Thứ 7, 20/04/2024 00:00:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:53, 25/10/2014 GMT+7

Quyền bảo vệ người thứ ba ngay tình

Thứ 7, 25/10/2014 | 08:53:00 376 lượt xem

Bộ Tư pháp vừa công bố Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành và nhân dân. So luật hiện hành, trong dự thảo này

có quy định cụ thể hơn về quyền bảo vệ người thứ ba ngay tình đối với những hành vi pháp lý vô hiệu có đối tượng là bất động sản, động sản đã đăng ký quyền sở hữu, theo hướng: Tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau đó được chuyển giao bằng một hành vi pháp lý khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện hành vi pháp lý thì đối với người thứ ba, hành vi pháp lý không vô hiệu.

Quy định mới được sửa đổi, bổ sung trên đây hoàn toàn phù hợp với thực tế đời sống ở nước ta cũng như trên thế giới hiện nay. Thứ nhất là để bảo đảm công bằng, hợp lý đối với người thiện chí, ngay tình và bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự thì các Bộ luật Dân sự trên thế giới đều ghi nhận việc bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, việc bảo vệ người thứ ba ngay tình theo nguyên tắc nào lại thuộc chính sách pháp luật của từng nước. Nhưng nếu người thứ ba ngay tình căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà xác lập giao dịch thì người thứ ba ngay tình được bảo vệ.

Thứ hai là trong Bộ luật Dân sự hiện hành và Luật đất đai năm 2013 có quy định thời điểm xác lập, chấm dứt quyền sở hữu đối với bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu tính từ thời điểm đăng ký. Do đó, việc quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản hiện nay và sẽ bảo đảm công bằng, hợp lý hơn đối với người thiện chí, ngay tình, cũng như sự ổn định trong các quan hệ dân sự.

Thứ ba là bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp này không có nghĩa là không tôn trọng và bảo vệ quyền của chủ sở hữu. Trong trường hợp do tài sản chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng được chuyển giao cho người thứ ba không ngay tình thì chủ sở hữu vẫn có quyền kiện đòi tài sản từ người thứ ba. Trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu bồi hoàn giá trị tài sản, bồi thường thiệt hại, thậm chí kiện bồi thường Nhà nước đối với cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản.

Thứ tư là bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp này sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn, lâu dài, ổn định hơn cho các chủ thể, đặc biệt trong việc bảo đảm sự ổn định, minh bạch, công khai của nền kinh tế được vận hành theo quy luật thị trường, như: Chủ sở hữu, người có vật quyền khác để hạn chế rủi ro pháp lý, bảo vệ được quyền, lợi ích của mình thì phải đi đăng ký tài sản. Người thứ ba cũng quan tâm hơn đến việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn pháp lý, hạn chế rủi ro cho mình. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký tài sản có trách nhiệm hơn về tính chính xác, minh bạch, công khai trong đăng ký tài sản...

N.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu