Thứ 5, 25/04/2024 09:01:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:26, 27/07/2020 GMT+7

Kỷ niệm 73 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2020)

Nghĩa trang Trường Sơn chiều tháng 7

Tấn Phong
Thứ 2, 27/07/2020 | 08:26:00 1,310 lượt xem
BPO - Đất Quảng Trị những ngày hè tháng 7 trời khô khốc nắng, cái nóng của đất miền Trung cuối mùa như rang, cây cối khô quặt... nhưng vẫn không ngăn được dòng người đến viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn. Từ thành phố Đông Hà, chúng tôi ngược Đường 9 đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trong thời điểm cả nước đang hướng về ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). 15 giờ, nghĩa trang tĩnh lặng, trầm mặc giữa núi rừng Quảng Trị. Ánh nắng chiều xuyên qua tán lá rừng cộng với sự mờ ảo bởi làn khói hương trầm do các đoàn khách thắp trên từng phần mộ, càng làm phong cảnh u tịch, linh thiêng hơn…

Khí phách một vùng đất

Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, tên đất, tên người Quảng Trị đã đi vào sử sách vang dội cùng non sông, đất nước như sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Cồn Tiên, Dốc Miếu, sông Thạch Hãn, Thành Cổ, làng Vây, Khe Sanh, Đường 9... Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, đất Quảng Trị đã thấm không ít máu đào của bộ đội, của dân công hỏa tuyến... Vì vậy, sau khi giải phóng một phần Quảng Trị, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) chọn khu vực Bến Tắt, cạnh quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) để xây dựng nghĩa trang làm nơi an nghỉ của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn.

Đoàn cựu chiến binh thực hiện nghi lễ thắp hương trước đài tưởng niệm

Nghĩa trang có diện tích 140.000m2, nằm trên 3 quả đồi sát thượng nguồn sông Bến Hải. Đây là một trong 72 nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị và là một trong 2 nghĩa trang quốc gia tại tỉnh này. Các phần mộ bắt đầu được quy tập về đây từ cuối năm 1974. Còn các hạng mục công trình khác của nghĩa trang được xây dựng từ cuối tháng 10-1975 và hoàn thành đầu tháng 4-1977. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi an nghỉ của 10.333 anh hùng liệt sĩ và được chia thành 10 khu vực theo địa phương như Hà Nội, Bình - Trị - Thiên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Vĩnh Phú... và một khu dành cho các liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi. Theo thiết kế, diện tích đất mộ 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, diện tích cây xanh 60.000m2, hồ nước 35.000m2 và đường đi trong khuôn viên nghĩa trang khoảng 15.000m2. Đến năm 1999, Nghĩa trang Trường Sơn được nâng cấp, tôn tạo lại cổng vào, hệ thống đường và tường bao quanh, mô hình sở chỉ huy, biểu tượng của các địa phương, các cụm tượng, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh, nhà khánh tiết, đài Tổ quốc ghi công…

Đây là công trình “đền ơn đáp nghĩa” đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người con ưu tú trên mọi miền đất nước đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Với Nghĩa trang Trường Sơn và các chứng tích lịch sử đã tạo nên hồn thiêng sông núi cho vùng đất Quảng Trị kiên trung, đầy khí phách cách mạng. 

Về đây đồng đội ơi!

Chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trong buổi chiều tà. Gió rừng vẫn xao xác thổi trên những khóm cây, bụi cỏ. Hàng đoàn khách viếng mộ kéo dài như vô tận, đâu đó tiếng thuyết minh của hướng dẫn viên các đoàn vang vọng giữa khói hương trầm mặc, xen lẫn tiếng chim rừng xao xác... 

Một cựu quân nhân đã tìm được phần mộ của đồng đội tại nghĩa trang

Ngoài cổng nghĩa trang, chúng tôi gặp rất nhiều đoàn cựu chiến binh từ thời chống Mỹ tổ chức viếng nghĩa trang. Trong sương khói trầm mặc của núi rừng, Nghĩa trang Trường Sơn mênh mang một màu trắng và màu xanh dịu dàng của cây rừng, của hàng chục loại hoa nở, xen lẫn tiếng chim kêu, tiếng lá xào xạc, tiếng bước chân của hậu thế đi thắp hương cho từng phần mộ như góp phần xoa dịu những nỗi đau. Trong nghĩa trang, từng dòng người tỏa ra thắp hương lên từng phần mộ, những cựu chiến binh già tìm thấy nơi an nghỉ của đồng đội mình đã nghiêm trang đứng chào. Nhiều tiếng nấc nghẹn gọi tên đồng đội và những liệt sĩ đang còn nằm lại đâu đó trong rừng sâu, núi thẳm hay nơi đầu sông, ngọn suối... chưa kịp quy tập về, xen lẫn tiếng gió rừng càng làm không gian thêm thâm u.

Rời nghĩa trang trong buổi chiều hoàng hôn sâu lắng của núi rừng Trường Sơn, trong tôi suy nghĩ nhiều về một giai đoạn lịch sử đầy bom rơi, máu chảy, càng trân quý giá trị của tự do và thêm trân quý về thế hệ cha anh đã không tiếc xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghĩa trang Trường Sơn không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi suy tôn sự hy sinh cao quý của người lính, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc ta... Đến với Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để thắp hương, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, để thấu hiểu được nỗi đau của chiến tranh và tôn trọng giá trị của hòa bình và độc lập dân tộc. 

Theo Ban quản lý nghĩa trang, mỗi ngày có trên dưới 50 đoàn khách và nhiều đoàn đi riêng lẻ cùng không ít đoàn khách quốc tế đến viếng. Về thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để sống lại một thời kỳ hào hùng của cha anh khi cả nước cùng ra trận, để thấy sự can trường của một dân tộc, một sự hồi sinh mãnh liệt trên vùng đất đầy bom đạn và thấy giá trị vĩnh hằng của độc lập, tự do. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn còn là biểu tượng để làm sáng mãi đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đồng thời là địa chỉ đỏ nhằm giáo dục thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.                    

  • Từ khóa
34665

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu