Thứ 6, 29/03/2024 15:33:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:18, 29/09/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020-2025

Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Bài 1

Tùng Sơn - Minh Nhâm
Thứ 3, 29/09/2020 | 08:18:00 1,142 lượt xem
BPO - Tinh thần yêu nước, trung thành vô hạn, một lòng đi theo Đảng phục vụ kháng chiến… là những biểu hiện tuyệt vời của tính Đảng trong đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Bình Phước. Hình ảnh “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, Phú Riềng Đỏ, Căn cứ Tà Thiết… đã trở thành những biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cấu thành giá trị lịch sử và bản sắc văn hóa của đồng bào.

Trong giai đoạn đổi mới, hội nhập, để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2025, trở thành một “điểm đến hấp dẫn”, chuyển từ vị trí “dự trữ phát triển” sang “động lực phát triển” của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, cần phải đặc biệt coi trọng đẩy mạnh làm tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao  hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng bào DTTS. Đây vừa là giải pháp trước mắt, vừa là quyết sách chiến lược đảm bảo cho Bình Phước phát triển nhanh, mạnh, bền vững…

NHIỆM VỤ ƯU TIÊN VÀ KẾ SÁCH “TRÙ PHƯƠNG LƯỢC”

Nhân Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Bình Phước online đăng loạt bài chuyên luận “Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Xuất phát thấp, phát triển nhanh

Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: Phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS và chương trình giảm nghèo bền vững là một trong 4 nhiệm vụ ưu tiên. Nội dung này cũng được thể hiện rõ trong chủ đề đại hội, mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ, đồng thời là nội hàm trong các chỉ tiêu, giải pháp lãnh đạo trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại… của Đảng bộ tỉnh. Điều này chứng tỏ, việc củng cố trận địa tư tưởng chính trị, phát triển kinh tế nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn bản sắc văn hóa trong vùng đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Đảng bộ tỉnh.

Mục tiêu, nội dung, giải pháp lãnh đạo xuất phát từ đặc điểm địa lý, tính lịch sử và môi trường kinh tế - xã hội của tỉnh ta. Bình Phước có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gần 20% dân số là đồng bào DTTS. Tuy nhiên, đa phần các gia đình di cư đến Bình Phước, nhất là đồng bào các DTTS đều thuộc diện nghèo, đời sống khó khăn. Vì thế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước cần phải làm tốt công tác an sinh và các vấn đề xã hội.

Công tác giảm nghèo của tỉnh Bình Phước ngày càng thiết thực, hiệu quả, nhất là chương trình xóa 1.000 hộ nghèo DTTS. Trong ảnh: Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đỗ Đại Đồng trao bảng tượng trưng số tiền do Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ các hộ dân ở xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh mua dê giống để phát triển kinh tế - Ảnh: Trọng Phước

Tỉnh Bình Phước được tái lập năm 1997 trên cơ sở tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Cùng là anh em song sinh từ mái nhà chung Sông Bé, nhưng so với Bình Dương, Bình Phước khó khăn hơn bội phần. Hầu như mọi yếu tố bất lợi về địa lý, dân số học, nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông, khoa học kỹ thuật… của Sông Bé trước đây đều dồn lên vai Bình Phước. Để tạo thế và lực vững chắc cho sự phát triển, suốt 23 năm qua, trải qua các kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh Bình Phước luôn coi phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 về công tác dân tộc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (gọi tắt là Nghị quyết 24), qua mỗi kỳ đại hội và trong nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ thường xuyên, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã xác định các chỉ tiêu, nội dung, giải pháp sát thực, mang tính khả thi cao.

Cho dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng sau hơn 2 thập kỷ tái lập tỉnh, đến nay Bình Phước đã có những bước tiến đáng ghi nhận so với cả nước. Tỷ lệ dân số so với cả nước đã tăng từ 0,9% lên 1,03%. Thu ngân sách so với cả nước từ 0,26% lên 0,59%. GDP bình quân đầu người từ 52% bình quân của cả nước lên tương đương với bình quân của cả nước ở thời điểm hiện tại. Tỷ lệ hộ nghèo của Bình Phước vào năm 2019 chỉ còn 2,56% so với khoảng 4% của cả nước. Tốc độ tăng trưởng về dân số, khả năng tạo việc làm, nguồn thu ngân sách và GDP của Bình Phước cao hơn so với bình quân của cả nước. Đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đang phát triển, đổi mới từng ngày.

Từ xuất phát điểm rất thấp, để tạo ra bước phát triển mạnh mẽ trong hơn 20 năm qua là kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng, đồng sức giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Kết quả đó là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đầu tư đúng hướng cho vùng đồng bào DTTS.

Mục tiêu cụ thể và kế sách lâu dài

Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội về “Phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt là Nghị quyết 88) đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%. 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào…

Đối chiếu với mặt bằng chung của cả nước, về lĩnh vực kinh tế, với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2015-2020, Bình Phước hoàn toàn có đủ khả năng hoàn thành vượt mức các mục tiêu của Nghị quyết 88. Trên thực tế, đến nay chúng ta đã hoàn thành nhiều nội dung của Nghị quyết 88 đề ra đến năm 2025, nhất là về giao thông nông thôn, sắp xếp định canh, định cư…

Bình Phước có đông đồng bào DTTS, có đường biên giới dài 260,433km với nước bạn Campuchia, giữ vị trí là địa bàn chiến lược trọng điểm của Đông Nam bộ và cả nước. Việc ưu tiên phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS ở Bình Phước không chỉ nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng vì sự phát triển ổn định của địa phương, mà còn có ý nghĩa mang tính hình mẫu, biểu tượng của kế sách “trù phương lược” cho cả nước, tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế với nước bạn Campuchia và cả khu vực ASEAN...

Tuy nhiên, về lĩnh vực văn hóa - xã hội, bên cạnh tính ổn định tương đối của đồng bào các DTTS bản địa, như: S’tiêng, Khmer…, đại đa số hộ đồng bào các DTTS di cư từ các địa phương khác đến, không còn nguyên vẹn các giá trị văn hóa mang tính phong tục truyền thống. Sự thay đổi về khoảng cách địa lý, đặc điểm môi trường, khí hậu, tập quán canh tác, sinh hoạt… đã hình thành trong đời sống đồng bào các DTTS sự tiếp biến, giao thoa mạnh mẽ và toàn diện. Đặc điểm này có tính 2 mặt. Bên cạnh ưu điểm là nhân tố thuận lợi để tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tính đa dạng, phong phú của môi trường văn hóa và các giá trị truyền thống kết thành bản sắc của tỉnh, là những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý dân cư, an sinh xã hội, duy trì sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, những bất cập, hạn chế này chính là kẽ hở, là môi trường để các thế lực thù địch, các phần tử phản động trong và ngoài nước lợi dụng, câu kết chống phá bằng những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Kết luận của Bộ Chính trị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 nêu rõ: “Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung chuyển biến chậm. So với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng…”. Đối chiếu với tình hình thực tế tại Bình Phước, chúng ta thấy rõ những hạn chế, khuyết điểm này, nhất là ở nguy cơ tái nghèo, xu hướng gia tăng khoảng cách giàu - nghèo, tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Những đặc điểm và thực trạng trên tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng bào DTTS ở Bình Phước. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng bào DTTS là sự cộng hưởng hiệu quả của tất cả yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc lòng tin giữa dân với Đảng, xây dựng trận địa tư tưởng vững chắc để ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và là kế sách phương lược cả trước mắt cũng như lâu dài.

>> Bài 2: Nông thôn mới trong tư tưởng, tư duy

  • Từ khóa
35231

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu