Thứ 6, 19/04/2024 22:59:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:10, 01/01/2016 GMT+7

Mở rộng thị trường trong nước - chiến lược phát triển ngành điều bền vững (Bài 1)

Thứ 6, 01/01/2016 | 08:10:00 930 lượt xem

NGƯỜI VIỆT BAO GIỜ “BIẾT” ĂN HẠT ĐIỀU?!

BP - Việt Nam từ lâu vẫn tự hào là quốc gia xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới nhưng tiêu thụ trong nước vẫn giữ mức 5% tổng sản lượng nhân điều chế biến. Người Việt chưa biết tận hưởng vị thơm ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe của hạt điều là do còn nghèo hay chỉ vì doanh nghiệp chưa thật sự quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng?

HẠT ĐIỀU HỮU ÍCH NHƯ THẾ NÀO?

Nhân Ngày Sức khỏe thế giới 7-4-2015, Hội đồng hạt quả khô quốc tế (INC) phối hợp với các tổ chức hạt quả khô trên thế giới và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) phát động chương trình hành động toàn cầu “Hạt cho cuộc sống” (Nuts for Life). Chương trình này nhằm vận động người dân trên thế giới nên bổ sung các loại hạt quả khô trong thành phần bữa ăn hằng ngày để nâng cao sức khỏe. Nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, chỉ cần ăn các loại hạt (trong đó có hạt điều) thường xuyên với lượng vừa phải (30g mỗi ngày) sẽ bổ sung nhiều vi chất quan trọng có lợi cho sức khỏe (vitamin E, acid folic, magiê, arginine, sterol thực vật và các hợp chất phytochemical), các hợp chất chống ôxy hóa (polyphenols), ngăn ngừa bệnh tật thông thường và gia tăng tuổi thọ.

Doanh nghiệp chế biến điều chủ yếu hướng đến thị trường xuất khẩu

Mới đây, tại diễn đàn giá trị hạt điều Việt Nam được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 1-12-2015, tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh đã công bố giá trị dinh dưỡng hạt điều Việt Nam không chỉ làm người tiêu dùng mà nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều phải bất ngờ. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Ngọc Diệp: Hạt điều là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, với nhiều thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người như prôtêin, lipid, carbohydrate; nhiều chất khoáng như phospho, magiê, calcium, kali, sắt... Trong khi đó, chỉ số đường huyết trong hạt điều chỉ có 9,5%, so với xôi là 79%, bánh mì 55%, cơm gạo tấm 53%, bún 51%... Do đó, nếu sử dụng một lượng thích hợp, nó không chỉ tốt cho sức khỏe của người bình thường mà đặc biệt hiệu quả đối với những người bị bệnh đái tháo đường. Do chứa nhiều loại dinh dưỡng tốt nên nó giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe. Tiến sĩ Ngọc Diệp cũng cho rằng, hầu hết người dân Việt Nam vẫn chưa biết được công dụng hạt điều mà chỉ sử dụng hạt này như một thức ăn chơi chứ chưa dùng như một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.

Cũng tại diễn đàn này, nhiều chuyên gia thị trường trong và ngoài nước, các doanh nghiệp cho rằng: Đa số người dân Việt Nam chưa hiểu rõ về giá trị của hạt điều. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến loại thực phẩm quan trọng này ít có chỗ đứng ngay ở chính nơi nó ra đời. 

TIỆN LỢI VÀ HỢP KHẨU VỊ NGƯỜI VIỆT

Khi tìm hiểu về những lợi ích của hạt điều, tôi đã thử nếm tất cả loại hạt nổi tiếng được người tiêu dùng trên thị trường thế giới quen dùng và đặc biệt tốt cho sức khỏe, như hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ và mắc ca. Nếu so sánh về độ thơm ngon thì không có loại hạt nào sánh với hạt điều Việt Nam, đặc biệt là hạt điều còn nguyên vỏ lụa rang muối giòn, thơm rất hợp “gu” của người Việt...

Hạt điều giàu chất dinh dưỡng và có tác dụng ngăn ngừa ung thư, bảo vệ tim mạch. Trong ảnh là phân loại hạt điều tại Công ty TNHH Mỹ Lệ - Ảnh: T.Phương

Về tiện lợi khi ăn hạt điều rang muối (sản phẩm được người Việt sử dụng nhiều nhất) là có thể dùng tay xoa nhẹ để bóc lớp vỏ lụa. Còn với hạt mắc ca thì phải dùng mảnh kim loại nhỏ để bóc tách vì hạt tròn, bóng, vỏ rất cứng, không thể dùng tay để bóc như hạt điều. Như vậy, người già và trẻ em rất khó khi ăn hạt mắc ca. Nguy hiểm hơn là nguy cơ xảy ra khi trẻ em có thói quen đưa vào miệng để cắn, bởi hạt tròn, trơn bóng dễ bị trôi mắc cổ. Óc chó thì phải dùng búa nhỏ để đập lấy. Riêng với hạt hạnh nhân thì giá quá cao so với túi tiền của người Việt hiện nay.

Đẩy mạnh thị trường trong nước để hạt điều Việt Nam giảm tỷ trọng phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, giúp người dân tiếp cận với sản phẩm thơm ngon, bổ dưỡng có lợi cho sức khỏe cũng là chiến lược phát triển ngành điều bền vững. Từ năm 2010, tại Festival điều do Vinacas phối hợp với Hội điều Bình Phước tổ chức, đã đưa ra mục tiêu phải nâng tỷ lệ tiêu thụ trong nước. Theo đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng đã có nghiên cứu phân tích về giá trị dinh dưỡng của hạt điều với sức khỏe con người.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam mỗi năm “ngốn” khoảng 1,3 triệu tấn nguyên liệu điều thô để sản xuất khoảng 350 ngàn tấn điều nhân. Thế nhưng, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn hiện điều nhân và các sản phẩm chế biến từ hạt điều của Việt Nam được xuất khẩu đến 40 quốc gia, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất với gần 40%; các nước châu Âu gần 30%, Trung Quốc 20%, Úc hơn 11%, riêng thị trường trong nước mới chỉ chiếm 5-6%.

VÌ SAO CHƯA TẠO ĐƯỢC THÓI QUEN TIÊU DÙNG?

Đề cập đến nguyên nhân người tiêu dùng trong nước vẫn chưa có thói quen dùng sản phẩm được chế biến từ hạt điều, tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, sản phẩm vẫn chưa được quảng bá thích hợp; khâu tiếp thị còn hạn chế; hàng hóa từ hạt điều đơn điệu, mới dừng lại ở điều rang muối, chao dầu, kẹo hoặc bánh có nhân điều; thời điểm kinh doanh chỉ bán rộng rãi vào dịp tết Nguyên đán... nên chưa tạo thói quen tiêu dùng cho người dân.

Thành phần dinh dưỡng trong hạt điều đã mang lại cho con người những lợi ích vô cùng đáng quý, không chỉ là món ăn dặm thơm ngon mà còn giúp ngăn ngừa, chữa trị bệnh rất hiệu quả như: Ngăn ngừa ung thư; chăm sóc giấc ngủ; bảo vệ tim mạch, giảm nguy cơ tiểu đường; chăm sóc da tươi trẻ; nuôi dưỡng tóc chắc và mềm mại; giúp răng, nướu răng chống lại vi khuẩn; ngăn ngừa sỏi thận; tốt cho thần kinh và giảm cân, chống béo phì. 

Tiến sĩ Mỹ Loan còn cho rằng, các sản phẩm đưa ra bán cho người dân, nhà sản xuất phải tuyệt đối đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Bởi đây là những yêu cầu cao nhất đối với người tiêu dùng ngày nay. Kế đến là chất lượng hàng hóa, mẫu mã bao bì và giá cả cũng phải cạnh tranh, phù hợp với mức thu nhập của người dân Việt Nam. Về phương thức bán hàng cũng cần phải đa dạng hơn hình thức bán hàng, khai thác bán hàng theo hình thức trực tuyến nhằm đáp ứng được yêu cầu hội nhập và kỷ nguyên số. Tiến sĩ Loan đề nghị, ở cấp độ nhà nước cần có chính sách, chiến lược phát triển dài hạn, tiến hành các hình thức kích cầu tiêu dùng trong nước đối với sản phẩm hạt điều.

Là đất nước có diện tích điều hàng đầu thế giới, Ấn Độ đã rất thành công với việc phát triển thị trường tiêu thụ trong nước. Để cứu ngành điều và người nông dân thoát khỏi cảnh phập phù, Ấn Độ đã có những giải pháp đồng bộ: Tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện truyền thông đại chúng về giá trị của hạt điều; đưa hàng vào trưng bày và bán ở tất cả siêu thị, cửa hàng, chợ; thường xuyên tổ chức các lễ hội về cây điều... Quá trình đến với người tiêu dùng đối với sản phẩm điều ở Ấn Độ kéo dài khoảng 20 năm.

Với một lượng dân số không phải quá đông, diện tích ở mức trung bình, Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế về khoa học, công nghệ như internet, điện thoại đã trở nên thông dụng và với số lượng các cơ quan truyền thông lớn. Nếu Việt Nam làm đúng cách sẽ chỉ mất một thời gian ngắn để đưa được sản phẩm hạt điều đến với tất cả người dân.                

Phương Hà
(Bài viết có sử dụng thông tin của Vinacas)

  • Từ khóa
39890

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu