Thứ 6, 29/03/2024 14:05:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:33, 01/04/2020 GMT+7

Nguồn nhân lực y tế tỉnh - thực trạng và cú huých - Bài cuối

Thanh Liêm
Thứ 4, 01/04/2020 | 08:33:00 944 lượt xem

VÒNG NGUYỆT QUẾ ĐÓN BÁC SĨ VỀ BÌNH PHƯỚC

BPO - Trước thực trạng đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND, ngày 16-12-2019 ban hành Quy định chính sách thu hút, đãi ngộ và  đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 và phương hướng đến năm 2030. Chính sách ưu đãi này được nhiều người đánh giá là vòng nguyệt quế, là thảm đỏ  chào đón trí thức trong lĩnh vực y học đến với Bình Phước, đồng thời là tín hiệu vui đối với ngành y tế tỉnh.

GIÁO SƯ ĐƯỢC ƯU ĐÃI GẦN 600 TRIỆU ĐỒNG

Theo Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND, giáo sư về công tác tại Bình Phước sẽ được hưởng khoản tiền trợ cấp 1 lần, bằng 400 lần mức lương cơ sở (596 triệu đồng); phó giáo sư 300 lần; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II 235 lần; thạc sĩ y học, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú 165 lần; bác sĩ có bằng tốt nghiệp loại giỏi 135 lần; bác sĩ có bằng tốt nghiệp loại khá 115 lần; bác sĩ có bằng tốt nghiệp loại trung bình khá 100 lần mức lương cơ sở.

Các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí phòng ngừa dịch bệnh bạch hầu cho người dân xã Thuận Lợi (Đồng Phú)

Các bác sĩ được thu hút để bố trí công tác tại các đơn vị, gồm: trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố (gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn), Trung tâm Pháp y, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện đa khoa tỉnh, được hưởng 100% chế độ thu hút theo quy định. Ngoài ra, bác sĩ được thu hút để bố trí công tác tại các đơn vị y tế công lập còn lại trên địa bàn tỉnh được hưởng 50% chế độ thu hút theo quy định.

Ngoài ưu đãi nêu trên, đối với bác sĩ làm việc thuộc hệ điều trị được hưởng 2 lần mức lương cơ sở/người/tháng; bác sĩ nội trú, thạc sĩ y học, bác sĩ chuyên khoa cấp I được hưởng 3 lần mức lương cơ sở/người/tháng; giáo sư y học, phó giáo sư y học được hưởng 7 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Đối với bác sĩ thuộc đối tượng khác được hưởng 50% mức lương theo quy định. Riêng các bác sĩ làm việc tại vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ngoài mức hỗ trợ được hưởng theo quy định còn được hưởng thêm mức hỗ trợ 0,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

TỰ Ý BỎ VIỆC PHẢI BỒI THƯỜNG GẤP 3 LẦN

Chính sách thu hút cũng đưa ra những ràng buộc giữa 2 bên. Đối tượng tham gia chính sách thu hút phải bồi thường gấp 3 lần kinh phí đã hỗ trợ nếu không chấp hành sự phân công công tác; bị kỷ luật buộc thôi việc; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc; chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác ngoài tỉnh; kết quả công tác 2 năm liên tục bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ; tự ý bỏ việc. Bên cạnh đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan ra quyết định bồi thường kinh phí, đối tượng phải nộp đầy đủ kinh phí bồi thường theo quy định. Trong trường hợp đối tượng tham gia chính sách phục vụ chưa đủ thời gian làm việc theo cam kết, mức bồi thường được tính theo phép tính: X = (3 x M/T1) x (T1 - T2) (trong đó X: mức đền bù; M: tổng kinh phí đã cấp cho đối tượng; T1: thời gian cam kết phục vụ (tính bằng tháng); T2: thời gian đã phục vụ (tính bằng tháng). Ngoài ra, nếu hoàn trả không đầy đủ theo quy định thì bị xem xét kỷ luật theo quy định của pháp luật, bị khởi kiện ra tòa...

Tổng kinh phí thực hiện thu hút, đãi ngộ và đào tạo trên 190 tỷ đồng, bao gồm: chi thu hút bác sĩ, chi hỗ trợ hằng tháng đối với bác sĩ đang công tác, chi học phí đào tạo đại học, sau đại học, chi hỗ trợ hằng tháng trong thời gian đi đào tạo... Nghị quyết nêu trên cũng bao gồm chính sách đào tạo, phát triển nhân lực y tế.

TÍN HIỆU VUI CHO NGÀNH Y

Tính đến năm 2018, ngành y tế tỉnh có 3.356 cán bộ, viên chức và người lao động. Trong đó, tuyến tỉnh có 1.068 cán bộ, viên chức và người lao động, chiếm 32%; tuyến huyện, thị xã có 1.618 cán bộ, viên chức và người lao động, chiếm 48%; còn lại là nhân viên y tế tuyến xã. Ngành y tế hiện thiếu 135 bác sĩ, dự báo đến năm 2025 thiếu 282 bác sĩ. Về cơ cấu nhân lực, có 505 bác sĩ, trong đó có 1 tiến sĩ, 6 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 180 bác sĩ chuyên khoa cấp I. Về số lượng, nguồn nhân lực của ngành y tế tỉnh còn thiếu so với định mức được giao (thiếu 1.054 biên chế). Đặc biệt, biên chế sự nghiệp của ngành được giao từ năm 2011 đến nay không tăng. Trong khi đó, chỉ tiêu giường bệnh được giao năm 2020 là 2.635 giường, tăng 410 giường so với năm 2011.

Tiến sĩ, Giám đốc Sở Y tế Quách Ái Đức cho biết: Nghị quyết số 18/2019/ NQ-HĐND được ban hành là tín hiệu vui đối với ngành y tế tỉnh. Bởi nguồn nhân lực của ngành vẫn còn nhiều bất cập, thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa, đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân thành lập, có nhu cầu tuyển dụng bác sĩ với tiền lương, chế độ đãi ngộ hậu hĩnh hơn nhiều lần đơn vị y tế công lập nên xảy ra tình trạng các bác sĩ bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư làm việc. Do đó cần có biện pháp, chính sách cụ thể nhằm giữ chân bác sĩ.

Theo bác sĩ Quách Ái Đức, việc bác sĩ “vừa thiếu vừa yếu” là do công tác hoạch định và cơ chế đào tạo chưa chặt chẽ, chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, kỹ thuật hiện đại nên chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân trong tỉnh. Mặt khác, việc thiếu hụt bác sĩ là nguyên nhân làm tăng tai biến y khoa, giảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tăng chi phí điều trị, giảm hiệu quả đầu tư y tế, tăng áp lực công việc và tinh thần cho người thầy thuốc. Ngoài ra, việc thiếu bác sĩ trong các cơ sở y tế là nguyên nhân gây bức xúc cho người bệnh, tăng gánh nặng công việc của cán bộ y tế và cả xã hội, là nỗi ám ảnh của người dân khi đi khám, chữa bệnh.

  • Từ khóa
94694

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu