Thứ 5, 25/04/2024 03:27:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:05, 06/01/2017 GMT+7

Những bất cập trong pháp luật dân sự

Thứ 6, 06/01/2017 | 15:05:00 384 lượt xem
BP - Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Luật Tố tụng hành chính cũng đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Mặc dù cả hai đạo luật này có hiệu lực thi hành mới được 6 tháng nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh bằng văn bản dưới luật.

Cụ thể tại khoản 2, điều 56 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định như sau: Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Chánh án Tòa án quyết định cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thay thế người bị thay đổi.

Tại khoản 2, điều 49 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cũng có quy định như sau: Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án mà không có người dự khuyết thay thế ngay thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Chánh án Tòa án quyết định cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án thay thế người bị thay đổi;...

Pháp luật dân sự hiện hành còn nhiều quy định bất cập. Trong ảnh là một phiên xét xử lưu động của Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài - Ảnh: S.H

Như vậy, hai quy định của hai luật nói trên chỉ khác nhau ở chỗ trong Luật Tố tụng hành chính đã bỏ cụm từ “Thẩm tra viên”. Vấn đề đặt ra ở đây là đối với những phiên tòa có hội đồng xét xử gồm 3 người mà có yêu cầu thay đổi 2 người, hoặc hội đồng xét xử 5 người mà có yêu cầu thay đổi 3 người thì khả năng không thay đổi được ai là rất cao, ngay cả trong trường hợp có đầy đủ lý do buộc phải thay đổi. Bởi số người bị yêu cầu thay đổi chiếm đa số trong hội đồng xét xử. Trong khi đó, luật đã quy định rõ là việc thay đổi các thành viên trong hội đồng xét xử thì hội đồng xét xử phải thảo luận tại phòng nghị án và “quyết định theo đa số”. Với quy định này thì chỉ cần cả hội đồng không biểu quyết đồng ý thay đổi chính họ, điều này có nghĩa là không thay đổi và phiên tòa vẫn phải tiếp tục. Thực tế cho thấy, có rất nhiều lý do để hội đồng xét xử làm việc này, đó là vì để giữ danh dự, uy tín nghề nghiệp và trong đó có cả một phần sĩ diện nên sẽ chẳng có mấy ai tự biểu quyết thay đổi chính mình. 

Bất cập thứ hai là hội thẩm nhân dân chỉ xuất hiện từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, mà từ khi có quyết định này thì đương sự chỉ biết ngồi nhà chờ tới ngày tham gia phiên tòa. Do đó, hầu hết đương sự chỉ biết tên hội thẩm nhân dân ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử chứ không biết mặt. Vì thế, quyền được yêu cầu thay đổi hội thẩm nhân dân đối với đương sự gần như không thể thực hiện. Vì đương sự không hề biết hội thẩm nhân dân tên A hay B là người như thế nào, có đủ khả năng, trình độ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình tại phiên tòa hay không? Trong khi đó, nhằm bảo đảm tính dân chủ trong xét xử của tòa án nhân dân, luật quy định định rõ là hội thẩm nhân dân khi tham gia hội đồng xét xử có ngang quyền với thẩm phán và chủ tọa phiên tòa.

Bất cập thứ ba là để trở thành hội thẩm nhân dân phải thỏa mãn nhiều điều kiện, thế nhưng điều kiện quan trọng nhất để thực hiện tốt nhiệm vụ hội thẩm nhân dân lại được pháp luật quy định rất đơn giản, thậm chí dài nhất, đó là luật không bắt buộc hội thẩm nhân dân phải có trình độ cử nhân Luật trở lên. Cụ thể, tại mục II trong Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-TANDTC-UBTWMTTQVN của Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 1-3-2004, có quy định về tiêu chuẩn hội thẩm tòa án nhân dân như sau: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải là:... “Có kiến thức pháp lý” là phải có trình độ hiểu biết pháp luật ở mức độ nhất định... Đối với những người hiện đang công tác tại các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Điều tra, Thi hành án và những người làm việc tại các tổ chức luật sư, tư vấn pháp lý thì không giới thiệu để bầu làm Hội thẩm Tòa án nhân dân.

Trong khi đó, theo quy định pháp luật hiện hành thì hội thẩm nhân dân chỉ xuất hiện từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tức là từ thời điểm này, hội thẩm nhân dân mới có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án. Và từ lúc ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử cho tới lúc mở phiên tòa, hội thẩm nhân dân chỉ có từ 20-30 ngày (điều 149 Luật Tố tụng hành chính) hoặc từ 1-2 tháng (theo khoản 4, điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự), trong khi đó đã mất “15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ” là thời gian do tòa chuyển qua để viện kiểm sát nghiên cứu. Như vậy, hội thẩm nhân dân chỉ còn rất ít thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án, mà việc này lại chỉ được thực hiện tại trụ sở của tòa án, chứ không được mang hồ sơ vụ án về cơ quan, đơn vị hay về nhà nghiên cứu. Như vậy, hội thẩm nhân dân thực tế có nghiên cứu hồ sơ vụ án hay không hoặc nghiên cứu được bao nhiêu, có kỹ hay không là điều khó ai biết được. 

Không có trình độ cử nhân Luật, lại không có nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ nên trong thực tế đã xảy ra không ít trường hợp trong phiên tòa, hội thẩm nhân dân hỏi chiếu lệ nhưng có khi lại “chỏi” với nội dung hỏi của thẩm phán dẫn đến cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Vậy nên, quy phạm pháp luật về việc thay đổi thành viên hội đồng xét xử cũng như các quy định về tiêu chuẩn hội thẩm nhân dân, các quy định về thời hạn mở phiên tòa cần được sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh bằng văn bản dưới luật. Có như vậy thì việc hội thẩm tham gia và ngang quyền thẩm phán trong hội đồng xét xử sơ thẩm mới đúng ý nghĩa, không bị hình thức và qua đó mới bảo đảm việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đương sự trong phiên tòa.

N.V

  • Từ khóa
29212

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu