Thứ 7, 20/04/2024 06:50:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 21:41, 02/06/2012 GMT+7

Nghiêm túc, cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp

Thứ 7, 02/06/2012 | 21:41:00 2,517 lượt xem

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn...

Kiểm điểm tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên của một Đảng chính trị, đặc biệt là Đảng cầm quyền. Tuy vậy, lâu nay, ở nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình còn nhiều hạn chế. Chỉ đến cuối năm mới tiến hành kiểm điểm gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao của từng tập thể cấp ủy và cá nhân cán bộ, đảng viên. Nội dung tự phê bình thường là “liệt kê” công lao, thành tích của bản thân, đơn vị; việc phê bình, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và hướng khắc phục cho cán bộ, đảng viên trong đơn vị thường rất ít, nhiều khi không có. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý có chức, có quyền không gương mẫu, tự cho mình là tài giỏi, lời nói không đi đôi với việc làm, nói nhiều làm ít, thậm chí “nói một đằng, làm một nẻo”... Đây là những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, xa hoa, vụ lợi... của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 có nhiều điểm mới. Về nội dung, tập trung kiểm điểm trên ba mặt: về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái. Những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ; tình trạng một số trường hợp bố trí cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, quản lý, sự phát triển của ngành, địa phương. Những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là của người đứng đầu... Trong ba nội dung này, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Bộ Chính trị, Ban bí thư (tập thể và cá nhân), các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng kiểm điểm trước với tinh thần gương mẫu để cấp ủy, cán bộ, đảng viên cấp dưới thực hiện theo. Ở các tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy, thị ủy cũng tương tự như vậy. Tập thể, Ban thường vụ và cá nhân các đồng chí trong Ban thường vụ thực hiện trước. Ở chi bộ, đồng chí bí thư chi bộ kiểm điểm trước, rồi đến đồng chí phó bí thư, đồng chí chi ủy viên rồi mới đến đảng viên. Trước khi tiến hành kiểm điểm phải tổ chức lấy ý kiến của tập thể cấp ủy cấp dưới, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tương đương, các đồng chí nguyên là ủy viên Ban chấp hành cùng cấp... Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp là một việc làm rất thiết thực nhằm phát huy dân chủ trong Đảng. Nhưng để thực hiện được điều này, các tập thể Ban thường vụ cấp ủy các cấp, đặc biệt là người đứng đầu phải thật sự nghiêm túc, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng đúng đắn, chân thành. Một trong những yêu cầu đối với ý kiến đóng góp của cá nhân là phải đóng góp bằng văn bản, có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng. Trong khi đó, từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường tổ chức lấy ý kiến đóng góp bằng cách định hướng các nội dung trọng tâm để các cá nhân đóng góp bằng lời (miệng). Sau đó bộ phận thư ký sẽ tổng hợp lại. Hơn nữa, đối tượng lấy ý kiến đóng góp đối với tập thể Ban thường vụ, cấp ủy và cá nhân các đồng chí ủy viên Ban thường vụ là những đồng chí nguyên ủy viên Ban chấp hành cùng cấp. Phần lớn những đồng chí này đã nghỉ hưu, có nhiều đồng chí tuổi cao, sức yếu mà yêu cầu phải đóng góp ý kiến bằng văn bản thì sẽ rất khó khăn. Không ít đồng chí còn quan niệm “mình đã nghỉ hưu rồi nên có đóng góp ý kiến chắc gì đã được tiếp thu?”.

Việc lấy ý kiến góp ý của các cấp ủy cấp dưới, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp nghĩa là nhân danh tập thể để góp ý. Nhưng nếu cấp trên quan liêu, bảo thủ thì cấp dưới có đóng góp những ý kiến đúng, tâm huyết cũng khó được tiếp thu. Xuất phát từ những yếu tố đó, Trung ương quy định sau khi tiến hành kiểm điểm, Ban thường vụ các cấp ủy và cá nhân các đồng chí trong Ban thường vụ phải báo cáo kết quả kiểm điểm lên cấp trên, đồng thời thông báo với cấp dưới và những nơi đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp.

Dũng cảm thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, xây dựng phương hướng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm là việc mà các cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên dù ở vị trí công tác nào cũng phải làm. Cấp trên phải làm trước và nêu gương để cấp dưới làm theo. Nếu cấp trên làm một cách nghiêm túc thì chắc chắn cấp dưới không dám làm qua loa. Nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân.

Chính Trực

  • Từ khóa
1237

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu