Thứ 7, 20/04/2024 09:40:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:45, 15/05/2011 GMT+7

Nặng lòng vì tiêu… được giá

Chủ nhật, 15/05/2011 | 09:45:00 423 lượt xem

Thời gian qua, giá hạt tiêu đã lên tới mức kỷ lục gần 130 ngàn đồng/kg. Thế nhưng ở Hớn Quản, có không ít hộ dân rơi vào cảnh lao đao vì cây tiêu có hiện tượng chết dần trên diện rộng. Nhà ít thì bị chết hai, ba trăm nọc, nhà nào nhiều thì lên tới con số hàng ngàn nọc, có nhà phải “xóa sổ” cả vườn tiêu.

XƠ XÁC VƯỜN TIÊU

Những năm trước đây, ở Hớn Quản xuất hiện tình trạng cây tiêu chết rải rác trên diện rộng. Đa số các hộ có tiêu bị chết từ 10% đến 50% tổng diện tích vườn, hộ nặng hơn thì tiêu chết cả vườn. Vì vậy, có không ít hộ đã phải loại bỏ cây tiêu sau mấy năm bỏ công sức, tiền của đầu tư hồi phục nhưng tiêu vẫn chết. Nguyên do người trồng tiêu không biết cách phát hiện, phòng trừ kịp thời các loại nấm, bệnh nên cây phát mầm bệnh và lan nhanh sang cây khác. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân cũng chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc cây tiêu nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển, dẫn đến khả năng kháng bệnh của cây kém.

Vườn tiêu dặm lại của hộ ông Thanh đã cho thu hoạch ổn định

Hớn Quản có 1.703,32 ha cây tiêu. Đến nay, toàn huyện có 25 ha cây tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm; 24 ha bị tuyến trùng và 35 ha bị nhiễm rệp sáp ở mức độ nhẹ. Quan sát các vườn tiêu ở tổ 9, ấp 1 xã Tân Khai, chúng tôi nhận thấy, cây tiêu có hiện tượng vàng lá và chết dần từng nhánh. Nhiều vườn tiêu đang trong tình trạng trơ trụi. Ông Nguyễn Văn Nhánh ở tổ 9, ấp 1, xã Tân Khai cho biết: Vườn cây này trước đây tôi trồng 300 nọc tiêu. Giai đoạn tiêu phát triển và cho trái diễn ra bình thường, nhưng chỉ được mấy vụ thu hoạch thì cây bắt đầu chết rải rác. Gia đình đã trồng dặm nhiều lần nhưng không đạt và chỉ sau một thời gian ngắn thì các cây còn lại trong vườn cũng chết đành phải bỏ. Ông Nhánh cũng cho biết thêm, rất nhiều hộ có tiêu bị chết nên chuyển sang trồng cao su hoặc các loại cây ăn trái.

Đến xã Tân Hiệp, Đồng Nơ, chúng tôi nhận thấy cây tiêu cũng trong tình trạng nhiễm bệnh và chết rải rác, có hộ “xóa sổ” cây tiêu từ hai, ba năm nay. Hộ bà Phạm Thị Hương ở ấp 5, xã Đồng Nơ trồng được hơn 1.000 nọc tiêu từ năm 1996. Cây cho thu hoạch tốt nhưng cách đây 4 năm, cây bắt đầu chết rải rác, đến nay cả vườn tiêu chỉ còn 30 nọc nhưng hiện đang bị vàng, rụng lá. Hộ bà Hương đã trồng thế các loại cây điều, cao su, mít… vào diện tích trên. Nhiều hộ nông trong xã than thở: Giá tiêu mấy vụ vừa qua rất cao nhưng không có tiêu để bán. Ngược lại, cây chết nhiều, dặm lại rất khó hồi phục, không biết sẽ gắn bó với cây tiêu được bao lâu?

TRỒNG TIÊU KHÔNG DỄ

Lâu nay, ở tổ 7, ấp 1 xã Tân Khai có ông Nguyễn Văn Thanh được mệnh danh là “người nặng lòng với cây tiêu”. Bởi, không giống như các hộ nông khác, khi phát hiện vườn cây bị chết, ông Thanh đã bỏ công sức đi tìm hiểu nguyên nhân và quyết tâm phải giữ bằng được vườn tiêu. Ông Thanh gắn bó với cây tiêu từ năm 1987, không chỉ riêng với cây tiêu mà ông còn gắn bó với nhiều loại cây khác (cây ăn trái, điều…) nhưng theo ông Thanh thì hồ tiêu vẫn là loại cây trồng khó tính nhất nên rất cần sự chăm sóc, theo dõi thường xuyên. Năm 1995, vườn tiêu có hiện tượng cây chết, ông Thanh đã trồng dặm nhưng không thành. Mấy năm lăn lộn nhưng vẫn không cứu được vườn tiêu, đến một ngày, ông Thanh đọc được thông tin trên báo chí nghiên cứu về sự sống của cây trồng. Từ đó, ông nhận ra một yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh tồn của cây tiêu, đó là độ che phủ cho cây. Ông Thanh đã lựa chọn trồng xen cây lồng mức tạo thành nọc sống cho cây bám trụ. Cây lồng mức có tác dụng vừa che nắng, tạo bóng mát cho cây tiêu dễ hấp thụ CO2, đồng thời lấy lá cây làm phân bón cho hồ tiêu. Rễ cây lồng mức hút dinh dưỡng ít nên không ảnh hưởng đến cây tiêu.

Trong vườn tiêu, ông Thanh trồng bao quanh phía ngoài một vòng cây lồng mức và bên trong được trồng xen kẽ cách một hàng trồng một hàng, vừa có độ che phủ nhưng vừa tạo không gian thoáng cho cây phát triển. Cây phải được phun thuốc bảo vệ chuyên tiêu thường kỳ, trừ tuyến trùng, nấm bệnh, sâu hại… kết hợp chăm bón đúng cách, đúng thời điểm. Giống thích hợp nhất là tiêu sẻ ba, Vĩnh Linh, Ấn Độ. Sau khi áp dụng thử nghiệm, hiệu quả vườn tiêu của gia đình ông Thanh tăng cao rõ rệt, năm 2000 do tiêu chết đến 30% nên với 3 sào tiêu chỉ cho 3 tạ nhưng vụ tiêu vừa qua vườn tiêu đạt hơn 9 tạ. Quan trọng hơn là ông đã khống chế được hiện tượng tiêu chết, nhiều nọc tiêu dặm lại đã cho thu hoạch ổn định. Từ đó, nhiều hộ nông trồng tiêu ở địa phương và vùng lân cận đã tìm đến vườn để học hỏi kinh nghiệm của ông Thanh. Ông Nguyễn Văn Thanh vui vẻ nói: Không dễ cứu chữa được vườn tiêu nên biện pháp tốt nhất để duy trì vườn tiêu là đề cao khả năng phát hiện, trị nấm bệnh, kết hợp bảo đảm chăm sóc đúng quy trình, tạo độ che phủ cho cây. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật của cán bộ trạm Bảo vệ thực vật huyện nên tôi đã thành công.

Ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản cho biết: Qua kiểm tra, theo dõi nhận thấy vườn tiêu của hộ ông Nguyễn Văn Thanh cho kết quả rất khả quan. Đây là hộ điểm về cách phòng trừ tổng hợp các loại sâu, nấm, bệnh trên cây tiêu và hồi phục cây dặm. Nhằm phổ biến phương pháp này, hiện nay, trạm cũng đang thực hiện một mô hình điểm tại xã Tân Hiệp dưới sự hỗ trợ của ông Thanh. Trạm cũng đang theo dõi và hướng dẫn các hộ dân cứu chữa vườn tiêu bị bệnh. Một điều khá đặc biệt đối với người trồng tiêu nhưng rất ít người biết là luôn sử dụng các loại phân hữu cơ, đặc biệt tận dụng phân chuồng từ chăn nuôi, có tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng, tăng khả năng giữ nước, giúp đất tơi xốp, đồng thời là môi trường tốt cho các loại vi sinh vật có ích phát triển tham gia tích cực vào việc phòng trừ nhiều loại bệnh hại rễ cây tiêu. Đừng để cây tiêu chết, thành quả lao động bị bỏ không vì không hiểu kỹ thuật, nhất là trong lúc hạt tiêu được giá như hiện nay.

Hải Châu

  • Từ khóa
39130

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu