Thứ 6, 19/04/2024 18:25:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:54, 13/12/2018 GMT+7

Những đòi hỏi vô lý

Thứ 5, 13/12/2018 | 08:54:00 1,215 lượt xem

BP - Những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới đã khẳng định sự đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã và đang hô hào chúng ta phải từ bỏ con đường đó, phải đi lên xây dựng chủ nghĩa tư bản (CNTB). Chúng cho rằng xây dựng CNXH là sai lầm, sẽ dẫn tới họa diệt vong, từ đó chúng lớn tiếng kêu gọi Việt Nam hãy đi theo con đường tư bản chủ nghĩa (TBCN) để có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Những luận điệu trơ trẽn

Với một giọng điệu hết sức trơ trẽn, “kẻ cả”, các thế lực thù địch lên mặt khuyên chúng ta nên từ bỏ con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; đòi chúng ta phải từ bỏ con đường CNXH, muốn đất nước ta lùi về giai đoạn dân chủ nhân dân, đòi đổi tên Đảng, tên nước, công khai hô hào đi theo con đường TBCN. Phụ họa cho giọng điệu đó, chúng lập luận rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm của CNTB, chẳng những không bị triệt tiêu mà ngày càng phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tích vĩ đại, nhân dân các nước tư bản có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Rằng, Việt Nam đi theo con đường CNXH, nhưng lại phát triển nền kinh tế thị trường, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là không tưởng, đường lối đó là chắp vá. Chưa hết, chúng còn ra sức “bôi đen” CNXH hiện thực, công khai ca ngợi chế độ TBCN và ra sức cổ xúy, “tô son”, “trát phấn” cho CNTB, rằng CNTB có thể hội tụ với CNXH trong thời đại văn minh tin học.

Chúng khoét sâu vào một số khuyết điểm, yếu kém của ta về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để quy chụp cho bản chất của CNXH, hoặc đòi hỏi những nhân tố của CNXH phải xuất hiện đầy đủ ngay, trong khi nước ta đang ở thời kỳ quá độ. Chúng cho rằng, phải phát triển CNTB dưới sự lãnh đạo của Đảng, giải quyết những vấn đề xã hội ở chừng mực nào đó theo CNXH dân chủ. Những luận điệu này không nhằm mục đích nào khác là gây sự hoài nghi, phá vỡ sự đồng thuận xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN, đưa nước ta đi theo con đường TBCN.

Kiên định mục tiêu, con đường đã chọn

Trước hết, phải khẳng định, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đó là con đường đầy chông gai thử thách, phải đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ cha ông mới có. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH khẳng định: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”. Đây là sự tổng kết lịch sử, vạch rõ nguồn gốc sâu xa mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, chỉ rõ mục tiêu, lý tưởng mà ta phải tiếp tục kiên định trong suốt thời kỳ quá độ. Độc lập dân tộc và CNXH là mục tiêu, cái đích phải đến của cách mạng Việt Nam, được xác định ngay từ Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng (1930). Từ đó đến nay, độc lập dân tộc và CNXH luôn luôn là ngọn cờ đầu dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Nhìn ra thế giới, không ít quốc gia đang vật lộn với đói nghèo, bệnh tật, xung đột, chiến tranh. Đó là một Afghanistan hoang tàn, một Libya tiêu điều, một Ukraina bất ổn, hay một Iraq xác xơ,... Đó từng là các nước khá phát triển trên thế giới cho đến trước khi nhận được sự “giúp đỡ” của phương Tây. Vì vậy, đừng quá ảo tưởng vào những lời hứa mỹ miều, “có cánh” của họ, bởi đó là những “viên đạn bọc đường”.

Một bài học đau xót mà từ đây là cái cớ cho những luận điệu chống phá: Đó chính là sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô cuối những năm 80 thế kỷ XX. Sự sụp đổ đó có nhiều nguyên nhân, song về cơ bản là do các quốc gia đó đã xa rời những nguyên tắc xây dựng CNXH, từ bỏ con đường CNXH. Bài học kinh nghiệm quý giá thứ hai chính là Việt Nam. Trong những năm tháng khó khăn nhất khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, nhưng Đảng ta, trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đã đưa đất nước từng bước thoát khỏi khủng hoảng, vững bước đi lên CNXH. Từ thực tiễn tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã tổng kết, rút ra một trong những bài học quan trọng là “Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Phải thừa nhận rằng, hiện nay, CNXH hiện thực tạm thời chững lại, tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta bi quan về con đường đi lên xây dựng CNXH. Vì thế giới ngày nay đã và đang tồn tại nhiều mô hình CNXH rất thành công như Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hay Cuba - quốc gia có nền y tế phát triển vào hàng bậc nhất thế giới. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho rằng: “Những ai không thấy luyến tiếc về sự tan rã của Liên Xô là người không có trái tim”. Mặc dù không chính thức tuyên bố, song một số quốc gia ở Nam Mỹ đang xây dựng đất nước theo những chuẩn mực của CNXH. Nói như vậy để thấy rằng, CNXH với bản chất ưu việt của nó vẫn là ước mơ, mục tiêu phấn đấu, con đường đi tới của xã hội loài người, vấn đề ở đây là quá trình đó diễn ra nhanh hay chậm mà thôi.

Tóm lại, đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp xu thế phát triển của lịch sử. Phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; không bi quan, dao động, mất niềm tin trước những khó khăn, thử thách. Phải nhạy cảm nắm bắt cái mới, giữ vững nguyên tắc chiến lược, đồng thời phải linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

Thanh Quang

  • Từ khóa
2821

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu