Thứ 6, 19/04/2024 20:28:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 03:30, 29/08/2018 GMT+7

người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt

Người làm việc lạ

Thứ 4, 29/08/2018 | 03:30:00 266 lượt xem
BP - Cuộc sống rày đây mai đó, công việc làm thuê thu nhập không ổn định nhưng anh Nguyễn Thành Phương, ngụ xã Tân Hưng (Hớn Quản) lại làm việc lạ là tự dọn các nghĩa trang với tâm nguyện “người khuất cũng cần nơi yên nghỉ sạch sẽ”.

TẤM LÒNG VỚI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

Ông Cao Minh Công, Chủ tịch UBND xã Phước An kể: “Đầu năm 2018, anh Nguyễn Thành Phương đến gặp tôi xin làm cỏ tại các nghĩa trang của xã. Tôi cho biết xã chưa có kinh phí để thuê công dọn nghĩa trang, mà hằng năm việc này do lực lượng dân quân làm. Anh Phương nói “tôi làm không lấy tiền”. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh Phương cho biết đã dọn không công ở Nghĩa trang Nông trường Tân Hưng (thuộc Nông trường cao su Tân Hưng, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long) 5 năm rồi. Anh Phương còn trình bày ý định sau khi dọn sạch nghĩa trang sẽ trồng hoa cho đẹp. “Bỗng dưng có người đến đề nghị làm một việc lạ, hết ngạc nhiên tôi lại thấy thán phục. Không biết anh làm vì điều gì, song tôi vẫn hứa nếu vận động được nguồn sẽ hỗ trợ anh một khoản để động viên tinh thần, còn kinh phí hằng tháng thì không cân đối được”.

Anh Nguyễn Thành Phương cắt cỏ tại Nghĩa trang Nông trường Xa Trạch

Phước An có 2 nghĩa trang lớn là Nghĩa trang xã Phước An và Nghĩa trang Nông trường Xa Trạch (thuộc Nông trường cao su Xa Trạch, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long), chưa kể 9 nghĩa trang ấp (phùm ma) của đồng bào dân tộc thiểu số. 2 nghĩa trang lớn anh Phương đã phát cỏ xong, đợi cỏ chết khô thì dùng máy cắt cỏ làm sạch, sau đó mua hoa về trồng ngoài hàng rào.

Anh Phương làm rất nhiệt tình. Có lần 4 giờ sáng tôi đi bộ tập thể dục ngang nghĩa trang thấy có ánh đèn. Tôi bước vào xem thì thấy anh Phương đang cắt cỏ. Một lần tôi đi sửa mộ người thân, mưa tầm tã, vẫn thấy anh Phương làm cỏ tại nghĩa trang. Lần khác, lúc 5 giờ sáng tôi đã thấy anh dọn nghĩa trang. Anh nói tranh thủ làm sớm để 7 giờ về đi làm thuê.

Ông Cao Minh Công, Chủ tịch UBND xã Phước An nói.

Ngoài nghề bốc vác củi, công việc của anh Phương ai gọi thì làm nên chủ yếu ở lại chỗ làm thuê, lâu lâu mới về nhà ba mẹ ở xã Tân Hưng. Anh có 2 người con, trong đó một người đã lập gia đình, một người đang ở ngoài Bắc với cậu, vợ anh đã mất. Công việc không ổn định nên thu nhập bấp bênh. Mỗi khi đi làm thuê thời gian dài, khi về thấy Nghĩa trang Nông trường Tân Hưng cỏ mọc, anh xin nghỉ làm vài ngày, đi mượn máy cắt cỏ, bỏ tiền mua xăng về cắt, xịt cỏ, dọn sạch. Lâu dần nhiều người cảm kích việc làm của anh nên sẵn sàng cho mượn máy cắt cỏ, bình xịt thuốc. Song mượn hoài cũng ngại, khi có chút tiền dư anh đã mua đủ bộ đồ nghề như máy cắt cỏ, bình xịt, cuốc... để làm. Nhưng vì mua lại đồ cũ nên máy móc thường xuyên bị hư trong khi anh tranh thủ đi làm để còn mưu sinh. Một vài năm sau anh quyết định bỏ ra 4,5 triệu đồng mua một máy cắt cỏ xịn để dọn cho nhanh, bền.

Dịp cận tết là lúc người người tất bật làm lụng để có thu nhập nhưng anh Phương lại dành cả tháng để dọn dẹp, phát cỏ, sơn quét hàng rào, trồng hoa, mua đèn dầu đốt trong nghĩa trang. Khi được hỏi anh không sợ khi làm những việc mà với nhiều người có “cho vàng” họ cũng không làm, anh khẳng khái đáp: “Trước đây, tôi thường xuyên đi đào huyệt, giúp đỡ bà con chòm xóm tẩm liệm người vừa mất nên công việc chăm sóc nghĩa trang đối với tôi rất bình thường. Tôi thấy việc làm này ý nghĩa. Người ta phúng điếu làm công quả ở chùa, giúp đỡ người khó khăn, mình đi dọn nghĩa trang. Làm gì cũng được miễn là làm việc thiện để thấy tâm mình thanh thản, người khỏe khoắn”.

CẢM PHỤC NGHĨA CỬ VÌ MỌI NGƯỜI

Đến tiết thanh minh, nhà nhà đi tảo mộ thấy phần mộ người thân sạch sẽ, người này truyền tai người kia gửi anh tiền mua thuốc xịt cỏ. Có người tìm đến tận nhà anh gửi chút quà chỉ 50-100 ngàn đồng cảm kích tấm lòng của anh. Tuy ít nhưng mỗi năm anh cộng lại được khoảng 17 triệu đồng. Anh lại dùng số tiền này mua thuốc xịt cỏ, mua hoa, cây kiểng trồng, sơn lại hàng rào nghĩa trang.

Khi nghe câu chuyện về việc làm ý nghĩa của anh Phương, ông Nguyễn Trung Tuấn, ấp Văn Hiên 1, xã Phước An đã gửi 300 ngàn đồng vừa được Huyện ủy Hớn Quản biểu dương gương điển hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018” cho anh Phương nhằm động viên tinh thần.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh ở ấp 23 Nhỏ, có mộ người thân tại Nghĩa trang xã Phước An cho biết: “Trước đây, các nghĩa trang của Phước An cỏ rác nhiều, muốn đi tảo mộ hay làm gì cũng rất khó. Mấy lần thấy anh Phương dọn dẹp, cắt cỏ ở nghĩa trang, tôi hỏi anh được trả lương bao nhiêu 1 tháng. Anh nói làm từ thiện chứ không có lương. Tôi rất ngạc nhiên và cảm kích việc làm của anh vô cùng. Những dịp đi tảo mộ tôi đều nói mọi người hỗ trợ anh tiền xăng xe”.

“Tuy làm việc không công song mỗi người mỗi ý, có những trường hợp còn trách khi tôi chưa kịp dọn đến phần mộ của người thân họ. Các em của tôi khuyên đừng làm nữa. Nhưng tôi mặc kệ người ta nói gì, bởi cái nghiệp đã gắn với mình rồi” - anh Phương nói.

Chủ tịch UBND xã Phước An Cao Minh Công trăn trở: “Nhiều lúc tôi tự hỏi, anh Phương làm vậy rồi lấy gì lo cho cuộc sống của bản thân. Nên vừa qua, UBND xã đã vận động bà Nguyễn Thị Thuận - một nhà hảo tâm trong xã, ủng hộ 2 triệu đồng hỗ trợ tiền xăng, thuốc trừ cỏ cho anh Phương dọn dẹp nghĩa trang”.

Sau cuộc trò chuyện với anh Phương, chúng tôi ra về trong tiết trời âm u của buổi trưa muộn mùa mưa mà lòng miên man suy nghĩ: Sống trên đời có nhiều việc thiện để làm, sao anh lại chọn công việc mà nghĩ tới nhiều người đã rợn tóc gáy nói gì đến việc ngày đêm tiếp xúc với nơi lạnh lẽo, u minh ấy? Và chúng tôi chợt nghĩ, làm từ thiện cho người đã khuất, âu cũng là cái nghiệp!.

H.Cúc - T.Mai

  • Từ khóa
95356

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu