Thứ 5, 28/03/2024 17:19:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:55, 04/06/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Nghĩa vụ đối với tài sản thuê

Thứ 5, 04/06/2015 | 15:55:00 2,397 lượt xem

BP - Quy định về nghĩa vụ đối với tài sản thuê, tại Khoản 2, Điều 502 trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi có quy định như sau: 2. Bên thuê có thể tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí hợp lý ngay sau khi việc tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê hoàn thành. Trường hợp bên cho thuê có yêu cầu thì thời hạn hoàn trả chi phí cho bên thuê được thực hiện trong thời hạn hợp lý.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên vừa dài dòng lại vừa thừa, không cần thiết. Cụ thể là không cần phải chờ đến khi hoàn thành việc sửa chữa xong, mà một khi đã được bên cho thuê tài sản đồng ý cho sửa chữa thì người thuê có quyền đề nghị người cho thuê thanh toán những chi phí hợp lý. Bởi lẽ, người cho thuê đồng ý cũng có nghĩa là đã chấp thuận việc thanh toán chi phí khi giá trị của tài sản cho thuê được tăng lên sau khi đã sửa chữa. Còn đối với nội dung: Trường hợp bên cho thuê có yêu cầu thì thời hạn hoàn trả chi phí cho bên thuê được thực hiện trong thời hạn hợp lý, theo tôi là thừa. Vì thời hạn hoàn trả chi phí là do hai bên thỏa thuận, còn nếu quy định là “thực hiện trong thời gian hợp lý” thì biết thời gian nào là hợp lý? Do đó, tôi đề nghị ở khoản này nên giữ nguyên như tại Khoản 2, Điều 487 của Bộ luật dân sự hiện hành, là: Bên thuê có thể tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí hợp lý.

Quy định về việc trả lại tài sản thuê, tại Khoản 2, Điều 505 trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi có quy định như sau: Trường hợp tài sản thuê là động sản thì địa điểm trả lại tài sản thuê là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên cho thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo tôi thì quy định như trên vừa dài lại khó thực thi. Do đó, tôi đề xuất chỉ cần quy định là: Địa điểm trả lại tài sản thuê do hai bên thỏa thuận là phù hợp nhất.

Nội dung của Điều 507 trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi là những quy định về đối tượng của hợp đồng thuê khoán. Theo đó, Điều 507 có nội dung như sau: Đối tượng của hợp đồng thuê khoán có thể là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, súc vật, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì nội dung trên đây cần phải được xem xét lại cho kỹ.

Vì nếu quy định theo kiểu liệt kê này sẽ không bao hàm hết các loại tài sản có thể cho thuê khoán. Và trong thực tế cuộc sống cho thấy có rất nhiều các loại tài sản có thể cho thuê khoán. Do đó, nếu không có định nghĩa một cách khái quát thì mới hạn chế được rủi ro bị vô hiệu hơn.

D.V

  • Từ khóa
13226

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu