Thứ 5, 25/04/2024 16:04:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:40, 17/05/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 60 NĂM ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH (1959-2019)

Những nữ TNXP trên đường Trường Sơn huyền thoại

Thứ 6, 17/05/2019 | 14:40:00 992 lượt xem
BP - Hai bà Trần Thị Lan và Vũ Thị Oanh có nhiều điểm chung. Cùng sinh năm 1952, quê Thái Bình, tình nguyện đi thanh niên xung phong (TNXP) cùng đợt và chưa người yêu... nên họ mến nhau từ ngày đó. Trở về quê sau chiến tranh, lo chuyện chồng con, tất bật bươn chải cuộc sống, vậy mà họ lại cùng tìm đến ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang (Lộc Ninh) sinh sống và lập nghiệp. Bà Oanh ở Lộc Ninh được 34 năm thì bà Lan cũng gần 14 năm trên vùng đất mới. Bên nhau chia sẻ buồn vui, trân trọng cuộc sống hòa bình, họ thường xuyên ôn lại kỷ niệm chiến trường và không quên tri ân những đồng đội đã ngã xuống viết nên một Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Mãi mãi tuổi 20

Tròn 20 tuổi, cô gái trẻ Trần Thị Lan được tuyển làm TNXP vào chiến trường mở đường mòn Trường Sơn. Hành quân qua các tỉnh, đoàn 4 xe liên tục bị bom dội, sống chết mong manh, khó lường. Bà Lan nhớ lại: “Khi 2 xe vừa vượt qua cầu Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa thì bị đánh bom, cầu sập. 2 xe sau phải ở lại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa thêm 1 tuần mới tìm ra đường khác vào Nghệ An. Hành quân đêm, đến dốc Bò Lăn, tỉnh Nghệ An xe bị B52 đánh cháy, hy sinh 4 người. Mò mẫm tìm kiếm thi thể đồng đội, đến khi tìm ra, tóc đồng đội đã rụng từng mảng. Lúc này, máy bay địch vẫn quần trên đầu nên chúng tôi vừa tìm lùm cây ẩn nấp, giấu tạm thi thể vừa tìm cách chôn cất đồng đội. Vòng tới vòng lui cả 4-5 lần, những đồng đội hy sinh mới có thể yên nghỉ trọn vẹn. Trong số đó, 2 người bạn cùng xóm là Nguyễn Thị Na và Hoàng Thị Giám mãi mãi nằm lại, tôi buồn lắm và càng quyết tâm trả thù cho bạn, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nay 2 người bạn đã được đưa về nghĩa trang quê nhà, năm nào đơn vị cũ họp cũng đến mộ thắp nhang”.

Hai bà Trần Thị Lan (bên trái) và Vũ Thị Oanh thăm lại Bồn xăng - kho nhiên liệu VK98, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, một trong những dấu tích về đường Trường Sơn huyền thoại

4 đoàn xe gặp lại nhau ở Nghệ An nhưng hành quân vào đến Quảng Bình phải mất hơn 1 tháng. Bà Lan và bà Oanh cùng được phiên về Đại đội 735 tham gia mở đường 20 Quyết Thắng - tiền thân con đường di sản nối Phong Nha, Kẻ Bàng (Quảng Bình) sang đất Lào. Bà Lan hào hứng kể: “Đường đi Quảng Bình, đến ngầm Hương Khê bị tắc nên chúng tôi phải bơi qua. Ngày nghỉ, ban đêm chúng tôi mò mẫm qua ngầm để tránh kẻ thù phát hiện. Trên con đường này, những trọng điểm ác liệt như cua chữ A, đèo Phu Lai Nhích, ngầm Ta Lê thường xuyên bị máy bay địch quần thảo ném bom đánh phá nên việc thông đường vô cùng gian nan”.

Sau đường 20, đơn vị bà Lan, bà Oanh hành quân sang đường mòn Hồ Chí Minh mở đường. “Các nữ TNXP chỉ dùng xà beng, cuốc chim, tấm gỗ, mở ta luy từ đỉnh núi, đồi cuốc dần xuống, mở đường theo chỉ dẫn của phụ trách kỹ thuật. Giành giật lại từng thước đường, bảo đảm giao thông bất kể ngày đêm, bất kể tình huống nguy hiểm, đối mặt với hy sinh như phá bom, vần bom nổ chậm xuống vực cho xe qua, cho pháo vào trận địa. Đào núi đèo bằng cuốc, thuổng thủ công dưới làn mưa bom bão đạn nên cả tháng có khi chỉ mở rộng được khoảng 100m. Nhưng ai cũng khí thế hừng hực, máy bay quần thì ta trú ẩn, nó rút ta lại ra mở đường. Đúng là “tiếng hát át tiếng bom”, chẳng ai sợ chết đâu, vừa làm vừa hát hăng say lắm!” - bà Lan vui vẻ khi nhớ về thời hào hùng.

Ngoài mở đường, lấp hố bom, các nữ TNXP như bà Lan, bà Oanh còn khai thác nứa để bộ đội làm lán, vác đường ống dẫn dầu cho bộ đội vận chuyển vào Nam. Các bà còn giúp đồng bào Pa-cô làm kinh tế. “Sốt rét ác liệt lắm, nhiều người không chịu nổi đã phải nằm lại hoặc chích thuốc trị sốt rét đến teo chân... Nhưng phong trào thi đua “3 nhất” trong TNXP rất khí thế nên giao thông luôn được thông suốt...” - bà Oanh bùi ngùi cho biết.

“Quán triệt Không được yêu”

Tham gia chống đế quốc Mỹ, các nữ chiến sĩ TNXP Trường Sơn phải đối mặt với muôn vàn gian khổ, khắc nghiệt từ điều kiện sống, khí hậu núi rừng đến sự khốc liệt của chiến tranh. Vậy mà các cô gái Trường Sơn tuổi mười tám, đôi mươi năm ấy đều chung tâm trạng nhẹ nhàng, thậm chí lãng mạn, nên thơ. Ý chí chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã tiếp cho họ sức mạnh vượt qua tất cả để sống, chiến đấu, cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Điều làm chúng tôi tò mò: “Trai gái tuổi thanh xuân cùng sống bên nhau không phát sinh tình yêu đôi lứa sao?”. Bà Lan cười sảng khoái: “Khi huấn luyện chuẩn bị ra chiến trường, chúng tôi đã được quán triệt, không được yêu người trong đơn vị, nếu làm trái sẽ bị trả về địa phương. Ngày đó bị trả về là nhục lắm, làm sao sống nổi trong sự khinh miệt, dè bỉu của dư luận... Vì thế, có thích cũng phải nén lại vì nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng hơn. Thật ra, thanh niên chúng tôi vẫn thể hiện sự quý mến nhau nhưng chỉ là tặng cái khăn tay, vác giùm bạn gái chiếc ba lô khi hành quân cùng...”.

Hiền lành, kiệm lời, khi nhắc đến chuyện tình yêu, bà ngồi bên bạn cười nhỏ nhẹ: “Tuổi thanh xuân ai chẳng biết yêu nhưng với lòng căm thù giặc, ý chí dũng cảm kiên cường xả thân vì nghĩa lớn, cùng quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”... nên chúng tôi sẵn sàng gác tình cảm riêng tư sang một bên”.

Dành thanh xuân cho đất nước

Thật khó để nói hết những hy sinh, mất mát và tình cảm to lớn mà các nữ TNXP đã dành cho nền độc lập dân tộc. Họ đã quên đi bản thân, “quên” từ nhu cầu được yêu đến nỗi nhớ thương cha mẹ, anh chị em, sẵn sàng hy sinh máu xương vì tiếng gọi “Tổ quốc”! Ngày Bắc - Nam liền một dải, các cô gái TNXP tuổi đôi mươi ngày ấy mới bắt đầu lo chuyện riêng tư. 

Ra quân, bà Lan lên Điện Biên thì gặp chồng là Nguyễn Gia Linh thương binh hạng 4/4, cũng từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ. Họ đồng cảm nên yêu thương rồi kết hôn, có với nhau 4 người con, 2 trai, 2 gái. Năm 2006, vợ chồng bà vào huyện Lộc Ninh lập nghiệp. Hiện các con của bà đã học xong đại học, cao đẳng, xây dựng gia đình riêng và đều là đảng viên. Chồng bà Lan mất vì tai nạn năm 2012 nhưng các con luôn ở bên động viên nên bà cũng được an ủi tuổi già.

Bà Oanh vào Bình Phước năm 1986 nhưng kém may mắn hơn nên mãi năm 30 tuổi mới tìm được người kết tóc se duyên. Vợ chồng bà có 2 con trai đang làm công nhân tại tỉnh Bình Dương. Do chồng bà sớm ra đi sau cơn bạo bệnh nên bà Oanh đang sống một mình và con trai út mỗi tuần đều về thăm mẹ.

Những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn đã lấy đi phần không nhỏ sức sống, tuổi thanh xuân của những nữ cựu TNXP, nhưng điều đó không mảy may làm họ buồn. Ngồi ôn lại kỷ niệm, họ vẫn chỉ thấy tự hào xen lẫn sự may mắn vì được chứng kiến ngày đất nước hòa bình. Nữ TNXP ngày nào giờ gặp nhau ở Lộc Ninh, bà Lan, bà Oanh vẫn thường tìm đến nhau để chia sẻ, giúp đỡ, động viên sống vui, khỏe. Họ sống giản dị như những bông hồng bất khuất lặng lẽ tỏa hương, làm đẹp cho đời, vẫn thể hiện sinh lực hào khí như những cô gái Trường Sơn tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy.

Mai Ly

  • Từ khóa
27679

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu