Thứ 6, 19/04/2024 14:23:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 20:13, 21/06/2020 GMT+7

Nhật thực hình khuyên trùng ngày hạ chí

Nguồn VnExpress
Chủ nhật, 21/06/2020 | 20:13:00 1,836 lượt xem
BPO - Người yêu thiên văn trên thế giới từ Tây Phi tới bán đảo Arab, Ấn Độ và miền nam Trung Quốc sẽ có cơ hội theo dõi nhật thực hình khuyên hôm nay.
Các pha của nhật thực hình khuyên. Ảnh: Phys.org.

Các pha của nhật thực hình khuyên. Ảnh: Phys.org.

Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời nhưng không ở khoảng cách đủ gần với hành tinh của chúng ta để bị che khuất hoàn toàn, để lộ vòng tròn mỏng của đĩa Mặt Trời hay còn gọi là "vòng lửa". Sự kiện này cứ 1 - 2 năm lại diễn ra và chỉ có thể quan sát ở phạm vi hẹp từ Trái Đất. Nhật thực hôm 21-6 cũng trùng với hạ chí, ngày dài nhất ở bắc bán cầu khi cực Bắc của Trái Đất nghiêng về phía Mặt Trời nhiều nhất.

"Vòng lửa" sẽ xuất hiện ở đông bắc Cộng hòa Congo vào 11h56 ngày 21-6 theo giờ Hà Nội, vài phút sau khi Mặt Trời mọc. Thời gian kéo dài 1 phút 22 giây. Tiến về phía đông qua châu Phi và châu Á, nhật thực sẽ đạt cực điểm, tạo thành vầng hào quang hoàn hảo xung quanh Mặt Trăng vào 1h40 ngày 22-6 theo giờ Hà Nội và có thể quan sát từ bang Uttarakhand, Ấn Độ.

Ở Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần. Tại Hà Nội, nhật thực một phần bắt đầu vào 13h16, đạt cực đại lúc 14h55 với tỷ lệ che phủ tới 71%, kết thúc vào 16h18.

"Nhật thực hình khuyên chỉ có thể quan sát từ khoảng 2% bề mặt Trái Đất", Florent Delefie, nhà thiên văn học ở Đài quan sát Paris, cho biết. "Nó hơi giống chuyển từ bóng đèn 500 watt sang 30 watt".

Điều kiện thời tiết đóng vai trò rất quan trọng để quan sát nhật thực. "Thời tiết tốt là mấu chốt để quan sát nhật thực thành công", nhà vật lý thiên văn Fred Espenak, chuyên gia dự đoán nhật thực, cho biết. "Xem nhật thực xảy ra trong thời gian ngắn khi trời quang đãng còn hơn xem nhật thực kéo dài khi trời âm u".

Nhật thực luôn xảy ra khoảng hai tuần trước hoặc sau nguyệt thực, khi Mặt Trăng di chuyển vào vùng bóng của Trái Đất. Nguyệt thực có thể quan sát từ khoảng một nửa bề mặt Trái Đất. Kỳ nhật thực thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 14-12-2020 và có thể theo dõi từ Nam Mỹ. Do lần này Mặt Trăng ở gần Trái Đất hơn, nó sẽ che khuất hoàn toàn ánh sáng của Mặt Trời.

Dù bầu trời ban ngày tối sầm, theo dõi nhật thực bằng mắt thường rất nguy hiểm. Delefie nhấn mạnh kính râm không có khả năng lọc tia cực tím không thể bảo vệ mắt. "Mặt Trời sáng đến mức ngay cả khi chỉ thấy một phần nhỏ, nó vẫn rất nguy hiểm đối với mắt người", Delefie nói.

  • Từ khóa
99275

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu