Thứ 6, 29/03/2024 17:21:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:45, 02/09/2019 GMT+7

50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC BÁC HỒ

Người Bình Phước thực hiện Di chúc Bác Hồ - Bài cuối

Thứ 2, 02/09/2019 | 07:45:00 191 lượt xem

TỪ “VÙNG TRŨNG” ĐẾN ĐIỂM SÁNG GIÁO DỤC CẢ NƯỚC

BP - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm công tác giáo dục. Ngay buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Bác đã khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu!”. Trong Thư gửi học sinh ngày 5-9-1945 - năm học đầu tiên nước nhà giành độc lập, Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Thấm nhuần lời dạy của Người và luôn xác định giáo dục, đào tạo là động lực của sự phát triển, ngay từ khi tái lập tỉnh và cho đến bây giờ, Bình Phước luôn dành sự quan tâm, ưu ái đặc biệt tới sự nghiệp giáo dục.

Từ “người biết chữ dạy người chưa biết chữ”

Ngày tái lập tỉnh, Bình Phước thiếu hàng ngàn phòng học và thiếu hơn 2.000 giáo viên. Một thời gian khá dài, cứ vào năm học mới là chính quyền các cấp lại đôn đáo lo tìm nơi học. Vì thiếu trầm trọng phòng học, nhiều trường phải tổ chức dạy 3 ca/ngày. Nhiều thôn, xã phải dùng cả trụ sở làm việc của UBND xã, nhà văn hóa thôn, ấp, thậm chí mượn nhà dân làm phòng học nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ học cho các em. Nhiều lớp học, các em lứa tuổi tiểu học phải bò trên nền đất để viết y như thời kháng chiến.

Học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) trong buổi lễ khai giảng năm học 2018-2019 - Ảnh: B.L

Do thiếu giáo viên nên ở vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số phải trưng dụng cả những người không có chuyên môn sư phạm ra dạy học với phương châm người biết chữ dạy người không biết chữ, giống như thời “bình dân học vụ”. Ở bậc THCS, THPT, tình trạng thiếu giáo viên càng trầm trọng hơn. Đời sống giáo viên thì muôn vàn khó khăn. Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp khi ấy chỉ duy nhất cơ sở dạy nghề của ngành cao su. Vì thế, chất lượng giáo dục nói chung; tỷ lệ tốt nghiệp các cấp, tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng của Bình Phước luôn ở top cuối khu vực và cả nước.

Đến quyết tâm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục

Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VII) của Đảng về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, ngay những ngày đầu tái lập, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 05 và nhanh chóng triển khai thực hiện. Từng cấp ủy đều có kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về phát triển sự nghiệp giáo dục. Từ quan điểm này, hằng năm không chỉ ngân sách tỉnh, huyện ưu tiên cho giáo dục mà nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh còn đích thân đi kêu gọi tài trợ cho giáo dục. Và Trường THPT chuyên Quang Trung, sau này thêm THPT chuyên Bình Long là những ngôi trường được xây dựng ban đầu bằng nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh. Vào thời điểm ấy, các cơ quan thông tin đại chúng đều thấm nhuần sâu sắc quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo tỉnh nên tăng cường thời lượng thông tin, tuyên truyền để mọi người dân nhận thức rõ tầm quan trọng và cùng tham gia vào hoạt động giáo dục. Với sự kiên trì và quyết tâm cao trong định hướng, chỉ đạo, điều hành, từ một màu xám, bức tranh giáo dục Bình Phước đã dần khởi sắc.

Từ chỗ phải học 3 ca/ngày, phải mượn nhà dân làm lớp học, đến năm học 2018-2019, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh đã rộng khắp đến vùng sâu, xa với 468 trường/7.967 lớp/241.923 học sinh. Cho dù chưa thể so với những tỉnh có tốc độ phát triển nhanh nhưng hiện toàn tỉnh đã có 134 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 28,6%. Huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 98,8%, tăng 17,4% so với năm học trước. Chất lượng chăm sóc, giáo dục được nâng cao với gần 100% trẻ được học 2 buổi/ngày; 100% trẻ 5 tuổi được kiểm tra sức khỏe và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng. Chất lượng giáo dục trung học tiếp tục được nâng cao. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 96,06%, trong đó hệ THPT đạt 98,31%, hệ giáo dục thường xuyên đạt 61,35%.

Dù có khắt khe đến mấy cũng phải thừa nhận rằng, với một tỉnh còn nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế, xã hội còn thua kém nhiều tỉnh, thành trong khu vực nhưng thành tích giáo dục của Bình Phước trong những năm qua rất đáng ghi nhận. Từ chỗ những gia đình khá giả phải gửi con em về TP. Hồ Chí Minh học thì bây giờ, con em từ các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Đắk Nông lại tìm đến để “thi đấu” vào các trường chuyên, trường chất lượng cao của tỉnh như THPT chuyên Quang Trung, chuyên Bình Long, THPT Hùng Vương.

...Và cất cánh

Điều đáng tự hào là cho dù hạ tầng giáo dục còn nhiều hạn chế, song chất lượng giáo dục của chúng ta đã được xếp vào top đầu cả nước. Từng bước một, chúng ta đã nâng cấp chất lượng giáo dục một cách bài bản, vững bền. Và đó mới là điều đáng tự hào của ngành giáo dục tỉnh nhà.

Không chỉ nhanh chóng thoát khỏi “vùng trũng” trên bản đồ giáo dục cả nước mà chúng ta đã “cất cánh” với rất nhiều giải quốc gia, giải khu vực và quốc tế. Những năm gần đây, 2 trường THPT chuyên Quang Trung và Bình Long không chỉ được xếp vào top các trường THPT có tỷ lệ đậu đại học cao trong cả nước mà còn “ẵm” nhiều giải và giải cao tại các kỳ thi Olympic 30-4 - cuộc thi học sinh giỏi hằng năm dành cho học sinh khối 10 và 11 khu vực phía Nam. Tại cuộc thi Olympic 30-4 năm 2019, Bình Phước có 130 học sinh của 4 trường THPT tham gia. Kết quả, Trường THPT chuyên Bình Long xếp thứ 5/63 trường với 48 huy chương, gồm 22 vàng, 16 bạc và 10 huy chương đồng; Trường THPT chuyên Quang Trung xếp thứ 9/63 trường với 45 huy chương, gồm 18 vàng, 19 bạc và 8 huy chương đồng.

Là người gắn bó với ngành giáo dục nhiều năm, tôi từng hồi hộp theo dõi học sinh Bình Phước “leo núi” để lên đỉnh Olympia với cuộc đua tài vòng thi quý; hồi hộp theo dõi các em tham dự cuộc thi quốc tế sáng tạo khoa học, công nghệ trẻ, thi Olympic Vật lý khu vực, quốc tế và mừng vui đến thế nào khi em Đậu Bá Kiên đoạt huy chương bạc cấp khu vực về sáng tạo khoa học công nghệ trẻ; em Nguyễn Văn Thành Lợi đoạt huy chương đồng Olympic Vật lý quốc tế. Nhiều em đoạt thủ khoa, á khoa tại các trường đại học trong và ngoài nước. Thành tích mà các em mang về không chỉ là kết quả sự nỗ lực vượt bậc trong học tập, nghiên cứu khoa học mà chính sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục tỉnh nhà đã truyền cảm hứng cho các em chinh phục kho tri thức nhân loại.

Không chỉ nâng cao chất lượng đại trà, Bình Phước còn quan tâm thực hiện công bằng trong giáo dục. Vào thời điểm toàn tỉnh chỉ có 8 huyện, thị xã nhưng đã có tới 4 ngôi trường dân tộc nội trú dạy miễn phí cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 1 trường THPT và 3 trường THCS. Thời điểm này, số trường nội trú dành cho học sinh dân tộc thiểu số đã tăng lên 6 trường, trong đó có 1 trường THPT, 1 trường THCS-THPT và 4 trường THCS. Từ đây, nhiều con em người dân tộc thiểu số đã được tiếp sức trong học tập, phấn đấu vươn lên. Điều đó cho thấy sự nhất quán của các thế hệ lãnh đạo tỉnh trong thực hiện chính sách dân tộc và nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.

Chuyện từ “vùng trũng”, Bình Phước trở thành điểm sáng giáo dục cả nước, không ít người vẫn còn nghi hoặc và cho rằng chỉ là may mắn. Thế nhưng nếu biết Bình Phước là địa phương đi đầu trong việc tổ chức vinh danh học sinh - sinh viên và vinh danh cả cha mẹ những em đạt thành tích cao trong học tập; nếu biết trong hoàn cảnh hạn hẹp, ngân sách tỉnh vẫn luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục; và nếu biết lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, kịp thời động viên những tài năng trẻ thì sẽ hiểu vì sao Bình Phước lại trở thành điểm sáng, “địa chỉ đỏ” về giáo dục của cả nước. Những thành tựu vượt bậc trong giáo dục chính là sự cảm nhận và tri ân sâu sắc của cán bộ, nhân dân Bình Phước đối với di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu về phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Linh Tâm

  • Từ khóa
29828

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu