Thứ 6, 29/03/2024 01:14:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:34, 27/09/2019 GMT+7

NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

Những số phận không bị bỏ lại phía sau

Thứ 6, 27/09/2019 | 13:34:00 4,115 lượt xem
BP - Một câu hỏi cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, mỗi tuần, thậm chí cả tháng để các bé có thể nhận biết được sự vật tồn tại quanh mình. Dù 2 hay 5 hay 10 tuổi, khi đến cơ sở giáo dục chuyên biệt, nhận thức của các bé như tờ giấy trắng. Vẽ lên đó ước mơ, hy vọng của các em và gia đình là nhiệm vụ của những người thầy đặc biệt với mong mỏi giúp những số phận không bị lùi lại phía sau!

Nhìn bản giáo án của thầy Hồ Đức Hoàn không khác của bất kỳ giáo viên nào về hình thức, song nội dung đơn giản đến sắt lòng. Bởi mỗi giờ học của một trẻ khi mới đến cơ sở chỉ là làm sao để phát âm được, nhớ tên của mình, tên ba mẹ mình...

Lớp học của thầy Hoàn

Đó là lớp học chỉ có 1 học trò và thầy giáo Hồ Đức Hoàn tại cơ sở chuyên biệt Bình Long, thị xã Bình Long. Một lớp học như vậy diễn ra từ 1-1,5 giờ mỗi ngày tùy khả năng tập trung của trò. “Để một bé tăng động giảm chú ý ngồi yên được 60 phút đã khó, để bé tập trung nghe dạy là cả một quá trình. Các bé khi được đưa đến cơ sở hầu hết hành vi đều thực hiện theo sở thích, không biết đúng, sai” - thầy Hồ Đức Hoàn chia sẻ.

Lớp học đặc biệt của thầy Hồ Đức Hoàn. Để trò “tăng động, giảm chú ý” ngồi yên ngay ngắn là quá trình dạy dỗ miệt mài của thầy

“Đa số trẻ tự kỷ khả năng ngôn ngữ yếu. Nhiều trẻ lên 5 tuổi vẫn không giao tiếp. Chúng tôi phải dạy các em phát âm từng từ đơn. Sau đó, các em phải nhớ tên của mình. Do các em khả năng tiếp thu chỉ được 30-60% so với trẻ bình thường, trong khi vận động lại gấp nhiều lần. Giai đoạn đầu dạy phải kiên trì, vừa dạy vừa dỗ” - thầy Hoàn luôn vui vẻ nói về công việc của mình.

Thầy Hoàn tốt nghiệp cử nhân sư phạm giáo dục đặc biệt cùng 13 thành viên của lớp, trong khi đầu vào đại học đậu 20 người. Trải qua 4 năm vừa học vừa đi thực tế, đến khi ra trường, lớp chỉ còn hơn nửa. Việc học không quá khó, nhưng đi thực tế tiếp xúc với trẻ bị đao, bại não, tự kỷ, các bạn không đủ sự đồng cảm đã bỏ chương trình học. Những người trụ lại không biết có theo nghề, song với thầy Hoàn cái duyên đã định ngay từ khi nộp 3 bộ hồ sơ thi tuyển chỉ duy nhất bộ chọn ngành giáo dục đặc biệt đúng thể lệ. Rồi thầy tìm thấy niềm vui mong muốn giúp đỡ các em bị tự kỷ qua những lần tiếp xúc đi thực tế.

Lớp học của thầy Hoàn luôn sôi động, chỉ cần thấy trò không tập trung thì thầy chuyển đề tài, nói về điều các bé thích. Sau khi thấy các bé đã thoải mái thì tiếp tục bài học. Tạo môi trường đầy ắp yêu thương là nhiệm vụ của thầy, đối với trẻ tự kỷ không thể nóng vội hay giận dữ. Bài học về các bộ phận của con voi thầy Hoàn đã dạy gần một tuần nhưng trò vẫn chưa nhớ được hết. Tôi khâm phục sự nhẫn nại của thầy, vẫn hào hứng mỗi ngày “đây là con voi, nói thầy nghe đây là con gì?”...

Đưa con đến với thế giới muôn màu

Cơ sở chuyên biệt Bình Long thành lập cách đây 5 năm bởi một người mẹ có con trai bị bệnh tự kỷ. Cô Trần Thị Luyến không thể ngờ rằng cuộc đời mình lại rẽ theo con đường này. Đang làm quản lý sản xuất ở một công ty tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành, dự tính sau khi sinh con, cô sẽ tiếp tục công việc. Cô phát hiện con mình chậm hơn các bé cùng trang lứa và khả năng phát triển lùi khi bé 2 tuổi. Vậy là thời gian rong ruổi đến các bệnh viện của mẹ con cô nhiều hơn ở nhà.

“Mẹ Luyến” là tên gọi yêu thương mà hầu hết các bé tại cơ sở dành cho cô Trần Thị Luyến

Rồi cô quyết định đưa con vào học ở trường chuyên biệt tại Bình Dương sau khi bác sĩ kết luận bé bị “rối loạn phát triển, lan tỏa hành vi” - một dạng của tự kỷ. Gia đình chồng ủng hộ, động viên mẹ con cô xuống ở trọ tại Bình Dương để tiện việc học hành của bé. Mỗi ngày, con đến lớp, mẹ cũng xách cặp theo học tại trường. Cô mong muốn được học kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ với hy vọng khi ở nhà con trai cũng được chăm sóc đúng cách. Thời gian đằng đẵng tính bằng năm, con trai có tiến triển tốt, được trường đánh giá cao, cô trở thành hình mẫu người mẹ chăm sóc con tự kỷ để nhiều gia đình đến gặp xin chia sẻ kinh nghiệm. Giờ con trai cô đã lên 9 tuổi và học lớp 3.

Cơ sở chuyên biệt Bình Long đang nhận nuôi dạy 32 em ở các lứa tuổi và đủ các dạng bệnh lý. Sĩ số chỉ duy trì như vậy bởi không đủ giáo viên. Cơ sở có 6 giáo viên thì 2 người đang đi học thạc sĩ tâm lý. Cô đã động viên giáo viên đi học nâng cao kiến thức. Bản thân cô cũng đang hoàn thành khóa học quản lý giáo dục đặc biệt để có điều kiện mở thêm cơ sở.

Trần Thị Luyến

Tiếp xúc với con và nhiều trẻ tự kỷ khác tại trường, tình thương cảm trong cô nảy nở đến độ khát khao mở một cơ sở riêng. Ý tưởng của cô lại lần nữa được gia đình chồng ủng hộ. Một vài giáo viên ở trường hiểu được tâm nguyện của cô Luyến đã tình nguyện bỏ phố lên rừng cùng cô tạo lập một chốn cưu mang thêm các mảnh đời không may mắn.

“Các giáo viên đi cùng tôi biết là sẽ vất vả và thù lao không bằng mức đang hưởng nhưng họ không đặt nặng. Năm đầu tiên, sau khi tổng kết, cả cơ sở dư được 800 ngàn đồng. Số tiền chia cho 4 giáo viên. Mỗi người cầm 200 ngàn đồng nhưng vui lắm. Lương tâm nghề nghiệp là điều tiên quyết để họ về Bình Long cùng tôi” - cô Luyến cảm phục trước sự hào sảng của các thầy, cô giáo rời Bình Dương về Bình Phước cùng mình.

Ngoài các hoạt động học chữ, học toán, học ăn, học nói, thầy cô cơ sở chuyên biệt còn tạo cơ hội cho các bé đến với thế giới muôn màu bằng các chuyến dã ngoại, đi siêu thị, đi uống cà phê. Biết rằng sẽ vất vả và nguy hiểm khó lường nhưng đây là cơ hội để các bé va chạm với cuộc sống của một người bình thường. Và cũng là dịp để mọi người hiểu hơn về trẻ tự kỷ, những số phận đang hiện hữu hằng ngày.

Ba sẽ là cánh chim...

Ôm chặt con trai vào lòng, anh Nguyễn Văn Hải ở thị xã Bình Long như muốn từng giây, từng phút con cảm nhận được tình yêu của mình. Thế nhưng, con trai Nguyễn Hữu Khánh cứ tuột ra khỏi vòng tay anh hướng đến nơi cháu để ý là một cái gì đó xa xăm vô định. Anh cố gọi tên con nhiều lần, chỉ muốn con nhìn mình một chút nhưng cũng bất lực. “Lúc bé hơn 1 tuổi, tôi phát hiện cháu không giao tiếp bằng mắt. Gọi con nhưng tiếng gọi rơi vào thinh không. Lúc đó, cháu còn biết nghe lời, biết sợ. Còn bây giờ đã hơn 3 tuổi rồi không những không giao tiếp mà cháu còn không nghe lời. Bác sĩ nói cháu mắc chứng rối loạn tư duy cảm xúc, thoái hóa lùi, tăng động” - anh Hải cho biết.

Các bé đã có khả năng tập trung và ngoan ngoãn ngồi học khi không có cô giáo bên cạnh

Anh Hải là một trong số rất ít phụ huynh của cơ sở chuyên biệt Bình Long đối diện với thực tế. “Tôi không giấu giếm. Vợ chồng tôi đã sang lại quán đang ăn nên làm ra ở Bình Long chuyển về Bình Dương thuê nhà trọ gần trường chuyên biệt con học để tiện chăm sóc. Ở Bình Dương được hơn nửa năm, con tôi không tiến triển, dù trong thời gian đó gia đình đã đến tất cả bệnh viện chuyên trị. Sau đó, tình cờ biết ở Bình Long cũng có cơ sở dạy trẻ tự kỷ, vợ chồng tôi quay về. Mọi thứ bắt đầu lại từ đầu” - anh Hải cho biết.

Con bị bệnh là điều bản thân bé không hề muốn, cha mẹ lại càng không muốn. Nhưng dù không muốn thì thực tại không thể thay đổi được. Dòng họ đều biết và động viên gia đình tôi. Con bị bệnh, tiền bạc làm ra như gió vào nhà trống. Nhưng dù có thế nào vẫn là con tôi. Tôi đang nỗ lực làm việc để có điều kiện tốt nhất chăm sóc con. Tốn bao nhiêu cũng chịu vì tôi hy vọng con có thể nghe được tôi gọi tên cháu.

Anh Nguyễn Văn Hải (TX. Bình Long)

Huy chương tự gắn lên ngực áo 

Có một thực tế là rất ít người muốn nhìn đúng bản chất sự việc. Có người tự AQ rằng mỗi đứa trẻ phát triển không giống nhau, con mình có thể chậm hơn các bạn cùng trang lứa chứ không bị bệnh. Lại có người, bác sĩ chỉ rõ bệnh lý nhưng vì sĩ diện, vì vị trí trong xã hội của gia đình, dòng tộc, mà giấu giếm bệnh của con, tự cô lập chính con của mình. Cũng có trường hợp phụ huynh ý thức được bệnh của con nhưng lại đặt kỳ vọng quá nhiều vào thầy cô giáo. Trong khi sự tương tác ở nhà với con rất cần thiết thì lại bỏ qua.

“Giấu giếm không phải cách giúp con và gia đình mình. Bệnh tự kỷ không phải bệnh nan y, được can thiệp càng sớm khả năng trẻ hồi phục càng cao. Con trai tôi năm nay 9 tuổi, đang học lớp 3. Và còn rất nhiều trẻ của cơ sở đã về hòa nhập với cộng đồng. Hãy cho các em cơ hội làm chủ bản thân và cuộc sống, bởi cha mẹ không ở đời mãi với con được” - cô Luyến ngậm ngùi chia sẻ.

Nếu bạn không có niềm tin vào một đứa trẻ tự kỷ có thể hòa nhập với nhịp điệu của cuộc sống đời thường thì không bao giờ bạn dạy được các em. Tôi chỉ nhìn thấy ở các em có sự đặc biệt hơn những đứa trẻ khác. Và tôi tin khi chúng ta cho các em một môi trường, một cơ hội thì các em sẽ làm được một công việc bình thường như mọi người.

Thầy Hồ Đức Hoàn, cơ sở chuyên biệt Bình Long

Hoạt động được 5 năm nhưng đến nay cơ sở vẫn chưa được cấp giấy phép. Trao đổi vấn đề này, cô Trần Thị Mỹ Thành, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Bình Long cho rằng, hoạt động của cơ sở là “cứu cánh” cho phụ huynh và trẻ bị tự kỷ trên địa bàn. Bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con đi Bình Dương hay thành phố Hồ Chí Minh học. Chính quyền cần xem cơ sở chuyên biệt như một nhóm trẻ gia đình thì việc cấp phép dễ dàng hơn.

Trong 5 năm, cơ sở chuyên biệt Bình Long mỗi năm đều có vài trẻ sau khi học qua 4 lớp tiền đường đã có thể đến trường phổ thông học cùng các bạn. Có trẻ không cần quay lại cơ sở vào dịp hè, tuy nhiên cũng có trẻ gia đình tạo điều kiện mỗi ngày được đưa đến để luyện giao tiếp thêm. Năm nay, cô Luyến cho biết có 4 trẻ vào học lớp 1. Mỗi trẻ được đưa ra hòa nhập cộng đồng là một huy chương các thầy cô tự gắn lên ngực áo của mình.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
94627

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu