Thứ 6, 29/03/2024 18:43:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:42, 29/02/2020 GMT+7

Nghệ nhân, kỷ lục gia Trương Đình Chiếu và đàn đá dân tộc

Cẩm Liên
Thứ 7, 29/02/2020 | 08:42:00 2,194 lượt xem
BPO - Tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (Bù Đăng) lưu giữ 3 bộ đàn đá quý hiếm đều được khắc tên nghệ nhân, kỷ lục gia Trương Đình Chiếu kính tặng. Ông không chỉ mang về bộ đàn đá quý hiếm, tạo điểm nhấn quan trọng cho khu bảo tồn mà còn là người thầy trực tiếp dạy cho con em đồng bào S’tiêng nơi đây học đánh đàn để thổi hồn dân tộc vào những nhạc cụ truyền thống mộc mạc ấy.

Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng và là chiến sĩ Công an TP. Hồ Chí Minh, song nghệ nhân Trương Đình Chiếu (SN1962) lại chịu ảnh hưởng chất nghệ sĩ của bên ngoại với cậu và mẹ đều là nhà thơ. Nghệ nhân Trương Đình Chiếu cho biết: “Từ nhỏ tôi đã mê chơi đàn nên được gia đình tạo điều kiện cho đi học tại nhạc viện. Năm 1968, tôi bắt đầu đi biểu diễn piano. Càng tham gia biểu diễn tôi càng đam mê với nghệ thuật. Từ đó, vừa hoàn thành nhiệm vụ của một người chiến sĩ công an, tôi tranh thủ tập luyện nhiều loại nhạc khác. Sau này, tôi tập luyện và biểu diễn được thêm kèn, guitar, harmonica... Hiện tôi có thể chơi được 100 loại nhạc cụ và phối khí cùng lúc 10 nhạc cụ”.

Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu dạy cho thanh niên S’tiêng đánh đàn đá

Sự tập luyện kiên trì cùng tài năng âm nhạc thiên bẩm hòa kết đã tạo nên sự tài hoa của nghệ sĩ Trương Đình Chiếu. Năm 2012, nghệ sĩ Trương Đình Chiếu được Trung tâm UNESCO Văn hóa thông tin truyền thông công nhận là người có thể biểu diễn nhiều nhạc cụ cùng một lúc nhất Việt Nam. Những bản nhạc ông hòa tấu luôn khiến người nghe say mê.

Với niềm đam mê âm nhạc dân tộc và thực hiện di nguyện của thầy giáo, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê, hơn 10 năm, nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã rong ruổi mọi miền đất nước để tìm kiếm loại đá phát âm thanh nhằm mục đích chế tác nhạc cụ đàn đá. Cho đến năm 2017, trong một lần đến huyện Bù Đăng ông đã có duyên gặp gỡ những cụm đá cây có thể phát ra âm thanh độc đáo.

3 năm qua, nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã chế tác thành công 24 bộ đàn đá (loại 100 ký/bộ) và tặng 24 nhà thiếu nhi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Năm học 2019-2020, ông tặng 30 bộ cho 30 trường học. Trước tết Nguyên đán Canh Tý, ông tặng 1 bộ 5 tấn cho Thiền viện Trúc lâm Phương Nam (Cần Thơ). Riêng Bình Phước được nghệ nhân ưu ái tặng 3 bộ đàn đá, trong đó bộ 20 tấn là bộ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tất cả bộ đàn đá được kỷ lục gia Trương Đình Chiếu tặng với mong muốn gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. 

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu chia sẻ: Những cụm đá cây phát ra âm thanh nằm ngay trong vườn rẫy của người dân. Khi tôi đề cập mua đá để chế tác nhạc cụ âm nhạc dân tộc, nhiều người dân hồ hởi và bán lại. Sau khi có nguồn đá, tôi mang về TP. Hồ Chí Minh và chế tác thành công bộ đàn đá đầu tiên có trọng lượng 3 tấn. Bộ đàn đá này tôi đem tặng Nhà văn hóa thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh.

Trước tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã tặng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo 2 bộ đàn đá, mỗi bộ có trọng lượng 5 tấn. Đặc biệt, sau 6 tháng chế tác nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã tặng và hiện khu bảo tồn đã đưa vào sử dụng bộ đàn đá lớn nhất Việt Nam với trọng lượng 20 tấn. Bộ đàn đá này mang tới nhiều thú vị, độc đáo bởi sự kết hợp của 20 thanh âm. Thanh nhẹ nhất có trọng lượng 250kg, thanh nặng nhất 400kg. Để diễn tấu bộ đàn đá này phải có 4 người đánh cùng lúc. Những bộ đàn đá đã góp phần tạo thêm điểm nhấn cho khu bảo tồn thu hút du khách mọi miền tới tham quan, tìm hiểu về mảnh đất lịch sử Bom Bo. Không chỉ tặng đàn đá, kỷ lục gia Trương Đình Chiếu còn hướng dẫn, dạy miễn phí cách đánh đàn đá cho 12 thanh niên đồng bào S’tiêng tại sóc Bom Bo. Chưa tới 1 tháng, 6/12 thanh niên đồng bào S’tiêng tại sóc đã đánh thuần thục bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” bằng nhạc cụ đàn đá độc đáo.

Anh Điểu Minh (23 tuổi), đang theo học đàn đá tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, cho biết: “Từ ngày có thầy Chiếu về giới thiệu, giảng dạy đàn đá, em rất vui và tự hào. Có lẽ vì tự hào và đam mê, sau hơn 1 ngày, em đã đánh được bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng bằng đàn đá. Âm thanh được phát ra từ loại đá có trên vùng đất mình sinh sống càng khiến em tự hào hơn về quê hương cũng như các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam”.

  • Từ khóa
94189

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu