước.

Những thắng lợi đó có ý nghĩa to lớn nhiều mặt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những trận đánh, những địa danh, những tên đất, tên làng như: Làng 2, làng 5, làng 10, Tà Thiết (Lộc Ninh); Bom Bo (Bù Đăng); Tàu Ô - xóm Ruộng (Hớn Quản), Đường 13, chiến thắng Đồng Xoài rực lửa chiến công, với Lộc Ninh là thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, có Phước Long là tỉnh lỵ đầu tiên được giải phóng... cùng các đơn vị như Tiểu đoàn 1 Phú Lợi, Tiểu đoàn 368 Bình Long, Đại đội 31, Đại đội 70, Đại đội 290, Đại đội Đặc công, Đại đội 568 anh hùng... đã được ghi vào lịch sử như những dấu ấn không bao giờ phai, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quân, dân Bình Phước.

 Quang­ Thạch
(Nguồn tư liệu: Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước)

  • Từ khóa
14687

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu