Thứ 6, 29/03/2024 16:40:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:14, 08/04/2020 GMT+7

Như tằm nhả tơ cho đời

Hồng Cúc
Thứ 4, 08/04/2020 | 07:14:00 318 lượt xem
BPO - Ba và mẹ đều là giáo viên, từ nhỏ cô Phạm Thị Thanh Hằng đã có ước mơ được đứng trên bục giảng, kế thừa sự nghiệp cao quý của gia đình. Ước mơ đó càng trân quý hơn khi cô từ chối lời mời giảng dạy tại Trường cao đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh để về quê hương Bình Long, cùng ba mẹ gieo chữ ở vùng xa. Gần 24 năm công tác tại Trường THPT Nguyễn Huệ, từ giáo viên đến giờ là Hiệu phó trường, tiết học Văn của cô vẫn là giờ lên lớp thú vị, khơi nguồn cảm xúc cho học sinh.

Về quê

Bắt đầu sự nghiệp giảng dạy từ tháng 9-1996 tại Trường THPT Bình Long, được hơn 1 tháng cô Hằng xung phong về giảng dạy tại Trường THPT Bán công An Lộc (Bình Long) khi trường thành lập. Mọi khó khăn bắt đầu từ đây, cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh hệ bán công nhiều em cá biệt, vừa yếu học lực vừa yếu hạnh kiểm. Giáo viên không chỉ áp lực trong truyền đạt kiến thức mà còn phải dỗ dành, tìm cách tiếp cận. Thầy cô giáo phải là người bạn, người anh, chị mới có thể gần gũi, dạy khuyên và áp lực này với cô Hằng không nhỏ. Chính điều đó đòi hỏi cô phải tìm phương pháp cho riêng mình. Đó là học hỏi kinh nghiệm từ chính 2 người thầy: ba mẹ cô! “Ba mẹ là người ủng hộ đầu tiên khi tôi xung phong về dạy tại Trường THPT Bán công An Lộc. Bởi tư duy của ba mẹ tôi là người trẻ, có kiến thức bài bản phải cống hiến ở những nơi khó khăn. Khi gặp vấn đề trắc trở trong giảng dạy, tôi đều tham khảo cách giải quyết của 2 người thầy đầu tiên này” - cô Hằng chia sẻ.

Cô Phạm Thị Thanh Hằng luôn khơi nguồn cảm xúc cho học sinh trong tiết học Văn. Trong ảnh, cô Hằng và học sinh trong giờ học Văn của học kỳ II năm học 2019-2020

Những thế hệ học sinh đầu tiên của Trường THPT Bán công An Lộc (nay là Trường THPT Nguyễn Huệ) đến bây giờ vẫn không thể quên hình ảnh cô giáo Hằng nhiệt huyết trong từng giờ lên lớp và tâm huyết, trách nhiệm với học sinh. Bà Phạm Thị Hồng, Chủ tịch Hội phụ huynh học sinh trường từ năm 1996 đến nay, cho biết: “Con gái tôi gặp được cô Hằng là điều may mắn lớn nhất. Con tôi bước vào hệ bán công không phải vì học lực yếu mà do chểnh mảng khi ôn thi. Cháu đã suy sụp tinh thần trong thời gian đầu học tại trường. Gia đình vô cùng lo lắng nhưng khuyên can không hiệu quả. Đúng lúc đó, cô Hằng đã tìm tới tôi trao đổi để giúp đỡ cháu. Cô Hằng đã tâm sự, động viên cộng với khích lệ tinh thần học tập trên lớp để con tôi thấy học trường nào không quan trọng, điều cần nhất đó là kiến thức thu nạp được. Kết thúc năm học lớp 10, con gái tôi đạt học sinh giỏi. Học sinh lớp của cô chủ nhiệm đều có kết quả học tốt hơn, không có học sinh hạnh kiểm yếu”.

23 năm nay, chất lượng học sinh đầu vào của trường luôn thấp so với các trường còn lại của thị xã Bình Long. Để nâng cao chất lượng, ngoài các tiết chính khóa, phụ đạo, cô Hằng đã dạy thêm miễn phí cho học sinh tại trường. Bên cạnh đó, cô không ngại đến từng gia đình học sinh có học lực yếu, học sinh hay cúp tiết, bỏ học, hoàn cảnh khó khăn để vận động các em đi học đều, trở lại trường. Song song đó, bằng nhiều cách, cô vận động các nguồn hỗ trợ kinh phí, trao học bổng tặng học sinh nghèo. Nhờ đó, chưa học sinh nào do cô chủ nhiệm phải bỏ học vì học yếu hay không có điều kiện đến trường. Chính điều này cô luôn được học sinh yêu quý.

Đồng hành tìm tri thức

Lê Quốc Hoàng, học sinh lớp 12C5 Trường THPT Nguyễn Huệ. Hoàng thích môn Văn bởi tiết học của cô Hằng nhẹ nhàng, mang phong cách “học mà chơi, chơi mà học”, kích thích sự hào hứng, tích cực tham gia tương tác. “Có khi cô hát, kể chuyện, đọc thơ trước khi vào tiết học để chúng em có sự liên tưởng, phán đoán bài học sắp diễn ra và từ đó nhớ lâu hơn. Cô còn giới thiệu các bài viết trong sách tham khảo hay trên mạng liên quan đến các tác giả, nhân vật văn học để những bạn muốn có kiến thức sâu hơn tìm hiểu. Cô luôn có hình thức khuyến khích tương tác bằng cách cộng điểm, lắng nghe ý kiến của chúng em chứ không áp đặt kiến thức” - em Hoàng chia sẻ.

Với đồng nghiệp, sự tận tình giúp đỡ, kiến thức chuyên môn vững vàng là yếu tố để cô Hằng được đồng tình ủng hộ lên vị trí quản lý. Từ đây, cô càng tạo điều kiện, hỗ trợ đồng nghiệp nhiều hơn. Cô Lê Thị Hà, giáo viên Tổ Văn, Sử, Địa cho biết: “Cô Hằng luôn nhiệt huyết, có vấn đề gì liên quan đến chuyên môn tôi đều nhờ cô cho ý kiến. Là người quản lý trực tiếp, đồng thời là giáo viên cùng tổ, cô luôn thẳng thắn, chân thành khi góp ý về nghiệp vụ hay lối sống đối với tôi. Từ đó giúp tôi phấn đấu nâng cao nghiệp vụ sư phạm, rèn luyện phẩm chất”.

Từ năm 1996 đến nay, cô không chỉ là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh mà còn 11 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đến năm 2019, cô đã nhận 6 bằng khen của UBND tỉnh, 1 bằng khen của Bộ GD-ĐT, 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

“Cô Hằng không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn không ngừng tìm tòi, học hỏi nâng cao trình độ và đã hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ Ngôn ngữ học. Cô đã có 13 sáng kiến được Sở GD-ĐT công nhận trong phạm vi toàn ngành; bồi dưỡng được 12 học sinh giỏi trong các kỳ thi Olympic cấp tỉnh và học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh. Trong đó có 1 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 1999-2000. Tổ Văn của cô trở thành tổ đầu tiên và duy nhất của trường có học sinh tham gia cấp quốc gia” - thầy Nguyễn Văn Định, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết.

Với sự nỗ lực của bản thân, tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi bộ môn của cô Hằng giữ vững và tăng hằng năm, nhiều năm có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp cao hơn tỷ lệ chung của tỉnh. Không bằng lòng với chính mình, cô Hằng luôn phấn đấu không mệt mỏi, như con tằm luôn rút ruột để nhả tơ cho đời!

  • Từ khóa
2400

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu