Thứ 5, 25/04/2024 20:10:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:45, 24/04/2020 GMT+7

Nhà thơ Triệu Quốc Bình: Thơ ca là “cứu cánh” cuộc đời

Đức Hòa
Thứ 6, 24/04/2020 | 07:45:00 1,724 lượt xem
BPO - Anh Triệu Quốc Bình (SN 1974) hiện là Chi hội trưởng Chi hội Văn học Hội Văn học nghệ thuật Bình Phước. Ít ai biết rằng, anh từng đi qua “bóng đêm” của “cái chết trắng”. Giữa lúc chơi vơi như rớt xuống vực thẳm thì thơ ca đã giúp anh vững bước và chọn cho bản thân con đường mới, tựa như ánh dương soi, thay đổi cả một cuộc đời.

Anh Triệu Quốc Bình (thứ 3 từ trái sang) nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật - Ảnh chụp trước khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg

“Ban mai dệt những đường tơ/Khoác lên mình núi, áo mờ sương giăng/Sau đồi muộn nửa vầng trăng/Tiến về phía trước cả bằng con tim...” trong bài Nụ cười màu xanh là những vần thơ trở thành một ký ức đẹp, để anh Bình bước qua một thời tuổi trẻ nông nổi, quay về với triết lý niềm tin yêu chân, thiện, mỹ của mỗi con người trong cuộc sống.

Anh Bình nhớ lại: Vào năm 1996, khi còn là sinh viên đại học, chỉ vì những phút nông noi, háo thắng nên tôi đã theo nhóm bạn sa chân vào “cái chết trắng”. Khi đã lỡ bước vào “vũng lầy” mà toàn xã hội xa lánh, điều ấy đồng nghĩa với việc tôi không thể tiếp tục theo học, mà phải nghỉ giữa chừng. Hơn ai hết trong lúc này, mẹ chính là người luôn bên cạnh chăm lo động viên và đưa anh đi cai nghiện. Năm 2003, mẹ anh quyết định vào thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú để giúp con tránh xa những cám dỗ và làm lại cuộc đời.

Sau đó, vì cuộc sống nên anh Bình phải xuống Kiên Giang xin đi biển cho các tàu đánh bắt cá ngoài khơi xa. Sau mỗi chuyến đi gần cả tháng, anh lại về Đồng Phú thăm mẹ. Do chưa thể dứt hẳn cơn nghiện, anh ghé qua TP. Hồ Chí Minh mua heroin và đã bị lực lượng chức năng bắt giữ, đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 2 Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Sau một thời gian học tập, anh được chọn làm giáo viên dạy văn hóa cho học viên của trường. Ngoài dạy học, anh đã tìm đến thơ ca. Những vần thơ, áng văn tự sáng tác từ những câu chuyện của bản thân, chất chứa niềm cảm xúc chân thực mà anh đang trải nghiệm. Niềm vui được nhân lên khi anh trở thành cây bút cộng tác thường xuyên cho nguyệt san Thanh niên xung phong TP. Hồ Chí Minh và được nhận giải nhì cuộc thi văn học nghệ thuật năm 2004 với bài thơ Cao nguyên xanh.

Năm 2006, anh được chuyển về Cơ sở xã hội Nhị Xuân (trước đây là Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân) thuộc lực lượng thanh niên xung phong TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, anh được chọn làm giáo viên lên lớp các chuyên đề về “Giá trị sống” cho các học viên. Cảm xúc ở môi trường mới, anh tiếp tục gặt hái thành công với giải ba bài thơ Nhị Xuân mùa sinh sôi và giải nhì sáng kiến “Xây dựng lực lượng thanh niên xung phong TP. Hồ Chí Minh”.

Thơ của Triệu Quốc Bình luôn nổi bật hình ảnh nơi anh gắn bó trưởng thành. “Vọng tiếng thời gian, thánh thót giọt mồ hôi/Ướt lưng áo em xanh bài ca mở đất/Anh thanh niên xung phong dầm mình trong dòng nước/Nghiêng những cánh đồng, vắt đất hồi sinh...” trong bài Nhị Xuân mùa sinh sôi đã phác họa được khung cảnh đó.

Năm 2008, anh trở về Đồng Phú bắt đầu cuộc sống mới với bao dự định, quyết tâm vươn lên. Trong lần tình cờ đọc được tập thơ của một nữ tác giả Bình Phước, anh đã kết nối với các hội viên. Thường xuyên tham gia các buổi giao lưu thơ tạo động lực cho anh làm thơ, viết văn nhiều hơn. Năm 2011, anh được kết nạp vào Chi hội văn học và từ đó đến nay, anh đã tiếp tục đóng góp cũng như nhận được nhiều giải thưởng như: giải ba bài thơ Người là mãi mãi trong cuộc thi văn học nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức năm 2011; giải ba nghiên cứu sưu tầm văn nghệ dân gian đề tài “Phong tục tập quán đám ma khô” của đồng bào dân tộc Tày, Nùng; giải ba bài thơ Hớn Quản tình đất - tình người và giải khuyến khích cuộc thi sáng tác Văn bia “Chiến thắng Đồng Xoài” năm 2019...

Với số lượng hơn 100 bài thơ ca ngợi tình yêu, quê hương, đất nước và trên 10 tác phẩm các thể loại khác, anh Bình được chọn in chung tập truyện ngắn và ký của các tác giả tiêu biểu Bình Phước; tuyển tập 40 năm kỷ niệm Ngày thành lập lực lượng thanh niên xung phong TP. Hồ Chí Minh năm 2016. Đặc biệt, anh còn được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật” của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng vào năm 2019. Bên cạnh những thành tích nêu trên, điều đáng ghi nhận hơn cả là anh đã như một chiến binh dũng cảm, không tự ti mặc cảm với quá khứ, biết vươn lên vượt qua chính mình, có lý tưởng khát vọng sống tích cực.

Hiện Triệu Quốc Bình là một trong số rất ít hội viên có độ tuổi trẻ nhất trong Chi hội văn học, luôn gắn bó năng động, nhiệt huyết tìm hướng đi cho chi hội có sân chơi hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều hơn những người yêu thơ ca trên quê hương Bình Phước.

  • Từ khóa
94248

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu