Thứ 5, 28/03/2024 23:22:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:04, 11/11/2016 GMT+7

"Người Mỹ xấu xí” và tiếng vọng sau gần 6 thập kỷ

Thứ 6, 11/11/2016 | 09:04:00 2,324 lượt xem
BPO - Năm 1958, NXB Norton (Mỹ) xuất bản cuốn sách Người Mỹ xấu xí (The Ugly American) của sĩ quan Hải quân Mỹ Uy-li-am Lê-đê-rơ (William Lederer) và Giáo sư Iu-gien Bớc-đích (Eugene Burdick), Trường Đại học California. Cuốn sách đã làm rung chuyển nhận thức ở Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về “sứ mạng” của người Mỹ trong cái gọi là “phát triển tự do và dân chủ” tại các nước phương Đông.

Cuốn sách bán chạy tắc động đến Nhà Trắng

"Người Mỹ xấu xí” trở thành sách bán chạy nhất (best seller) hơn một năm rưỡi. Cho đến đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, “Người Mỹ xấu xí” đã bán được hơn 4 triệu bản. Cùng trong thời kỳ này, trong bài "Việt Nam toàn cảnh mang tính biểu tượng cho “Người Mỹ xấu xí”, và trận tuyến mới”, tác giả Giôn Heo-man (John Hellmann) cho hay, “Người Mỹ xấu xí” là một trong những sách bán chạy nhất trong lịch sử của Mỹ, được xem là một tiểu thuyết chính trị có ảnh hưởng nhất trong văn học Mỹ cổ kim.

Bìa cuốn sách “Người Mỹ xấu xí” xuất bản lần đầu tiên năm 1958. Ảnh tư liệu.

Uy-li-am Lê-đê-rơ là một sĩ quan hải quân Mỹ hoạt động tại Đông Nam Á trong thời gian Oa-sinh-tơn đang phù phép để tạo dựng chế độ độc tài Ngô Đình Diệm được dán nhãn “Việt Nam cộng hòa” phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Chấp bút cùng là Giáo sư Iu-gien Bớc-đích của Trường Đại học California, cũng từng phục vụ trong Hải quân Mỹ. Tác phẩm khắc họa những thất bại trong chính sách can thiệp của Mỹ ở xứ sở được mệnh danh là “Sarkhan” thuộc Đông Nam Á, do thiếu hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán. Lê-đê-rơ và Bớc-đích cảnh báo: “Nếu các nhà hoạch định chính sách tiếp tục làm ngơ đằng sau những bài học này (những can thiệp của Mỹ vào Đông Nam Á thập niên 1950), thì vùng này sẽ rơi vào tầm ảnh hưởng của Liên Xô hoặc Trung Quốc”. Từ đây, thuật ngữ Sarkhan nhập vào kho từ ngữ của Mỹ về các cuộc can thiệp vào nội bộ nước khác. Sarkhan gợi lên trong người đọc liên tưởng về Thái Lan hoặc Mi-an-ma, nhưng đây là ám chỉ Nam Việt Nam. 

Đại tá E.Len-xđây năm 1963, phụ trách CIA ở Đông Dương.
Nhà văn W.Lê-đê-rơ khi còn phục vụ Hải quân Mỹ.

Cuốn sách đã gây một cuộc tranh luận sóng gió vào năm 1958. Công luận Mỹ phẫn nộ về những đồng tiền họ đóng thuế được biến thành “viện trợ” phản tác dụng, Quốc hội Mỹ cũng tranh luận quyết liệt về hiệu quả của những chương trình cứu trợ cho nước ngoài. G.Heo-man cho hay, tác động của “Người Mỹ xấu xí” lên chính quyền Ken-nơ-đi (Kennedy) là dai dẳng. Năm 1958, khi còn là Thượng nghị sĩ, Ken-nơ-đi đã mua nhiều cuốn “Người Mỹ xấu xí” vừa được xuất bản, gửi cho tất cả các Thượng nghị sĩ khác. Còn khi làm Tổng thống, Ken-nơ-đi đã thành lập Lực lượng đặc biệt Mỹ và đề ra các chiến thuật chống nổi dậy tại Nam Việt Nam để chống ảnh hưởng của cộng sản.

Trong diễn văn về nghị trình “Xã hội Lớn” đọc tại Đại học Michigan ngày 25-5-1964, Tổng thống Giôn-xơn nói: “Vài năm trước đây, chúng ta đã vô cùng quan ngại về “Người Mỹ xấu xí”. Hôm nay, chúng ta cần hành động để ngăn cản “Người Mỹ xấu xí”. Nhưng ngay sau đó, ông ta lại thực hiện những mưu chước kiểu Đại tá Len-xđây (Lansdale), điển hình là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Cũng từ đó, theo học giả Mỹ, những ý đồ của quốc sách Xã hội Lớn (chính phủ trợ cấp, điều hành bảo hiểm y tế cho người nghèo…) trong mô hình “Súng và Bơ” của Giôn-xơn lại nhuốm màu thuốc súng.

Ai là “Người Mỹ xấu xí”?

Trong cuốn “Việt Nam: Một thiên sử”, Xtan-lây Ca-nao (Stanley Karnow) một sử gia nổi tiếng về đề tài chiến tranh Việt Nam, cho rằng trong cuốn “Người Mỹ xấu xí”, nhân vật Đại tá Ét-uyn Hin-len-đan (Edwind Hillendale) chính là Đại tá Ét-uốc Len-xđây ở ngoài đời. Dưới vỏ bọc Trưởng phái bộ quân sự đặc biệt Mỹ (SMM) và Trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (US.MAAG) ở Sài Gòn, Len-xđây thực chất là chỉ huy CIA ở Đông Dương, một chuyên gia tạo dựng “lực lượng thứ ba”, kể cả bằng khủng bố.

Sách “Giết niềm hy vọng: Can thiệp của khối quân sự và tình báo Mỹ kể từ Thế chiến II” xuất bản năm 2003 của tác giả Uy-li-am Blum (William Blum) cho hay, chỉ một ngày sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nhóm đặc nhiệm dưới quyền của E.Len-xđây - “người hùng” trong cuộc chiến chống nổi dậy ở Phi-líp-pin, đã dấn vào chiến dịch chống Việt Minh. Uy-li-am Blum khẳng định, những hoạt động của Len-xđây ở Việt Nam đã được “lắng đọng” trong hai cuốn sách nửa hư cấu là “Người Mỹ xấu xí” và “Người Mỹ thầm lặng”.

"Nửa hư cấu” hẳn đến từ khẳng định của các tác giả cuốn “Người Mỹ xấu xí” trong lời tựa: “Những gì chúng tôi viết, về bản chất, đã từng xảy ra”. Bài viết “Vẫn còn xấu xí sau bằng ấy năm” đăng trên tờ The New York Times năm 2009 cho hay,

ban đầu sách “Người Mỹ xấu xí” được viết dưới dạng tác phẩm không hư cấu, nhưng các biên tập viên đã đề xuất nên chuyển nó sang dạng hư cấu có lẽ vì chủ đề quá “nhạy cảm”. Sau khi tác phẩm ra đời, Lê-đê-rơ rời khỏi Hải quân Mỹ, trở thành nhà văn chuyên nghiệp.

Tiếng vọng gần 6 thập kỷ

Cùng năm 1963 đầy sóng gió ở Nam Việt Nam, một bộ phim dựng theo kịch bản văn học “Người Mỹ xấu xí” đã đưa tài tử Mác-lơn Bran-đô (Marlon Brando) thành ngôi sao điện ảnh.

Trong cuốn “Một dân tộc con chiên” xuất bản năm 1961, Lê-đê-rơ vạch ra những thất bại tình báo của Mỹ ở châu Á. Trong cuốn sách không hư cấu này, ngoài những nguồn thông thường (báo chí, sách vở, đài phát thanh tại chỗ và nước ngoài, những quan sát của quan chức, phóng viên Mỹ), tác giả còn sử dụng nguồn tin đến từ những quan chức sở tại trung thành với Mỹ, những người địa phương lén cấp thông tin được Mỹ trả lương.

Năm 1965, năm Lầu Năm Góc đổ quân vào Nam Việt Nam, Lê-đê-rơ và Bớc-đích ra tiếp cuốn "Sarkhan”, khắc họa cuộc xung đột giữa lực lượng cộng sản trang bị nhẹ nhưng linh động, hiệu quả và quân Mỹ mạnh nhưng vụng về. Sách lập tức bán chạy, nhưng sau đó biến mất khỏi các giá sách. Các tác giả của “Sarkhan” cho rằng, các cơ quan thuộc chính quyền Mỹ đứng đằng sau âm mưu ngăn chặn cuốn sách phát hành. Năm 1977, sách được tái bản, nhưng phải cải tên thành Người Mỹ dối trá (The Deceptive American).

Trong cuốn Kẻ thù tệ nhất của riêng chúng ta (Our Own Worst Enemy, xuất bản năm 1968), Lê-đê-rơ thuật rằng, khi còn là trung úy hải quân năm 1940, ông đã có cơ hội gặp một giáo sĩ dòng Jesuit là cha Pi-e Cô-nhi (Pierre Cogny), và một trợ lý người Việt của ông cố này tên là “Mr. Nguyen” ở Trung Quốc. Cha Pi-e đã nhờ Lê-đê-rơ tìm một bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ trên tàu chiến của ông. Sau khi Lê-đê-rơ trao bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ cho cha cố, “Mr. Nguyen” đã trao cuốn này cho ông “Tống Văn Sơ”, về sau được biết với tên Hồ Chí Minh. Hiện nay, các sử gia Mỹ chưa làm rõ chi tiết vừa nêu là hồi ức của Lê-đê-rơ hay thuộc loại hình văn học hư cấu. Cuốn sách còn kể về người Mỹ đã hỗ trợ một Tổng thống tham nhũng ở Nam Việt Nam là Ngô Đình Diệm ra sao, đã làm ngơ một chợ đen đồ sộ buôn lậu các đồ ăn cắp từ nguồn  hàng viện trợ của Mỹ như thế nào. Người Mỹ cũng từ chối không đối mặt với các quan chức sở tại tham nhũng, những kẻ không từ cả hàng cứu trợ cứu nạn, thường xuyên thu bảo kê và tống tiền những người dân.

Lê-đê-rơ còn là tác giả một số cuốn sách khác, nhưng không nổi tiếng bằng các sách của ông về “kỷ nguyên Việt Nam”.

Trong Lời nói đầu cuốn sách “Người Mỹ xấu xí trong tâm trí Ả-rập: Vì sao người Ả-rập hận Mỹ?”, Nhà xuất bản Potomac Books xuất bản năm 2011, tác giả Mohamed El - Bendary cho hay, trên thực tế, ngày càng nhiều bình luận gia của thế giới Ả-rập so sánh những sai lầm của Mỹ ở I-rắc với những lầm lỗi của nhà cầm quyền nước này trong kỷ nguyên Việt Nam.

Nguồn QĐND (trích dịch)

  • Từ khóa
87318

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu