Thứ 4, 24/04/2024 12:24:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:38, 28/11/2018 GMT+7

Ngành dân số Bình Phước chuyển mình theo Nghị quyết số 21-NQ/TW - Bài cuối

Thứ 4, 28/11/2018 | 15:38:00 1,034 lượt xem

>> Bài 1: Những thách thức trong công tác dân số ở Bình Phước
>> Bài 2: Khó nâng cao chất lượng dân số

HIỆN THỰC HÓA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG

BP - Mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu rõ: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người đến năm 2030. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện các biện pháp tránh thai hiện đại. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số. Để từng bước đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống hiệu quả, phóng viên (PV) Báo Bình Phước đã phỏng vấn ông Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) về một số giải pháp cụ thể.

PV: Một số thành tựu quan trọng về công tác dân số của tỉnh trong thời gian qua là gì, thưa ông?

Ông Bạch Sỹ Long: Ở lĩnh vực dân số, mức khởi điểm của chúng ta không khác gì khu vực Tây Nguyên nhưng hiện nay đạt nhiều kết quả khả quan hơn. Hầu hết các chỉ số về dân số của Bình Phước đã tương đồng với các chỉ số của quốc gia. Để có được thành quả này, thời gian qua ngành dân số đã có nhiều nỗ lực. Tôi cho rằng có 3 điểm nổi trội. Đó là: Sự thay đổi về quan điểm, nhận thức, thái độ và hành vi của hầu hết người dân từ chưa hiểu, chưa biết, chưa tự nguyện thực hiện KHHGĐ sang đồng thuận, chấp nhận, tự nguyện thực hiện. Đạt mức sinh thay thế (năm 2015) sớm hơn mức dự đoán của Trung ương gần 10 năm. Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới tổ chức từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cấp tỉnh đến cơ sở.

Cộng tác viên dân số đến nhà người dân tại thôn 7, xã Bom Bo (Bù Đăng) vận động kế hoạch hóa gia đình

PV: Thưa ông, công tác dân số trong thời gian tới phải thay đổi như thế nào để đáp ứng tinh thần và nội dung quan trọng của Nghị quyết số 21-NQ/TW?

Ông Bạch Sỹ Long: Về quan điểm phải chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Về nội dung phải chuyển trọng tâm thực hiện các nhiệm vụ về quy mô dân số sang chất lượng dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư. Về đầu tư, phải tập trung nguồn lực cho việc giải quyết vấn đề quy mô dân số sang giải quyết các vấn đề về chất lượng dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư. Theo đó, về nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết số 21-NQ/TW cũng nêu rõ: Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Về truyền thông, vận động cần tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con, nuôi dạy con tốt. Đặc biệt, nghị quyết đề nghị phải tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ KHHGĐ.

Cộng tác viên dân số thôn 7, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng  Nguyễn Thị Hoa đến từng hộ dân tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình

PV: Ông cho biết một số giải pháp để Bình Phước từng bước đưa Nghị quyết số 21-NQ/TW đi vào cuộc sống?

Ông Bạch Sỹ Long: Nghị quyết số 21-NQ/TW là văn bản pháp lý có tầm nhìn toàn diện, trọng tâm và rất bản chất về công tác dân số từ trước đến nay. Các nội dung của công tác dân số trong tình hình mới đều nặng nề, phức tạp và khó giải quyết. Do đó, để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra, trong thời gian tới chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn. Điều quan trọng là phải thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội tiếp tục chuyển trọng tâm từ chính sách KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đưa công tác nâng cao chất lượng dân số thành nội dung trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh để phát huy tối đa lợi thế “dân số vàng”, thích ứng già hóa dân số. Theo đó, cấp ủy, UBND các cấp cần tăng cường chỉ đạo, đốc thúc, kiểm tra, giám sát, tăng cường đầu tư nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu như nghị quyết đã đặt ra.

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với tuyên truyền giáo dục thay đổi hành vi của người dân về dân số và phát triển, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, xa, vùng khó khăn. Cải cách hệ thống tổ chức bộ máy thực hiện công tác dân số theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về DS-KHHGĐ, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch về DS-KHHGĐ. Thực hiện tốt việc đăng ký dân số, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu về dân số đầy đủ, chính xác, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành, đồng thời phục vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

P.Dung (thực hiện)

  • Từ khóa
1478

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu