Thứ 5, 18/04/2024 18:01:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:09, 30/03/2012 GMT+7

Nhớ về ngày giỗ Tổ

Thứ 6, 30/03/2012 | 10:09:00 386 lượt xem

Hằng năm cứ đến ngày 10 tháng Ba âm lịch, người Việt khắp nơi trên thế giới đều long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ Quốc tổ và các đấng tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước theo đúng tinh thần và đạo lý được đúc kết qua câu đối tại Đền thờ các Vua Hùng: “Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quy về đất Tổ/Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ Ông”. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành trong nước đều đã xây dựng Đền thờ các Vua Hùng để vào ngày Giỗ Tổ các tầng lớp nhân dân đến tưởng nhớ, hướng về cội nguồn dân tộc. Khu Đền thờ các Vua Hùng và Bác Hồ của tỉnh Bình Phước được xây dựng trang trọng tại xã Phú Riềng (Bù Gia Mập). Hằng năm, không chỉ lễ Giỗ Tổ được thực hiện trang trọng tại đây mà Đền thờ Vua Hùng còn là địa điểm để báo công và tôn vinh những gương mặt xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh.

Khách thập phương viếng đền Tổ Mẫu Âu Cơ tại quần thể di tích Đền Hùng Phú Thọ - Ảnh: S.H

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Ngay từ buổi đầu dựng nước gian nan, cùng với việc sáng tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc, người dân Việt đã hình thành được những nét đẹp truyền thống. Một trong những nét đẹp đó chính là lối sống cộng đồng, là tinh thần đoàn kết. Qua hình ảnh vua Hùng xắn quần cùng người dân cày ruộng có thể thấy được sự gần gũi, gắn bó, hòa đồng giữa người đứng đầu đất nước với người nông dân bình thường. Lối sống như vậy trải qua mấy ngàn năm đã được kế thừa trở thành truyền thống và được thể hiện rõ nét trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong bài “Cáo bình Ngô”, Nguyễn Trãi đã từng viết: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Bài cáo này được viết sau khi nhân dân ta toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhà Minh (1428). Trong tiếng Việt, có một khái niệm thật hay và rất độc đáo dường như không thấy có ở ngôn ngữ của các dân tộc khác, đó là khái niệm “đồng bào”. Khái niệm này gắn với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng với trăm người con trong cùng một bọc. “Đồng bào” là người cùng một bọc, vì thế có ý nghĩa thật thiêng liêng: Cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Việt Nam nói chung đều có quan hệ ruột thịt với nhau, có tình cảm thân thương như người một nhà. Với ý nghĩa như vậy thì mọi người Việt Nam dù thuộc tộc người nào, dù ở trong nước hay ngoài nước đều có chung một cội nguồn và một ngày Giỗ Tổ. Tìm về đất Tổ, hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là hướng về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, yếu tố tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc trong suốt cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

Dựng nước đã là gian nan nhưng giữ nước còn gian nan gấp bội phần vì thời gian là dòng chảy vô tận, làm sao cho đất nước mình, dân tộc mình được trường tồn, và trường tồn một cách bền vững, sánh vai được với các nước phát triển trên thế giới. Chúng ta khắc ghi trong tâm khảm lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Giữ lấy nước cũng chính là lẽ sống, lý tưởng sống, là con đường mà Hồ Chí Minh đã chọn và chỉ ra cho cả dân tộc cùng đi. Chúng ta nguyện đoàn kết muôn người như một, đi theo con đường mà Bác đã đi, vì dân, vì nước, vì sự trường tồn và tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, đi trên con đường Hồ Chí Minh đã chọn, nhân dân ta đã đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước, làm rạng rỡ thêm truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Truyền thống dựng nước và giữ nước tốt đẹp của dân tộc đang được tiếp tục phát huy trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay.

H.Q

  • Từ khóa
87705

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu