Thứ 6, 29/03/2024 04:42:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:10, 26/08/2020 GMT+7

hướng tới đại hội thi đua yêu nước tỉnh bình phước lần thứ v năm 2020

Những điển hình thanh niên tiên tiến toàn quốc

Cẩm Liên
Thứ 4, 26/08/2020 | 08:10:00 687 lượt xem
BPO - Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI năm 2020, tuổi trẻ Bình Phước vinh dự có 2 đại biểu tham gia và được tuyên dương khen thưởng. Đó là các anh Mai Duy Tuấn, công nhân khai thác Nông trường 4 và kỹ sư Lê Xuân Hồ, Phòng Kỹ thuật nông nghiệp, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng. 2 anh cũng là đại biểu đại diện hàng ngàn thanh niên Bình Phước sẽ tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V.

Các anh Mai Duy Tuấn và Lê Xuân Hồ tại lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI năm 2020 tại Nghệ An - Ảnh: NVCC

Không ngừng sáng tạo 

Kỹ sư Lê Xuân Hồ, Phòng Kỹ thuật nông nghiệp, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng là điển hình trong phong trào sáng tạo trẻ, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm áp dụng trong lao động sản xuất tại đơn vị, được tuyên dương các cấp. Những năm qua, anh Hồ có nhiều sáng kiến, sáng tạo ấn tượng, đem lại lợi ích thiết thực cho công ty và tập đoàn. 

Đầu tiên phải kể đến sáng kiến “Bộ đánh dấu hao dăm miệng cạo ngửa và úp” của anh Hồ. Đánh dấu hao dăm là công đoạn cần thiết nhằm quản lý và sử dụng vỏ cạo hiệu quả phục vụ tốt công tác quy hoạch bảng cạo. Trong khi đó, đánh dấu hao dăm theo phương pháp cũ dùng móc sắt rạch vào thân cây theo từng tháng, quý đã chia trên thước hao dăm, vừa tốn thời gian lại ảnh hưởng lớn đến vỏ cây, đồng thời phải sử dụng bút xóa vạch từng tháng, quý. Để hoàn tất công đoạn này, trung bình phải mất 9 giờ mới đánh dấu hao dăm hoàn thiện cho một phần cây. Bởi thế, với ý tưởng tiết kiệm chi phí và giảm tối đa hao phí sức lao động công nhân, anh Hồ sáng tạo làm bộ đóng dấu hao dăm trực tiếp lên cây cao su. Với sáng kiến này giúp thay đổi phương pháp đánh dấu hao dăm truyền thống bằng thước vạch và bút xóa, giảm thao tác, thời gian thực hiện. 

Còn khi áp dụng cho nhóm vườn cây non tận thu sớm, anh Hồ xây dựng sáng kiến “Cải tiến chiều dài miệng cạo phù hợp với nhóm vườn cây non tận thu sớm”. Với sáng kiến này, anh Hồ giúp rút ngắn chiều dài miệng cạo, từ đó gia tăng số cây cạo/phần cạo, tăng năng suất và thu nhập cho người lao động. 

Khi cây cao su bước vào mùa chăm sóc, giải pháp “Trồng bầu tầng lá kết hợp bón thúc DAP lần 1” của anh Hồ cũng giúp ích rất lớn cho các vườn cây. Theo anh Hồ, bón phân gồm bón lót và bón thúc, trong đó bón thúc gồm 2 loại phân và chia làm 2 đợt (đợt 1, bón phân DAP và đợt 2, bón phân NPK). Như thế, nếu gộp bón 2 loại phân này vào 1 lần, cây cao su sẽ hấp thụ không hết, dẫn đến không hiệu quả. Nhằm tiết giảm hao phí lao động (giảm số lần bón), đồng thời không làm mất hiệu quả của phân bón và khả năng hấp thụ của cây cao su thì giải pháp trồng bầu tầng lá kết hợp bón thúc DAP lần 1 ngay thời điểm trồng là tương đối hiệu quả.

Bằng nhiều việc làm, sáng tạo thiết thực, anh Hồ được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao (các năm 2018, 2020); được khen thưởng tay nghề thợ giỏi và thanh niên sáng tạo năm 2019; là thanh niên tiên tiến cụm miền Đông Nam bộ năm 2019...  

Giữ vững “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất đỏ bazan, thủ phủ của cây cao su, ngay từ nhỏ đã theo anh chị vào rẫy cạo mủ, anh Mai Duy Tuấn đã quen với dòng nhựa trắng. Yêu thích công việc cạo mủ và muốn gắn bó với cây cao su, sau khi học xong phổ thông, anh Tuấn xin vào làm công nhân khai thác Nông trường 4. Năm 2012, anh trở thành công nhân chính thức của nông trường. Được giao nhiệm vụ khai thác 3 ha cao su năm thứ 3, anh Tuấn luôn chịu khó tìm hiểu, học hỏi để làm tốt công việc. 

Anh Tuấn cho biết, muốn khai thác tốt lượng mủ cao su cần quan sát đặc điểm riêng của mỗi cây từ lớp da phần cạo đến thao tác đúng kỹ thuật. Thông thường, khi khai thác đúng kỹ thuật sẽ cho vỏ cây phần cạo phẳng, không bị u nần, sản lượng mủ cao... Ngược lại, nếu cạo sai kỹ thuật, mặt vỏ cây bị sần sùi, nổi nhiều u nần, cây suy yếu, lượng nước nhiều hơn mủ, hàm lượng mủ thấp và khó cạo tái sinh. Rút được những kinh nghiệm quý báu ấy là một phần của sự rèn luyện từ kết quả cuộc thi “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su cấp ngành do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức. 

Nhờ vậy, nhiều năm qua, anh Tuấn vẫn giữ vững danh hiệu kiện tướng cuộc thi “Bàn tay vàng” cạo mủ. Mang danh hiệu kiện tướng, anh Tuấn không ngừng phấn đấu, trở thành người thợ giỏi dày dạn kinh nghiệm, sản lượng mủ khai thác luôn vượt từ 10-20% so với đồng nghiệp. Không chỉ là công nhân cao su ưu tú của tập đoàn, anh còn là thanh niên điển hình học và làm theo lời Bác. 

Bí thư Đoàn cơ sở Nông trường 4 Bùi Viết Cường cho biết: Không chỉ đạt “Bàn tay vàng”, Tuấn còn là Tổ trưởng tổ công đoàn nhiệt tình, thường xuyên giúp đỡ và động viên anh em lao động vui chơi rèn luyện sức khỏe, cùng tiến bộ.

  • Từ khóa
83116

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu