Thứ 4, 24/04/2024 08:49:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:53, 30/07/2020 GMT+7

Nhân phẩm của người bị tố cáo

Trần Phương
Thứ 5, 30/07/2020 | 08:53:00 388 lượt xem

BPO - Ngày 21-7-2020, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BNV quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức. Thông tư nêu rõ, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo; trong thời gian được bảo vệ không điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác trừ trường hợp thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí theo quy định, không xử lý kỷ luật người tố cáo trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo…

Bảo vệ người phát hiện, tố cáo, tố giác, đấu tranh với sai phạm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có ý nghĩa rất quan trọng, trực tiếp tác động đối với công cuộc làm trong sạch bộ máy nhà nước và xử lý các loại tội phạm ở nước ta. Thời gian qua, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức rất ngại hoặc gặp khó khăn trong tố cáo, tố giác tiêu cực, sai phạm. Bởi một điều đơn giản, quan điểm “đấu tranh thì tránh đâu” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người.

Thông thường, khi ai đó, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức đứng lên phản ánh khiếm khuyết, nêu những bất cập hoặc sự yếu kém của một đơn vị, tổ chức hay cá nhân vị lãnh đạo nào đó, hoặc cấp trên của mình, người đồng cấp với mình đã là một sự dũng cảm, không hề dễ dàng. Bởi ngay sau đó, họ sẽ phải đối mặt với nhẹ là mất thiện cảm, nặng là bị “ghim gút”, thậm chí có thể còn bị canh me trả đũa từ những chi tiết nhỏ nhất… Còn với việc đứng ra tố cáo, tố giác ở cấp độ cao hơn hẳn, là sự đấu tranh quyết liệt hơn, rõ ràng hơn, ràng buộc hơn, trực diện hơn thì họ cũng sẽ đối mặt với sự nguy hiểm hơn rất nhiều.

Đã có nhiều văn bản được ban hành liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, việc này vẫn còn không ít hạn chế, như lộ lọt thông tin của người tố cáo, về người tố cáo. Không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập. Hành vi trù dập, trả thù người tố cáo, tố giác chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng chưa được quan tâm đúng mức. Luật Tố cáo năm 2018 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 nhưng cơ chế và các biện pháp bảo vệ người tố cáo vẫn chưa làm cho người tố cáo yên tâm. Phần đông cán bộ, đảng viên vẫn ngại đấu tranh với tiêu cực, sai phạm…

Đã có nhiều quy định nhưng thực tế cho thấy việc bảo vệ người tố cáo, tố giác không hề dễ dàng. Bởi bên cạnh quy định về bảo vệ người tố cáo, tố giác, cũng có nhiều quy định ràng buộc khác của tổ chức, thậm chí trong từng cơ quan, đơn vị, nếu thất bại trong việc tố cáo sẽ phải trả giá rất đắt. Nhiều trường hợp càng bị tố cáo lại càng… leo cao hơn. Đơn giản là vì khi việc tố cáo bị chìm xuồng, thì người bị tố cáo và người có vai trò quyết định trong giải quyết tố cáo - là cấp trên có quyền lực lớn hơn, đã xây dựng mối quan hệ khăng khít hơn, cộng sinh cùng có lợi nhiều hơn.

Khi đó, người bị tố cáo sẽ quay mũi giáo trở lại người tố cáo - thường là cấp dưới của mình. Trong công sở, một khi lương tâm cấp trên không trong sáng, việc chèn ép cấp dưới không phải là điều khó. Trường hợp này đáng buồn là càng chèn ép, càng trả đũa cấp dưới, thì càng cho thấy lương tâm của cấp trên càng vẩn đục, đen tối, càng nguy hiểm. Và điều đáng tiếc hơn nữa, không chỉ có nhân phẩm thấp, đó còn thường là người năng lực thấp, chỉ giỏi sử dụng mánh khóe mà thôi.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu