Thứ 5, 25/04/2024 16:18:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 07:59, 04/06/2020 GMT+7

Người mẹ hiền của học trò vùng cao

Nguyễn Tấn - Trung Quang
Thứ 5, 04/06/2020 | 07:59:00 576 lượt xem
BPO - Những tấm gương sáng trong cuộc sống ở nơi nào cũng có và xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, điều đáng trân quý hơn khi ở một nơi xa xôi giữa đại ngàn cao nguyên biên giới Tuy Đức, Đắk Nông lại có một giáo viên dành hết tâm sức cho những em nhỏ còn nhiều thiệt thòi, thiếu thốn. Đó là cô Roãn Thị Ngọc Hảo, giáo viên Trường mầm non Trung đoàn 726, Binh đoàn 16. Cô được nhiều người nơi đây gọi với sự thương mến là “Mẹ hiền của những em nhỏ vùng cao”...

Yêu trẻ như con

Hơn 10 năm trước, vì yêu thương trẻ con, mến nghề giáo và thấy sự thiệt thòi của trẻ em vùng biên giới Đắk Nông, cô Roãn Thị Ngọc Hảo từ một công nhân nông trường cà phê thuộc Trung đoàn 726, Binh đoàn 16 đã viết đơn xin đơn vị cho đi học ngành sư phạm mầm non... Đến được với nghề dạy trẻ hằng mong ước là niềm hạnh phúc, cô Hảo trăn trở phải đem niềm hạnh phúc đó đến với trẻ em và người dân trong bản... Thế là cô đến gõ cửa từng nhà để vận động đồng bào đưa con trẻ đến lớp.

Cô Roãn Thị Ngọc Hảo trong giờ dạy học ở vùng biên huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông

Ban đầu, vận động không hiệu quả lắm vì người dân chưa có thói quen đưa trẻ bậc mầm non đến lớp. Nhưng bằng tình thương yêu và trách nhiệm với học sinh, cô đã minh chứng cho nhiều gia đình ở đây thấy tâm huyết sẵn sàng làm mẹ thứ 2 của các bé. Từ đó, lớp học mỗi ngày một đông và phụ huynh cũng gửi con đến học đều đặn. Bà Lê Mỹ Hàn ở bon Bu Lun, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi ngay bon xa xôi này có được ngôi trường cho con em mình. Gửi con ở đây, chúng tôi rất tin tưởng, trường có cô Hảo thương yêu trẻ như con. Khi chúng tôi đi nương rẫy về muộn, cô tận tình dẫn các cháu về nhà chăm sóc như con của mình vậy”.

Đặc biệt, điểm trường do cô đứng lớp còn có trẻ khuyết tật, chậm phát triển. Không ngại vất vả, cô luôn dành tình yêu thương, quan tâm nhiều hơn, giúp các em nhanh chóng hòa nhập với các bạn đồng trang lứa. Xúc động về nghĩa cử của cô giáo Hảo, chị Hồ Thị Thanh ở bon Bu Lun, xã Quảng Trực cho biết: “Chúng tôi gửi con cho cô Hảo rất yên tâm. Cô không chỉ chăm sóc con tôi như con của mình mà còn rất trách nhiệm. Những gì tốt nhất cô cũng đều dành cho các cháu. Chúng tôi thấy cô không bao giờ ngơi tay làm việc. Rảnh rỗi là cô lại tranh thủ vệ sinh cá nhân tỉ mỉ cho từng cháu... Chúng tôi rất quý và kính trọng cô. Nhờ cô Hảo mà con chúng tôi có môi trường học tập tốt như hôm nay”.

Hết lòng với nghề

Với tình yêu dành cho trẻ em vùng cao biên giới Tây Nguyên vô bờ bến nên trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trang thiết bị dạy học không làm cô Hảo nản lòng. Ngược lại, “cái khó ló cái khôn”, bằng sự khéo léo, cô Hảo còn tận dụng thời gian rảnh rỗi thu lượm phế liệu để sáng tạo ra nhiều đồ dùng dạy học thú vị, bổ ích cho các em. Mỗi năm, ít nhất cô cũng làm thêm được cả chục dụng cụ, bổ sung vào “bộ sưu tập” đồ dùng dạy học của mình, cái nào cũng hữu ích và làm cho các em thêm thích thú trong mỗi buổi học.

Miệt mài sáng tạo dụng cụ học tập, cô Hảo đã được các cấp, ngành ghi nhận. Trong đó năm 2011 và 2017, cô đoạt 2 giải A sáng kiến kinh nghiệm dạy học cấp toàn quân. Cô Hảo chia sẻ: “Ngày đầu đến đây, nhìn các cháu lem luốc theo cha mẹ đi nương rẫy tôi thương lắm... Khi được về dạy tại trường, tôi thấy đây là cơ hội giúp các trẻ bớt thiệt thòi. Để các bé có động lực đến trường, tôi suy nghĩ phải tạo ra những vật dụng, đồ dùng học tập, đồ chơi gần gũi để các con yêu thích và thấy mỗi ngày đến lớp là một niềm vui. Tôi luôn để ý thu lượm các chai nhựa, ống hút... về làm đồ dùng dạy học, vừa tạo niềm vui cho các bé mà cũng góp phần làm sạch môi trường...”.

Không những được biết đến là giáo viên tâm huyết với nghề, tình yêu dành cho trẻ thơ vô bờ bến, cô Hảo còn là Chi hội trưởng phụ nữ năng động của đơn vị. Từ sự vận động của cô, nhiều phụ nữ ở bon, bản đã được giúp đỡ về vốn vay không tính lãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ở vị trí công việc nào, cô cũng luôn đặt vào đó sự say mê, tận tụy với mong muốn đóng góp sức vào sự phát triển đời sống nơi biên cương. Trong bảng thành tích cá nhân, cô Hảo có đầy ắp các loại giấy khen, bằng khen từ Trung đoàn 726, Binh đoàn 16 đến Bộ Quốc phòng. Đặc biệt năm 2019, cô còn vinh dự được bình chọn là chiến sĩ thi đua cấp toàn quân.

Trung tá Nguyễn Như Duy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 726 nhận xét: “Cô Roãn Thị Ngọc Hảo là lá cờ đầu trong phong trào thi đua của đơn vị. Cô là tấm gương điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa rất lớn, thúc đẩy các phong trào thi đua của tập thể khác; góp phần giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm gần đây”.

Có bảng thành tích khá dày nhưng với cô giáo mầm non Roãn Thị Ngọc Hảo thì đó không phải là động lực chính. Điều cô đang nỗ lực là mong muốn cống hiến nhiều hơn cho trường là được nhìn thấy những nụ cười, niềm vui của các em mỗi ngày lên lớp. Tình yêu, tấm lòng dành cho trẻ đã giúp cô nỗ lực nhiều hơn và qua đó đã đem lại sự đổi thay tích cực cho giáo dục mầm non nơi đây.

  • Từ khóa
89646

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu