Thứ 7, 20/04/2024 16:40:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:52, 26/07/2019 GMT+7

Những cây cầu mang tên “World Bank”

Thứ 6, 26/07/2019 | 06:52:00 2,146 lượt xem
BP - Để giúp người dân đi lại không còn khó khăn, nguy hiểm tại vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư xây dựng cho tỉnh Bình Phước 17 cây cầu, cống dân sinh. Đây là một phần trong Dự án LRAMP (Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương) từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (World Bank, viết tắt là WB).

17 cây cầu, cống thi công giai đoạn 2016-2021, tổng kinh phí thực hiện 25,71 tỷ đồng, chia làm 3 thành phần với mức độ ưu tiên khác nhau. Đến nay, dự án thành phần 1, thành phần 2 đã hoàn thành với 13 cầu, cống, tổng vốn thi công 20 tỷ đồng. Dự án do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư và Ban quản lý dự án 8 làm đại diện đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp triển khai.

NỐI NHỊP BỜ VUI

Hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của người dân khi hằng ngày phải qua sông trên các cây cầu tạm bợ, ròng rọc tự chế, ngay sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, dự án nhanh chóng được khởi công và bàn giao. 5 cầu và 8 cống của dự án thành phần 1, thành phần 2 hoàn thành, bàn giao ngay từ đầu năm 2019 tại các huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Hớn Quản, Lộc Ninh và thị xã Phước Long.

Cầu treo Sông Bé rộng 2m, dài 100m hoạt động giúp người dân lưu thông, vận chuyển nông sản dễ dàng hơn

Việc đưa vào sử dụng 2 cây cầu cho nhân dân thôn Sơn Lang, Sơn Phú, xã Phú Sơn (Bù Đăng) đã đem lại niềm vui khôn xiết cho nhân dân địa bàn. Bởi nhiều năm qua để đi qua sông Lấp, người dân phải kéo dây thừng, ròng rọc và lốp xe hoặc “an toàn” hơn là hàn một khung sắt cố định để “đu dây qua sông”. Điều này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa. Ngày 22-1-2018, Ban quản lý dự án 8 khởi công 4 cây cầu thuộc dự án thành phần 1 trên địa bàn huyện Bù Đăng; riêng xã Phú Sơn được đầu tư 2 cây cầu, trong đó có 1 cầu treo ở thôn Sơn Lang và 1 cầu bê tông tại thôn Sơn Phú với kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng.

Chị Lâm Thị Oanh ở thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn cho biết: “Từ ngày có cây cầu, cuộc sống của người dân nơi đây như bước sang trang mới. Những sợi dây ròng rọc, khung sắt chúng tôi tự chế, giờ chỉ còn kỷ niệm. Được Nhà nước đầu tư làm cây cầu treo, việc đi lại, chở nông sản của người dân đỡ vất vả hơn rất nhiều”.

Trong dự án thành phần 2, cầu treo Sông Bé ở thôn An Lương, xã Long Giang, thị xã Phước Long được khởi công ngày 22-11-2017. Trước đây khi chưa có cây cầu, người dân các thôn An Lương, Nhơn Hòa phải đi hơn 25km, ngược lên xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) hoặc đi bằng xuồng, bè tự điều khiển mới có thể qua rẫy bên kia để vận chuyển nông sản. Ngay sau khi có thông báo được làm cầu dân sinh, Ban điều hành thôn An Lương nhanh chóng vận động người dân giải phóng mặt bằng để đơn vị thi công sớm hoàn thành dự án.

Ông Thái Văn Vinh, Trưởng thôn An Lương, xã Long Giang cho biết: “Người dân trong thôn rất vui khi nghe có dự án làm cầu bắc qua sông Bé. Ngoài 300 triệu đồng từ sự hỗ trợ của Nhà máy thủy điện Thác Mơ, Ban điều hành thôn thống nhất thu mỗi hộ dân 1 triệu đồng/ha đất rẫy, tổng được hơn 400 triệu đồng để cùng Nhà nước giải phóng mặt bằng làm cầu. Sau mấy tháng thi công, cầu treo Sông Bé hoàn thành với chiều rộng 2m, chiều dài 100m, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn”.

SẼ CÓ THÊM NHIỀU CẦU “WORLD BANK”

Dự án LRAMP thực hiện từ năm 2016-2021, gồm 2 hợp phần chính là đường và cầu với tổng mức đầu tư trên 400 triệu USD. Trong đó, vốn vay của WB trên 385 triệu USD, vốn đối ứng gần 24 triệu USD. Hợp phần đường triển khai tại 14 tỉnh, sẽ đầu tư khôi phục, cải tạo khoảng 676km đường và bảo dưỡng thường xuyên 61.109km đường trên cơ sở kế hoạch chi tiêu trung hạn do các tỉnh lập và nguồn vốn WB phân bổ. Hợp phần cầu sẽ có 2.174 cầu dân sinh được xây dựng mới tại 50 tỉnh. Hợp phần này do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.

Những cây cầu “World bank” đầu tiên bàn giao và đưa vào sử dụng đã góp phần thay đổi giao thông của nhiều huyện, thị, đặc biệt các khu vực dân cư nghèo, vùng sâu, xa. Dù được đầu tư cầu hay cống, kinh phí lớn hay nhỏ nhưng khi dự án triển khai, đa số người dân hài lòng và tin tưởng. Với đặc điểm là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng, dân cư phân bổ ở các xã vùng sâu, xa nhiều, hiện Bình Phước vẫn còn hàng trăm cây cầu dân sinh với cấu trúc khác nhau. Trong đó, có những cây cầu thiết kế đơn giản, thậm chí còn “tự chế” vẫn là cách để người dân qua sông hằng ngày. Để dự án LRAMP tiếp tục đồng hành với chính quyền và nhân dân khắc phục những hạn chế đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã kiến nghị Tổng cục Đường bộ bổ sung đầu tư thêm 63 cầu tại các huyện, thị xã với mức đầu tư 80 tỷ đồng; 30km đường đầu cầu trị giá 50 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Tú, Phó phòng Kỹ thuật - Thẩm định, phụ trách dự án LRAMP, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Mục tiêu của Dự án LRAMP là phát triển và quản lý tốt mạng lưới đường giao thông ở các tỉnh, thành; hỗ trợ xây dựng cầu dân sinh trên các tuyến đường giao thông nông thôn, tạo đà xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa cho các vùng, miền trên toàn quốc. Đến nay, dự án thành phần 1, thành phần 2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đối với dự án thành phần 3, Tổng cục Đường bộ đã ban hành Quyết định số 643/QĐ-TCĐBVN ngày 25-3-2019 phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự kiến cuối tháng 7-2019 sẽ khởi công 1 cầu và 3 cống tại các huyện Bù Đốp, Hớn Quản và Bù Gia Mập.

Những thành công bước đầu của dự án cho thấy đây là tín hiệu lạc quan trong việc phát triển hạ tầng giao thông, giúp giảm gánh nặng cho tỉnh trong huy động vốn, ngân sách để sửa chữa, xây dựng mới các cầu dân sinh xuống cấp. Các dự án thành phần của LRAMP sau khi hoàn thành đã đổi thay diện mạo giao thông, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Thanh Nga

  • Từ khóa
94591

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu