Thứ 5, 25/04/2024 02:03:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:53, 11/11/2015 GMT+7

AN KHƯƠNG:

Nguy cơ mất mùa do hạn hán

Thứ 4, 11/11/2015 | 14:53:00 2,431 lượt xem

BP - Xã An Khương (Hớn Quản) có khoảng 260 ha lúa, trong đó 100 ha lúa 1 vụ, tập trung ở các ấp 4, 5, 8. Đây là phần diện tích không chủ động được nước mà chủ yếu nhờ vào “giếng trời”. Còn lại 160 ha làm được 2-3 vụ/năm do chủ động nước tưới từ đập An Khương. Năm nay, thời tiết bất thường, nông dân không chủ động được mùa vụ nên ngành chuyên môn đã có những khuyến cáo đúng lúc. Tuy nhiên, tập quán canh tác của đồng bào ở đây khó thay đổi dẫn đến nguy cơ mất mùa vụ đông xuân.

THỜI TIẾT BẤT THƯỜNG

Đến cánh đồng ấp 2, 3, xã An Khương trong những ngày này, mắt chúng tôi hoa lên bởi cái nắng rát da cộng với màu vàng ruộm của lúa chín. Bà con nơi đây tấp nập gặt, đập, tuốt lúa để chuẩn bị xuống giống vụ mới. Hiện trên cánh đồng An Khương có hộ đang thu hoạch nhưng cũng có hộ đã làm đất sạ lúa. Như mọi năm, sau khi thu hoạch vụ mùa, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây sẽ xuống giống vụ đông xuân. Nhưng năm nay do mưa đến muộn, lượng mưa ít, nông dân sạ trễ 1-1,5 tháng so với mọi năm. Giống lúa sạ 3 tháng mới cho thu hoạch dẫn đến vụ đông xuân sẽ gặp hạn, có nguy cơ mất mùa.

Đang trong mùa mưa nhưng người dân An Khương vẫn phải tận dụng lượng nước ít ỏi dưới mương để chuẩn bị sạ lúaĐang trong mùa mưa nhưng người dân An Khương vẫn phải tận dụng lượng nước ít ỏi dưới mương để chuẩn bị sạ lúa

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 1800, ngày 19-10-2015 về việc chủ động chỉ đạo chuyển đổi cây trồng chống hạn. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã ảnh hưởng nghiêm trọng ngay từ đầu vụ đông xuân 2014-2015, lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm dẫn đến dung tích các hồ chứa nước thấp hơn so với mực nước thiết kế. Bình Phước lượng mưa đo được thấp hơn so với trung bình nhiều năm 110mm và hiện tượng El Nino còn có thể kéo dài đến hết quý 1/2016.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị phòng nông nghiệp, phòng kinh tế các huyện, thị xã: Đối với diện tích đất lúa bị hạn chưa gieo sạ được, tùy vào điều kiện từng chân đất khác nhau để hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng cần ít nước hơn như bắp, đậu tương, mè... nhằm tránh lãng phí đất và tăng hiệu quả kinh tế. Để chủ động chăm sóc cây trồng cần chủ động tuyên truyền, vận động nông dân nhận thức được nguy cơ hạn hán, hướng dẫn người dân nạo vét kênh mương, sử dụng nước tưới hợp lý tránh tình trạng thất thoát, lãng phí nước trong tưới tiêu.

NÔNG DÂN THỜ Ơ VỚI KHUYẾN CÁO

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến muộn, lượng mưa ít. Trong các cuộc giao ban, Trạm trồng trọt, bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản đã chỉ đạo nhân viên bảo vệ thực vật xã khuyến cáo nông dân những diện tích không đủ nước không nên xuống giống lúa mà chuyển sang cây trồng khác. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức của đồng bào rất khó. Bởi tập quán trồng lúa nước đã ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân ở xã có đến 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như An Khương. Quen canh tác với cây lúa, sợ chuyển sang cây trồng khác không có tiền mua giống, sợ không phù hợp với đất và không có ai mua. Do đó, mọi khuyến cáo của ngành chuyên môn không có tác dụng, đồng bào vẫn xuống giống vụ đông xuân.

Ông Điểu Rum ở ấp 3 cho biết, đã gặt xong 4 sào và đang làm lại đất xuống giống vụ mới. Cán bộ xã nói không nên xuống giống vụ đông xuân mà chuyển sang trồng bắp. Nhìn trời biết năm nay nắng hạn nhưng tôi làm lúa quen rồi, làm cây khác biết có được không. Cứ làm, không trúng thì đành chịu.

Anh Điểu Lương ở ấp 3, có 7 sào lúa tư duy rất lạ. Anh cho biết, vụ mùa sạ trễ 1,5 tháng so với năm trước. Anh tính năm nay chỉ làm được 1 vụ nữa, nếu trồng bắp thay thế sợ không đủ nước tưới. Tôi canh nước ở bờ đập An Khương chắc phải làm hết vụ này mới cạn. Trong khi anh Lương sợ thiếu nước để trồng bắp thì lại tự tin xuống giống lúa vụ đông xuân. Tương tự ruộng lúa của chị Thị Cheng cũng đang gặt tấp cập để kịp xuống giống cùng mọi người.

Đập tràn An Khương có diện tích mặt nước khoảng 50 ha. Mọi năm đến thời điểm này lượng nước tràn đập, song năm nay nước đang ở mực chết. Mực nước này chỉ đủ cung cấp cho vụ hè thu - mùa, các vụ còn lại sẽ thiếu nước. Chúng tôi đã ra sức khuyến cáo, nói đến rát cổ, nông dân không nên xuống giống vụ đông xuân mà chuyển sang trồng loại cây khác phù hợp với điều kiện khí hậu năm nay nhưng họ vẫn không nghe. Hiện ấp 6 đã có 5-6 ha lúa được sạ, cánh đồng ấp 2, 3 cũng có những hộ xuống giống.

Anh Lê Văn Trung, nhân viên khuyến nông xã An Khương

Bà Thị Dinh ở ấp 3 có 6 sào lúa. Vụ mùa năm nay do mùa mưa đến muộn, bà chần chừ chờ mãi đến tháng 8 có cơn mưa đầu mùa mới xuống giống. “Vụ này tôi xuống giống trễ hơn 1 tháng so với năm trước. Tôi làm lúa đã hơn 30 năm nhưng chưa năm nào như năm nay. Thiếu nước chắc tôi chỉ làm 2 vụ” - bà Dinh lắc đầu than. Còn bà Thị Khét ở cùng xã cho biết: Tôi có 5 sào lúa. Năm trước có nước sớm, tôi làm lúa sớm. Mọi năm làm sớm thì được 3 vụ, năm nay 2 vụ mà năng suất thấp. 

Cần cù, chăm chỉ lao động là điều đáng biểu dương. Tuy nhiên thiếu tính toán, không tận dụng “thiên thời, địa lợi”, trồng loại cây phù hợp với điều kiện thời tiết, dẫu có siêng năng, chịu thương chịu khó đến đâu, không ai khác nông dân là người đối mặt với nguy cơ mất mùa, thiếu đói. Bài học cho sự nhờ may rủi này là thực tế ở xã Phước An, vụ đông xuân năm 2012-2013 đã có 20 ha lúa bị mất trắng, vụ đông xuân 2013-2014 mất trắng 7,6 ha do không chủ động được nước. Xã Thanh Bình cũng có 6-7 ha chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2014-2015 trong khi từ đầu năm đến nay, phần diện tích này chưa xuống giống được vụ nào.

H.Cúc - T.Mai

  • Từ khóa
39553

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu