Thứ 6, 29/03/2024 15:13:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:48, 03/12/2019 GMT+7

Mùa nhãn Ido đầu tiên của nông dân Lộc Thịnh

Thứ 3, 03/12/2019 | 14:48:00 1,641 lượt xem
BP - Cây nhãn được nông dân miền Tây đưa lên trồng tại huyện biên giới Lộc Ninh từ nhiều năm nay và đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Hiện người trồng nhãn ở xã Lộc Thịnh thêm phấn khởi vì vụ nhãn Ido đầu tiên đem lại lợi nhuận kinh tế cao sau 3 năm trồng. Ido là giống nhãn cho năng suất cao, chất lượng trái ngon nên giá bán cao gấp 3 lần so với nhãn da bò.

Gia đình ông Đỗ Xuân Tươi ở ấp Đồng Tâm, xã Lộc Thịnh hiện có hơn 200 cây nhãn Ido 3 năm tuổi và năm nay cho thu hoạch mùa đầu tiên. Ban đầu, gia đình gặp không ít khó khăn khi đưa giống nhãn Ido về trồng vì đất ruộng cằn cỗi, sỏi đá. Ông Tươi cho móc mương, lên liếp đầu tư trồng giống nhãn mới. “Mỗi cây nhãn giống tôi mua với giá 30 ngàn đồng, sau 3 năm trồng cho thu hoạch. Giống nhãn Ido có nguồn gốc từ Thái Lan nên khi trồng ở nước ta muốn cây ra bông đậu trái, nông dân phải nắm vững cách xử lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, đúng cách. Đối với vườn nhà có 200 cây nhãn, tôi xử lý cho ra bông theo 3 đợt, trong đợt 1 do chưa có kinh nghiệm nên mỗi cây nhãn Ido chỉ thu được khoảng 40kg; đợt 2, 3 thì thời tiết thuận lợi hơn, có thể đạt 60kg nhãn/cây” - ông Tươi chia sẻ. Hiện những cây nhãn được xử lý đợt 1 đã bắt đầu cho thu hoạch, thương lái đến cắt tại vườn với giá 27 ngàn đồng/kg, như vậy mỗi cây nhãn Ido đem về cho gia đình ông Tươi hơn 1 triệu đồng.

Ông Đỗ Xuân Tươi ở ấp Đồng Tâm, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh thu hoạch nhãn Ido vụ đầu tiên

 Trải qua hơn 20 năm trong nghề trồng nhãn, năm 2016, ông Đỗ Tấn Thuận ở ấp Cần Lê, xã Lộc Thịnh, trồng thử nghiệm 400 cây nhãn Ido. Những năm trước, ông Thuận chuyên trồng nhãn thường, nhãn da bò, qua tìm hiểu, tham quan các mô hình trồng nhãn Ido, ông quyết định chuyển sang trồng giống nhãn này tại vườn nhà. Hiện ông có 2 ha nhãn, trong đó có 1 ha nhãn Ido. Ông Thuận chia sẻ: Nhãn Ido khá dễ trồng, giá sản phẩm đầu ra tốt và năng suất trái cũng đạt cao nhờ không bị bệnh chổi rồng như nhãn da bò. Do vậy, ông và một số hộ dân trong xã đã chuyển sang trồng nhãn Ido. Sau khi trồng khoảng 2 năm thì xử lý cho thu trái bói và năm nay mới bắt đầu thu chính. Thời điểm này hộ ông đã thu hoạch xong 200 cây nhãn Ido được hơn 8 tấn trái  tươi, với giá bán 27 ngàn đồng/kg, gia đình thu trên 210 triệu đồng. 

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thịnh Nguyễn Văn Anh cho biết: Hiện trên địa bàn xã Lộc Thịnh có khoảng 3 nông hộ trồng nhãn Ido với diện tích hơn 2 ha. Đây là cách làm tự phát của nông dân, song đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao vì giống nhãn Ido không kén đất, chăm sóc dễ, xử lý ra bông đơn giản. Nhãn Ido là hướng đi mới trong lúc giá sản phẩm các loại cây chủ lực của nông dân Lộc Ninh xuống thấp...

Lộc Ninh là vùng chuyên canh về cây trồng lâu năm như hồ tiêu, cao su, điều... Tuy nhiên thời gian gần đây, giá sản phẩm các loại cây này không ổn định, rớt sâu, thêm vào đó vườn cây già cỗi, năng suất thấp cần tái canh. Trước thực trạng này, nhiều nông dân Lộc Ninh mạnh dạn chuyển đổi, đưa mô hình trồng cây ăn trái vào canh tác, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, cây nhãn cũng có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Hiện toàn huyện có hơn 107 ha đất trồng nhãn, với hơn 98 ha diện tích cho sản phẩm, tổng sản lượng trên 11 tấn trái tươi. Nhiều nhất tại các xã Lộc Thịnh với 44 ha, Lộc Hưng 35,6 ha và Lộc Khánh 15 ha.

Mặc dù cây nhãn Ido được cho là hiệu quả kinh tế nhưng diện tích trồng tại Lộc Ninh vẫn khiêm tốn so với nhãn da bò. Nhiều nông dân còn e ngại trồng nhãn Ido vì sợ thất mùa do chưa hiểu biết kỹ thuật xử lý cây ra bông, đậu trái. Thêm vào đó, thời gian qua có ý kiến cho rằng, nhãn Ido cho trái các mùa đầu rất trúng nhưng về sau xử lý cho trái khó hơn. Nông dân còn gặp khó về vốn đầu tư trồng nhãn Ido và đầu ra của giống nhãn này. Mặt khác, thời gian qua, giá nhãn tiêu da bò dù chưa ổn định nhưng nông dân thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm nhờ thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Do vậy, nhiều vườn nhãn da bò dù thường xuyên bị nhiễm bệnh, năng suất thấp hơn, nhưng nông dân vẫn duy trì để có khoản thu nhập trước mắt.

Nhãn Ido ở Lộc Ninh đang mang lại thu nhập khá cho nông dân, tuy nhiên đây là cách làm tự phát không theo quy hoạch, thiếu liên kết... dễ phát sinh rủi ro. Từ thực tế này, nông dân rất mong ngành chức năng quan tâm có định hướng, khuyến cáo kịp thời về triển vọng loại nhãn Ido nói riêng và cây ăn trái trên địa bàn huyện nói chung, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ cần thiết để nông dân an tâm đầu tư trồng, gắn với việc tìm đầu ra nông sản bền vững, duy trì nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Duy Khôi - Phước An

  • Từ khóa
45161

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu