Thứ 7, 20/04/2024 15:15:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:15, 10/02/2019 GMT+7

Người S’tiêng làm kinh tế giỏi

Chủ nhật, 10/02/2019 | 13:15:00 291 lượt xem
BP - Đi dưới tán điều phủ kín hoa, lấp ló vài chùm trái đỏ rực hoặc vàng ruộm trong tán lá xanh sậm của gia đình ông Điểu Thành (1958) ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, chúng tôi như thấy mùa xuân về thêm rộn ràng và lòng người căng tràn sức sống hơn. Giữa không gian tươi vui đó, chúng tôi lại càng phấn chấn khi nghe ông trải lòng đầy xúc động và tự hào về việc được tôi luyện trong chiến tranh, mang bản lĩnh người lính Cụ Hồ để không chỉ vượt qua khó khăn mà còn làm giàu, sống có ích cho đời.

Học Bác để vượt qua gian khó

Sau ngày đất nước mới giải phóng, hệ thống chính quyền cơ sở được củng cố nhanh chóng nhưng trên lĩnh vực an ninh chính trị, khu vực biên giới Đông Nam bộ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Bọn phản động Fulro vẫn tiếp tục co cụm và manh động chống phá chính quyền. Một lực lượng không nhỏ bộ đội Việt Nam tình nguyện hỗ trợ nước bạn Campuchia diệt trừ chế độ diệt chủng Khơme Đỏ. Ông Điểu Thành lúc đó vừa tròn 18 tuổi đã tiếp bước cha anh xung phong làm du kích đóng ở huyện Đồng Phú, đem sức trai bảo vệ quê hương.

Ông Thành nhớ lại: “Ngày đó, xung quanh nơi tôi ở, chiến đấu toàn rừng rú, cuộc sống rất đói khát nhưng là thanh niên nên tôi không thấy vất vả. Cấp trên bảo đánh trận ở đâu, giao làm việc gì tôi cũng đều hăng hái đi liền. Là du kích tập trung tại huyện, trở thành lực lượng dự bị sẵn sàng sang Campuchia hỗ trợ nước bạn chiến đấu nên ngày đó tôi được cầm súng chiến đấu. Cấp trên dặn “Phải yêu súng như vợ, quý đạn như con”, tôi độc thân nên chưa hiểu lắm nhưng quý thì rất quý, lúc nào cũng kè kè bên người, kể cả đi tắm cũng mang súng theo”.

Nhờ biết làm kinh tế, ông Điểu Thành đã sắm được ôtô và xây dựng nhà cửa khang trangNhờ biết làm kinh tế, ông Điểu Thành đã sắm được ôtô và xây dựng nhà cửa khang trang

Tự hào vì suốt những năm tham gia quân ngũ (1976-1981) không chỉ mang lại cho ông sự gan dạ, trưởng thành hơn trong cuộc sống mà còn giúp ông thay đổi nhận thức. “Tôi nhận thấy, đã là người lính Cụ Hồ phải sống làm sao cho chín chắn, phát triển kinh tế ổn định, chứ không thể chịu cảnh đói nghèo. Môi trường quân đội  rèn tôi có tác phong, đạo đức chuẩn mực. Tôi làm gì cũng luôn ghi nhớ mình là người lính Cụ Hồ để không làm ảnh hưởng đến uy tín, phẩm chất từng được tôi luyện. Đồng thời phải nhớ việc mình từng được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng vào thực tế sản xuất...” - ông Thành bồi hồi kể.

Nông dân sản xuất giỏi

Vốc cà phê trên tay đã được phơi khô giòn, đượm nắng từ hơn chục bao xếp quanh sân chuẩn bị khâu miệng, ông Thành như cố hít sâu hơn vị nồng nồng quen thuộc của loại hạt đã, đang giúp gia đình ông và người dân nơi đây làm giàu. Cách sân phơi không xa là những cành hoa cà phê trắng muốt nở đợt mới rung rinh trong nắng xuân, thoang thoảng đưa mùi hương thơm mát... Ông Thành vui vẻ kể lại hành trình từ những ngày du canh, du cư theo phong tục của người S’tiêng và nay trở thành nông dân sản xuất giỏi với căn nhà kiên cố, có ôtô, xe máy đi lại cùng việc chăm lo con cái học hành.

Năm 1981, ông Thành xuất ngũ trở về quê hương xây dựng kinh tế bên người vợ trẻ cũng là một cô du kích thôn ngày nào. Tiếp thu lối sống, suy nghĩ từ đồng đội, ông Thành thấy lối sống du canh, du cư của đồng bào S’tiêng chỉ giải quyết được cái ăn trước mắt mà không thể ổn định lâu dài. Bà con vừa vất vả khai khẩn đất hoang vừa phải chịu cảnh nơi ở tạm bợ khiến ông Thành rất trăn trở. Ông Thành bàn với vợ con định canh, định cư để ổn định cuộc sống; kết hợp lấy ngắn nuôi dài, canh tác trên một mảnh đất khai khẩn rồi đầu tư phân bón, thay đổi cây trồng... Ông Thành kể: “Thời mới đến định cư nơi này, vợ chồng tôi vất vả lắm. Làm gì có thuốc diệt cỏ như bây giờ nên vợ chồng phải thay nhau cuốc cỏ gieo trồng. Chưa đến mùa vụ là gia đình phải ăn củ mài, củ chụp thay cơm. Nhưng vợ chồng luôn động viên nhau để từng bước vượt qua khó khăn”. Ông Thành cười sảng khoái khẳng định: “Tôi đi làm cách mạng, là người lính Cụ Hồ mà, phải sống để nhiều người nể phục và làm theo nữa chứ!”.

Nghĩ là làm, sau khi khai khẩn được hơn 10 ha đất đồi trọc, vợ chồng ông Thành từng bước phủ xanh bằng tiêu, điều, cà phê, cao su, cây ăn trái... Mỗi thứ một phần diện tích nên cả năm ông luôn có nguồn thu vào thời điểm khác nhau. Nhờ đó kinh tế gia đình cũng từng bước thay đổi, trở thành hộ khá có tiếng ở thôn, xã. Các con ông cũng được cha mẹ động viên theo học, trong đó Điểu Đức đã học xong đại học, hiện làm ở Bệnh viện Nhân Ái, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập; Điểu Hồng đam mê thể thao, giành được nhiều huy chương ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường...

Và người chồng thủy chung

Kinh tế ổn định không chỉ tạo điều kiện để vợ chồng ông Thành xây nhà khang trang trong khuôn viên rợp bóng cây lâu năm mát rượi mà còn sắm được cả ôtô làm phương tiện đi lại hơn 6 năm qua. Giờ đây, ôtô càng thêm hữu ích khi ông thường xuyên chở vợ đi chữa bệnh tai biến.

Ông Thành cho biết: “Vợ chồng tôi gặp nhau khi cùng tham gia tiếp lương, tải đạn, hỗ trợ bộ đội chính quy đánh địch. Từ cảm mến chúng tôi nên duyên khi còn tham gia trận mạc. Cùng nhau trải qua gian khó nên đến tận hôm nay, vợ chồng tôi luôn yêu thương, chia sẻ cùng nhau. Từ đầu năm 2017, bà ấy bị tai biến dẫn đến sức khỏe yếu, tôi phải đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh để chữa trị cho vợ. Nghe đâu có y, bác sĩ giỏi chữa bệnh là đi ở đó, chỉ mong chữa khỏi bệnh cho vợ. Hiện nay, tôi định kỳ đưa bà ấy đi tập vật lý trị liệu để duy trì sức khỏe”.

Do có sẵn ôtô nên ông Thành không ngại chở vợ đi khắp nơi trong tỉnh và về các bệnh viện có uy tín ở thành phố Hồ Chí Minh để chữa bệnh tai biến mỗi khi có người mách nước. Bà con lối xóm ai cũng cảm phục tình cảm thắm thiết, sâu đậm không quản vất vả mà ông Thành dành cho vợ.

Anh Điểu Vinh, công an viên phụ trách địa bàn thôn Thuận Tiến, xã Thuận Lợi không giấu được sự ngưỡng mộ: “Anh Thành giỏi lắm. Không chỉ giỏi làm kinh tế, nuôi dạy con cái chí thú làm ăn mà còn rất thương yêu vợ. Người dân ở đây đều nể trọng tính cách, tấm lòng của anh ấy”. 

 Ngọc Tú

  • Từ khóa
43829

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu